Nhật Bản: Khám bệnh từ xa đang dần trở nên phổ biến


Các dịch vụ tư vấn y tế từ xa, kết nối các bác sĩ và bệnh nhân thông qua thiết bị di động đang lan rộng khắp Nhật Bản. Điều này có được là do những nỗ lực gần đây của chính phủ đối với việc bãi bỏ các quy định liên quan đến y tế từ xa (telemedicine).

Theo đó, bảo hiểm y tế hiện có thể được sử dụng cho các dịch vụ tư vấn từ xa, và các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã có thể đẩy mạnh phát triển các dịch vụ như vậy nhờ trí thông minh nhân tạo trong việc phân tích các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã công bố tầm nhìn của mình về phát triển và sử dụng cơ sở dữ liệu chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ các ứng dụng cho chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật từ xa trong đề xuất mang tên “Tầm nhìn Nhật Bản: Chăm sóc sức khỏe 2035” cùng với những thay đổi về mặt xã hội, bao gồm sự già hóa dân số nhanh chóng và sự tiến bộ của công nghệ y học.

Để thử nghiệm, một phóng viên đã sử dụng một ứng dụng di động chăm sóc sức khỏe được gọi là “curon”, được điều hành bởi công ty chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Tokyo có tên Micin Inc.

Sau khi giải thích qua điện thoại về tình trạng đau đầu và sốt cao thường xuyên lúc sử dụng một lượng lớn thuốc giảm đau, bác sĩ khuyên người phóng viên nên thay đổi thuốc để tránh áp lực lên dạ dày và thận.

Dịch vụ này được đánh giá là thuận tiện vì nó có thể được sử dụng mà không cần phải đến bệnh viện. Có nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với bác sĩ qua điện thoại thay vì đến gặp trực tiếp.

Hiện nay, khoảng 650 cơ sở chăm sóc sức khỏe sử dụng curon. Hầu hết các trường hợp tư vấn cho các bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường, vốn đòi hỏi sự chăm sóc y tế liên tục.

Vào tháng Bảy, ứng dụng được nâng cấp thêm các chức năng mới cho phép bệnh nhân chia sẻ thông tin được thu thập tại nhà với bác sĩ, chẳng hạn như huyết áp, cường độ tập luyện và số giờ ngủ. Nhìn chung, AI có thể tối đa hóa tiềm năng của nó trong phân tích dữ liệu khi thu thập một lượng lớn thông tin.

Seigo Hara, bác sĩ và giám đốc điều hành của Micin, cho rằng trong tương lai, AI sẽ tư vấn cho các bác sĩ để bù đắp cho sự khác biệt về khả năng hoặc thiếu kinh nghiệm trong các lĩnh vực nhất định để cung cấp "kế hoạch điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân."

Lấy ví dụ, AI có thể tư vấn cho bác sĩ về thời điểm một bệnh nhân có thể ngừng uống thuốc hoặc cách thích hợp để bệnh nhân có thể dùng bữa.

Trung Quốc đã chứng kiến sự tiến bộ về công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ Ping An Good Doctor có khoảng 1.000 bác sĩ cung cấp 370.000 cuộc tư vấn từ xa trực tuyến mỗi ngày với sự hợp tác của các bệnh viện khác.

Bằng cách tích lũy dữ liệu từ 300 triệu trường hợp và với sự hỗ trợ của một hệ thống chẩn đoán dựa trên AI, công ty đã có thể cung cấp một lượng lớn các tư vấn y khoa - vượt xa những gì mà một bệnh viện thông thường có thể làm được.

Trong một bài nói ở Tokyo vào tháng Bảy, Oliver Wang, chủ tịch và giám đốc điều hành của Ping An Good Doctor, cho biết, “Y tế từ xa có thể giải quyết các vấn đề chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc như sự thiếu hụt bác sĩ và tình trạng quá tải tại bệnh viện.” Ông nhấn mạnh về mục tiêu “mỗi gia đình có một bác sĩ.”

Một chuyên gia trong lĩnh vực này dự báo về "xu hướng sử dụng dữ liệu y tế với các ứng dụng thông minh làm cơ sở" và khả năng phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng các phương pháp tư vấn từ xa tương tự như hệ thống của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, một chuyên gia Nhật Bản về chăm sóc sức khỏe cũng chỉ ra các vấn đề có thể phát sinh với việc mở rộng các tư vấn như vậy.

“Luôn có khả năng các bệnh hiếm gặp, vốn chưa có thông tin trong dữ liệu, có thể bị bỏ qua”, Akira Yokouchi thuộc Viện nghiên cứu Nomura cho biết, đồng thời bày tỏ hy vọng vào những tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Hiệp (Theo Japantimes)

Xem thêm