Những người trẻ cần gì ở thành phố thông minh?

Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, quá trình lập kế hoạch và triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh phải có sự đồng hành, đồng thuận của người dân.

1515891944-ketxe2.jpg

Nhiều mong chờ ở thành phố thông minh

Chỉ cách trường có 6 cây số nhưng mỗi ngày Hồng Nhung, sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM phải tốn đến hơn nửa tiếng để đi xe máy đến trường. Những hôm kẹt xe, Nhung mất đến cả tiếng đồng hồ.

Nhung chia sẻ cô cũng rất muốn chuyển sang sử dụng xe bus nhưng với chất lượng dịch vụ hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được: “Nếu đảm bảo sạch sẽ, an toàn thì em nghĩ mọi người sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn nhưng hầu hết xe bus hiện nay đều là xe cũ có mùi khó chịu, xe chạy cũng không êm, chưa kể kẹt xe”. Bởi vậy, Hồng Nhung hy vọng đề án xây dựng thành phố thông minh sẽ cải thiện được những vấn đề trên.

Cùng quan điểm trên, Thu Thảo, sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM chia sẻ cô trông đợi vào ứng dụng báo trước kẹt xe, cung cấp cho người dùng lối đi an toàn. Ngoài ra, Thu Thảo cũng rất quan tâm đến vấn đề về môi trường, đặc biệt là xử lý rác thải.

“Em hy vọng đề án có thể cải thiện được những vấn đề cấp bách như việc rác thải không được phân loại tại nguồn gây ô nhiễm môi trường”, Thảo cho biết.

Cuối năm 2017, chính quyền TP.HCM đã công bố đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 và từ đầu năm nay, quận 1, quận 12 và khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là những đơn vị sẽ triển khai thí điểm.

Việc xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh hướng tới quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo, chuyển việc quản trị đô thị sang trạng thái “chủ động”.

Đồng thời, Ban điều hành đề án cũng xác định nhiệm vụ triển khai các ứng dụng CNTT xử lý những vấn đề đang bức xúc như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… và nâng cao chất lượng đời sống của của cư dân thành phố. 

Không thể thiếu sự đồng hành của người dân

1515892129-1484731281-148473104557641-vietnam.jpg

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan chức năng nên có kế hoạch và nghiên cứu thật rõ ràng trước khi thực hiện, tránh hiện tượng làm nửa vời. Đề án không cần phải giải quyết ngay mọi vấn đề mà nên tập trung giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Trong số những người được hỏi, bạn Lan Anh - sinh viên ĐH Ngoại thương, nhận xét: "Nếu thành công, đề án sẽ là sự đột phá, bước phát triển mới không chỉ cho TP.HCM. Nhưng nếu không thành công thì không chỉ mất tiền của, công sức mà còn cho người dân thất vọng. Bởi vậy, việc sử dụng các thiết bị, ứng dụng CNTT phải đúng chỗ, đúng cách và có hiệu quả”.

Bên cạnh đó, tính khả thi của đề án cũng là điều mà nhiều người quan tâm. Nội dung đề án rất hay nhưng sẽ không dễ thực hiện, do đó cần đánh giá rất kỹ về các yếu tố tài chính, nhân lực và trình độ khoa học kỹ thuật. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện sai sót, không hợp lý thì phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Đặc biệt, theo ý kiến của những người được hỏi thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho thành công của đề án. Những người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn vững, đặt mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng. Và quan trọng nhất là quá trình lập kế hoạch và triển khai đề án phải có sự đồng hành, đồng thuận của người dân.

Không bình luận sâu về đề án, anh Nguyễn Văn Minh, đang làm việc tại Quận 1, cho rằng: “Tất cả các vấn đề kẹt xe, ngập nước hay hành chính, y tế, giáo dục đều quan trọng. Những vấn đề đó liên quan trực tiếp đến người dân nên những người thực hiện phải tiếp xúc, tìm hiểu ý kiến, nhu cầu của người dân”.

Phạm Sơn - Báo Khám phá