KHCN tuần qua: Thế giới định nghĩa lại kg, Sáng chế tỷ USD của kĩ sư Việt


Với việc lập kỷ lục thế giới về tốc độ truyền dẫn sợi quang, phát minh của Lê Thái Sơn được đánh giá là một giải pháp tiên phong, có thể thay đổi ngành viễn thông thế giới.

 
 

1. Đơn vị kilogram chính thức được định nghĩa lại

Theo đó, đơn vị này sẽ không còn được xác định bằng nguyên mẫu kilogram quốc tế (IPK), khối kim loại hình trụ bằng bạch kim trong hầm an toàn ở Paris như quy ước cách đây gần 130 năm, mà được thay bằng hằng số Planck gắn liền với ngành lượng tử.

Lí do là vì kể từ khi được tạo ra vào năm 1889, nguyên mẫu kilogram đã bị "sụt cân" sau nhiều năm và không còn chính xác tuyệt đối. Vì vậy, đã đến lúc định nghĩa lại nó theo một cách khác, trường tồn theo năm tháng và đúng nghĩa, chứ không phải tạo ra một phiên bản mới.

Mẩu kilogram chuẩn được xác định từ nhiều thế kỷ trước. Ảnh: New Scientist.

Mẩu kilogram chuẩn được xác định từ nhiều thế kỷ trước. Ảnh: New Scientist.

Ngoài các phòng thí nghiệm vật lý tiên tiến trên toàn thế giới, sự thay đổi này sẽ không tác động đến người bình thường. Cùng với kilogram, ba đơn vị cơ bản khác cũng sẽ được định nghĩa lại, đó là ampe (A) - đơn vị đo cường độ dòng điện; Kelvin (K) - đơn vị đo nhiệt độ; và mole (hay mol) - đơn vị đo lượng chất.

2. Chính thức triển khai chuyển mạng di động giữ nguyên số

Bắt đầu từ ngày 16/11, các thuê bao di động trả sau của VinaPhone, Viettel và MobiFone có thể chuyển sang nhà mạng khác và vẫn giữ nguyên số cũ. Việc chuyển đổi sẽ hoàn tất trong 24 giờ. Phí chuyển đổi chỉ khoảng 60.000 đồng/lần.

Các thuê bao khi chuyển mạng sau 90 ngày sẽ được quyền chuyển sang mạng viễn thông khác hoặc quay về mạng ban đầu nếu dịch vụ không phù hợp.

Đây là một giải pháp để thúc đẩy cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dịch vụ này sẽ đồng loạt được triển khai cho cả thuê bao di động trả trước từ 1/1/2019.

3. Việt Nam chế tạo tên lửa đẩy đưa thiết bị nghiên cứu khí quyển

Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ký hợp đồng thiết kế và chế tạo mẫu tên lửa đưa thiết bị thu thập dữ liệu khí quyển tầng cao.

Đại diện các đơn vị ký hợp đồng nghiên cứu, chế tạo mẫu tên lửa nghiên cứu, sáng 14/11. Ảnh: BN.

Đại diện các đơn vị ký hợp đồng nghiên cứu, chế tạo mẫu tên lửa nghiên cứu, sáng 14/11. Ảnh: BN.

Tên lửa sẽ được thiết kế hai tầng và có thể bay cao trên 40 km. Nó có thể thực hiện tách tầng mang thiết bị đo nhiệt độ, áp suất không khí. Đề tài sẽ được thực hiện trong 24 tháng, bắt đầu từ năm 2018.

4. Người Việt được vinh danh 'Nhà sáng tạo dưới 35 tuổi' của năm 2018

Lê Thái Sơn (31 tuổi) đến từ Vĩnh Phúc, đang làm việc tại Nokia Bell Labs ở Stuttgart (Đức) là một trong 35 nhà sáng tạo dưới 35 tuổi hàng đầu thế giới 2018. Danh sách do tạp chí công nghệ MIT Technology Review (Mỹ) bình chọn.

Công trình được vinh danh của Sơn là dùng các thuật toán để tìm ra độ biến dạng dự kiến cũng như định hình các tín hiệu để bù đắp cho tác động của sự nhiễu sóng khi truyền các dữ liệu thông qua dây cáp.

Kết quả, Sơn đã làm tăng công suất của các sợi quang riêng lẻ lên nhiều lần, từ 40 gigabytes lên đến 256 gigabytes/giây. Đây là kỷ lục thế giới về tốc độ truyền dẫn sợi quang. Phát minh có thể thay đổi ngành viễn thông thế giới với những tác động lên tới hàng tỷ USD.

5. Thiết bị cảm biến có thể chẩn đoán nguyên nhân vô sinh

Các bác sỹ và kỹ sư tại Đại học Southampton (Anh) đã tạo ra một thiết bị cảm biến có thể chẩn đoán nguyên nhân vô sinh không giải thích được. Cảm biến dài 3,8mm, được đưa vào bụng người mẹ chỉ vài phút theo cách cấy dụng cụ tránh thai.

Thiết bị được đưa vào cơ thể phụ nữ, đo nhiệt độ, độ pH và mức độ oxy  trong tử cung của người phụ nữ và báo đến thiết bị di động 30 phút 1  lần.

Thiết bị được đưa vào cơ thể phụ nữ, đo nhiệt độ, độ pH và mức độ oxy trong tử cung của người phụ nữ và báo đến thiết bị di động 30 phút 1 lần.

Công cụ này sẽ theo dõi nhiệt độ, độ pH và mức độ oxy trong tử cung của người phụ nữ trong 7 ngày. Sau đó, cảm biến gửi dữ liệu không dây đến một máy phát nhỏ đeo trên quần áo và chuyển thông tin đến điện thoại thông minh hoặc máy tính. Giải pháp này có thể tiết kiệm cho các cặp vợ chồng vô sinh hàng nghìn bảng Anh.

6. Tạo ra năng lượng từ nấm và vi khuẩn

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Stevens, New Jersey, Mỹ, đã thử nghiệm thành công việc tạo ra một mạng lưới điện cực nhờ việc sử dụng nấm kết hợp với vi khuẩn lam và bao phủ bằng một loại vật liệu đặc biệt gọi là graphene để thu nguồn điện phát ra.

Tuy lượng điện áp được tạo ra là khá nhỏ nhưng các nhà khoa học cho biết, với một hệ thống gồm nhiều cây nấm tương tự, hoàn toàn có thể tạo ra đủ năng lượng để thắp sáng một bóng đèn có công suất thấp.

7. Xăng sinh học từ tảo biển

Nhật Bản vừa khánh thành nhà máy đầu tiên sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo biển ở TP Yokohama. Nhiên liệu sinh học được tạo ra từ việc chiết xuất tinh dầu từ tảo. Tảo biển có khả năng hấp thụ khí CO2. Do đó việc trồng tảo góp phần chống lại tác động của tình trạng trái đất ấm lên.

Nhiên liệu sinh học được tạo ra từ việc chiết xuất tinh dầu từ tảo. Tảo biển có khả năng hấp thụ khí CO2.

Nhiên liệu sinh học được tạo ra từ việc chiết xuất tinh dầu từ tảo. Tảo biển có khả năng hấp thụ khí CO2.

Công ty này dự kiến sẽ sản xuất dầu diesel sinh học dùng cho xe bus vào mùa hè năm sau còn nhiên liệu cho máy bay thì phải chờ tới năm 2020.

8. “Mặt trời nhân tạo” nóng hơn cả mặt trời thật

Viện Vật lý Plasma thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm Lò phản ứng nhiệt hạch Tokamak (EAST). Lò phản ứng còn được biết đến với biệt danh "Mặt trời nhân tạo” có thể đạt nhiệt độ lên tới 100 triệu độ C, nóng gấp 7 lần Mặt trời thật.

Đây được xem là bước tiến đột phá mở đường cho việc phát triển năng lượng sạch thông qua phản ứng nhiệt hạch, trong bối cảnh các nguồn năng lượng dự trữ trong thiên nhiên của Trái Đất đang dần cạn kiệt. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thử nghiệm thành công "Mặt trời nhân tạo".

9. Nhiễm vi trùng vì dùng điện thoại trong nhà vệ sinh

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy: có 75% người mang điện thoại vào nhà vệ sinh, trong đó đến 74% mắc bệnh lý về hệ tiêu hóa và đường ruột.

Nghiên cứu cho thấy có 75% số người sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh. Ảnh: BZ.

Nghiên cứu cho thấy có 75% số người sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh. Ảnh: BZ.

Theo các nhà khoa học đây là thói quen nguy hiểm đối với sức khỏe. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ bị nhiễm các loại vi trùng như salmonella hay E.coli và C.difficle, gây tiêu chảy, buồn nôn, viêm đường ruột, nhiễm trùng máu, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại khi ăn cũng có thể mắc nhiều bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường miệng.

10. Cảnh báo về thế hệ "iGen" u buồn

Điện thoại thông minh và mạng xã hội đang tạo ra thế hệ "iGen" u buồn. Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường ĐH bang San Diego. iGen là thế hệ sinh năm 1995 trở về sau, tốn nhiều thời gian hơn cho internet, mạng xã hội và chơi game, ít khi rời màn hình để làm những việc khác, như đọc sách…

Theo nghiên cứu, trong giai đoạn từ 2011 tới 2012, các triệu chứng trầm cảm trong giới trẻ tăng tới 60% cùng với đó là tỷ lệ tự làm tổn thương bản thân cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Tỷ lệ trẻ vị thành niên tự tử cũng tăng gấp đôi. Nghiên cứu chỉ ra nên giới hạn việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong vòng 2 giờ/ngày hoặc ít hơn.

P.V - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm