Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nhật ký innovation: Ngộ độc lời khuyên

See this content in the original post

Khi chàng sinh viên năm thứ tư khoa quản trị kinh doanh của đại học tư thục lớn nhất Hàn Quốc – Hannam University bảo rằng, bạn muốn làm cái gì đó đóng góp cho quê hương, kiểu như trở thành tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tôi nghĩ cũng hay.

Nhưng khi anh chàng phàn nàn về mọi khó khăn, thiếu thốn để cái tiệm “Cà phê sữa đá” rất ngầu của mình ở ngay trung tâm học thuật của tỉnh Deajeon – Hàn Quốc cứ lỗ lã liên tục, khó khăn trăm bề, thì thiệt lòng, muốn đạp cho một phát vào mông…

Mấy hôm nay Hàn Quốc trở lạnh, thỉnh thoảng tuyết còn rơi. Vài nhánh lá non đã lấp ló trong mớ cây trụi lũi của mùa Đông. Cây mộc lan của trường kiên trì ủ những nụ hoa chi chít khắp thân chưa kịp nở.

Mấy bạn trẻ người Việt, ngồi có phần co ro trong quán cà phê, chờ chúng tôi đến. Họ đều là sinh viên của trường đại học có khẩu hiệu “student first, startup first”. Tức là sinh viên mà nộp đơn xin mở quán cà phê trong trường là được cấp ngay một không gian để thử nghiệm, cần thì các thầy có thể tư vấn thêm.

Xong vì phong trào đó, họ hùn nhau, mở cái quán “Cà phê sữa đá”, và vật vã để nuôi nó, bằng tiền trợ cấp ít ỏi của phụ huynh từ quê gửi sang… Giờ, các bạn ngồi đó, hỏi một câu chán nhất trên đời: “Nhà nước mình có những chính sách gì để hỗ trợ khởi nghiệp?”.

Ô, nhà nước mà có muốn hỗ trợ, cũng không thể hỗ trợ một chàng trai sinh viên năm cuối khoa quản trị kinh doanh, của một người học đại học loại xịn nước ngoài mà không có một kỹ năng cơ bản là… Google trước khi hỏi.

Cô gái trẻ, đang mới sang để học tiếng Hàn, chắc phải mất thêm một năm nữa mới đủ chữ để vô hệ đại học, hoang mang: “Em thích làm diễn viên múa, nhưng nhà em muốn em học ngành kinh tế, giờ em nên làm sao, anh chị cho em xin lời khuyên…”.

Trời ơi, làm sao mà mới gặp chưa được năm phút, nghe dăm ca câu chào hỏi, mà biết khuyên răn gì. Tư dưng, nhớ cảnh mỗi ngày lên mạng, thấy tràn ngập lời khuyên từ đủ chuyên gia, khuyên phải ước mơ như thế này, phải sống như thế kia, phải theo đuổi những giá trị gì…

Có khoảng 34 triệu kết quả bằng tiếng Việt cho từ khoá “lời khuyên” mà Google tích trữ, trả về ngay sau nửa giây tìm kiếm. Vậy mà những người trẻ vẫn cứ hoang mang đi tìm lời khuyên.

Và khi mà ai cũng thích đưa ra lời khuyên, một cách nhiệt tình để giúp hay cố gắng chứng tỏ bản thân mình là có nhiều… lời khuyên, thì đang vô tình đẩy người trẻ vào một cảm giác “mông lung như một trò đùa”.

Không mấy ai nhớ rằng, thứ mà học sinh nhà mình, ít được rèn giũa nhất, là kỹ năng phản biện, critical thinking, để biết là cái gì nên nghe, cái gì nên mỉm cười bỏ qua, và cái gì chả bao giờ nên quan tâm.

Và thường xuyên, các lời khuyên sẽ trái chiều nhau, lại đẩy họ vào một thứ gọi là “paradox of choice” – nghịch lý của sự lựa chọn, không biết phải làm gì, vì làm gì cũng sẽ có chút nuối tiêc, sai lầm.

Vậy giờ sao? Không thể cứ mắng mỏ những chàng trai, cô gái mới vừa rời tổ, đang rất háo hức với cuộc sống bên ngoài, tràn đầy những giấc mơ – và cũng có khi chưa kịp định hình giấc mơ của mình.

Tôi nhớ lại mình ngày xưa, cũng hoang mang giữa cuộc đời, lơ ngơ vô định. Tôi bèn kể cho các bạn nghe, với điều kiện các bạn phải biết rằng đó là chuyện của tôi, và không bao giờ giống hoàn cảnh của các bạn.

Tôi có một ông thầy giỏi, đó là Einstein, người đã dạy một điều duy nhất: “Hãy biết hỏi, và phải học cách hỏi”. Hỏi hoài, hỏi hoài một câu, thì mọi thứ sẽ có chút sáng tỏ.

Ví dụ, hỏi hoài: “tại sao lại muốn cái này?”, trả lời xong, vẫn hỏi tiếp “mà tại sao lại không là cái khác?”, và cố gắng theo đuổi chừng…

7 cái câu “tại sao” như vậy, thật thà trả lời, sẽ khám phá được một chút gì đó về thứ mình muốn. Có lúc, cứ hỏi “Tại sao” hoài cũng mệt quá, nên tự hỏi: “Rồi sao nữa”. Cũng hỏi 7 lần, thì thoát ra được khỏi cái hoang mang.

Ngộ độc lời khuyên – là cách mà ông Huỳnh Kim Tước nói về chuyện này. Ông không có thuốc giải độc, chỉ có bản thân người bị ngộ độc tự nhận ra tình trạng này của mình, và để cho cơ thể, tinh thần và tâm hồn của mình tự đào thải độc tố của lời khuyên ra ngoài.

Lời khuyên, là thứ mà ai cũng thích nói ra, cũng thích được nghe. Nhưng thôi mà, lời khuyên nhiều lắm, và cái gì cũng chỉ là thứ tương đối, vô cùng tương đối, không chắc đúng với mình đâu.

Xin chép lại một câu của Einstein, cho những ai còn đọc tới đây: Student is not a container you have to fill but a torch you have to light up” – “Sinh viên không phải là bồn chứa mà chúng ta phải đổ đầy, mà là ngọn đuốc cần được châm lửa”.

Vậy bạn, có là ngọn đuốc, hay sẽ là người châm lửa?

Bung Trần

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

See this content in the original post

Xem thêm

See this content in the original post