Doanh nghiệp Startup không nên lo ngại bị thâu tóm khi M&A
Những thương vụ M&A không chỉ là 2 bên mua/bán lẫn nhau, mà bản chất cũng là một hoạt động đầu tư. Vì vậy các doanh nghiệp startup không nên quá lo ngại khi tham gia M&A.
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2022 lần thứ 14 với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Thương vụ ASART cho biết, các doanh nghiệp Startup tỏ ra lo ngại khi tham gia M&A vì sợ bị thâu tóm.
Theo bà Bình Lê, bản chất của M&A không chỉ là việc mua bán giữa 2 doanh nghiệp để phát triển, mà đây chính là một hoạt động đầu tư. Ví dụ như mua vàng, năm nay mua một lượng với 6 đồng, sang năm bán với giá 7 đồng, vậy là mình lãi 1 đồng. M&A cũng tương tự vậy, khi mua về không chỉ để phát triển mà sẽ là cả quá trình đầu tư.
“Các startup không nên nghĩ việc bị thâu tóm là vấn đề nhức nhối, mà hãy nghĩ tích cực hơn. Thực tế, việc các startup được các nhà đầu tư lựa chọn và rót vốn đã là một thành công rồi”, bà Bình Lê nói.
Chia sẻ thêm về những ngành nghề sẽ trở thành tâm điểm cho thị trường M&A trong năm 2023, bà Bình Lê cho biết, y tế, chăm sóc sức khỏe là ngành xương sống, rất quan trọng. Trong 3-5 qua đã rất hấp dẫn và sôi động, nhưng mới chỉ là bắt đầu. Trước đây, lĩnh vực y tế chỉ do Nhà nước nắm, nhưng sau đó đã cởi mở hơn về quy định, sở hữu tư nhân nhiều hơn.
Sau y tế sẽ là mảng giáo dục, các nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn được đầu tư vào mảng giáo dục tại Việt Nam. Nguyên do vì sức mua, sức tiêu dùng lớn. Thêm vào đó là các mảng hậu cần, năng lượng, sản xuất…. cũng là những ngành có giá trị thực.
THEO VIỆT DŨNG