Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc phạm vi quản lý khoa học và công nghệ trong các dự án đầu tư tại khu vực Miền Nam
Hội nghị do Vụ Đánh giá, Thẩm định, Giám định Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 10/5/2024 tại Hội trường 272 Võ Thị Sáu với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố và đại diện các tỉnh thành khu vực Miền Nam.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, với xu thế phát triển của thời đại, cách mạng khoa học công nghệ sẽ mang lại cho con người những thay đổi lớn trong cách tiếp cận các vấn đề của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội mỗi quốc gia. Hội nghị tập huấn lần này diễn ra với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc quản lý khoa học và công nghệ trong những dự án đầu tư tại khu vực Miền Nam theo định hướng chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình hội nhập phát triển kinh tế xã hội.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu được quán triệt nội dung cơ bản của 03 Quyết định: QĐ số 12/2023/QĐ-TTg; QĐ số 29/2023/QĐ-TTg và QĐ số 33/2023/QĐ-TTg.
Ông Bùi Văn Hùng (đại diện Vụ Đánh giá, Thẩm định, Giám định Công nghệ - Bộ KH&CN) trình bày nội dung cơ bản của 03 Quyết định: QĐ số 12/2023/QĐ-TTg; QĐ số 29/2023/QĐ-TTg và QĐ số 33/2023/QĐ-TTg.
Một là, Quyết định số 12/2023/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023 về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao. Đối tượng áp dụng gồm: dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 Luật đầu tư; dự án thuộc đối tượng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao và các tổ chức cá nhân có liên quan. Quyết định này không áp dụng đối với các dự án đầu tư thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, Quyết định số 12/2023/QĐ-TTg gồm các nội dung cơ bản sau: quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; quy định về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận; quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục; quy định về hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao; quy định về sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao; quy định về kinh phí thực hiện.
Hai là, Quyết định số 29/2023/QĐ-TTg, ngày 19/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024, quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan chủ trì tổ chức việc xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 11 Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ. Trong đó, Điều 4 của Quyết định này quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư.
Trình tự thực hiện như sau: nhà đầu tư trước khi đề nghị được gia hạn thời gian hoạt động phải lựa chọn tổ chức giám định độc lập để thực hiện giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đang sử dụng tại dự án và được cấp chứng thư giám định kết luận về việc đáp ứng tiêu chí quy định tại khoản 10 Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Tiếp theo đó, nhà đầu tư nộp hồ sơ đến cơ quan chủ trì xác định công nghệ của dự án đầu tư. Hồ sơ đề nghị phải có chứng thư giám định và thuyết minh hiện trạng công nghệ của dự án đầu tư kèm theo danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư. Sau khi thực hiện thủ tục xác định công nghệ và có văn bản kết luận dự án đầu tư không sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên của cơ quan chủ trì thì nhà đầu tư mới thực hiện thủ tục đề nghị gia hạn thời gian hoạt động của dự án đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư nộp hồ sơ có kèm theo văn bản xác nhận công nghệ của dự án đầu tư đề nghị gia hạn thời gian hoạt động của dự án đầu tư.
Trường hợp cơ quan chủ trì kết luận dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong 2 phương án:
(1) Không làm thủ tục gia hạn thời gian hoạt động của dự án đầu tư;
(2) Đầu tư thay mới máy móc, thiết bị, đại tu, hiệu chỉnh dây chuyền công nghệ và thực hiện giám định lại, nếu đạt các chỉ tiêu kỹ thuật thì gửi hồ sơ đề nghị cơ quan chủ trì xác định công nghệ.
Ba là, Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024, quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư. Quyết định này áp dụng đối với cơ quan yêu cầu giám định, cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư, tổ chức giám định được chỉ định, nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Công tác triển khai thực hiện Quyết định này cụ thể như sau: các sở, ban, ngành trong phạm vi, chức năng quản lý, giám sát chủ đầu tư thực hiện việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Trường hợp, có căn cứ xác định nhà đầu tư có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 28 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư), gửi văn bản yêu cầu tổ chức việc giám định theo Mẫu số 01 Phụ lục của Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg kèm theo các tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm trong dự án đầu tư đến cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đồng thời là cơ quan yêu cầu giám định, thì cơ quan có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định tổ chức việc giám định, bỏ qua bước yêu cầu tổ chức việc giám định.
Trường hợp phiên họp Hội đồng chưa đủ căn cứ để cho ý kiến về chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hoặc có nhiều ý kiến không thống nhất, Hội đồng xem xét, tư vấn thực hiện giám định thông qua tổ chức giám định được chỉ định và các nội dung cần giám định.
Trường hợp phải đấu thầu lựa chọn tổ chức giám định, cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu thầu, thời gian và trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Theo thông tin tại Hội nghị, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ thu hút đầu tư từ các dự án có giá trị gia tăng thấp sang các dự án có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ của các Tập đoàn lớn xuyên quốc gia sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi cấu trúc của nền kinh tế nhanh hơn. Việc ban hành các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai các hoạt động quản lý công nghệ theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyển giao công nghệ là cần thiết, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý giúp các cơ quản lý nhà nước tổ chức triển khai các hoạt động cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao, xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý công nghệ trong các dự án đầu tư.
Hội nghị tập huấn lần này cũng là dịp để các đại biểu, khách mời thảo luận, chia sẻ ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoa học và công nghệ đối với các dự án đầu tư tại khu vực Miền Nam.
Minh Nhã (CESTI)