TP.HCM kết nối tìm giải pháp phát triển các mô hình kinh doanh công nghệ sinh học
Chiều 16/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 5/2024 với chủ đề "Định hướng và giải pháp phát triển dịch vụ công nghệ sinh học tại TP.HCM".
Chương trình thuộc chuỗi sự kiện Inno-coffee năm 2024 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công), cũng là hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2024, chào mừng Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ. Sự kiện hướng đến các mục tiêu cụ thể như: định hướng và tìm kiếm giải pháp phát triển dịch vụ công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn TP.HCM, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa kết quả phát triển ngành CNSH; xác định các vấn đề, nhu cầu kết nối, tìm kiếm công nghệ, giải pháp, quy trình để giải quyết các thách thức liên quan đến phát triển dịch vụ CNSH tại Thành phố; định hướng đặt hàng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực CNSH, phục vụ phát triển nền công nghiệp sinh học của Thành phố.
Tại sự kiện, GS.TS. Trần Linh Thước (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) đã trình bày tham luận đề dẫn "Định hướng và giải pháp phát triển dịch vụ công nghệ sinh học". Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại doanh nghiệp cũng trình bày các báo cáo tham luận như Định hướng và giải pháp phát triển dịch vụ công nghệ sinh học trong lĩnh vực mỹ phẩm; Ứng dụng phát triển dịch vụ công nghệ sinh học trong lĩnh vực giải trình tự gen phục vụ ngành y tế; Ứng dụng phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học tại Công ty TNHH Mediworld.
Theo GS.TS. Trần Linh Thước, hiện nay, tại Việt Nam, cần xác định CNSH phải là công nghệ hiện đại, ứng dụng được các quy trình, công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống, sản xuất trong lĩnh vực y học, nông nghiệp, công nghiệp. Trong lĩnh vực y học, CNSH chủ yếu ứng dụng cho sinh dược (dược phẩm, thuốc, vaccine); trong công nghiệp, CNSH gắn liền với các kỹ thuật hóa sinh, sử dụng các quy trình sản xuất dựa trên chất xúc tác sinh học, vi sinh vật, tế bào, enzyme,... để tạo ra các sản phẩm có giá trị. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, CNSH ứng dụng tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; canh tác bền vững, kháng bệnh; dùng kỹ thuật gen, tế bào để sửa đổi, cải tiến giống, sản phẩm nông nghiệp, giúp sản xuất an toàn, hiệu quả hơn.
GS.TS. Trần Linh Thước (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) đã trình bày tham luận đề dẫn tại sự kiện
Cũng theo GS. Thước, thị trường CNSH toàn cầu năm 2022 khoảng 860 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 1700 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép/năm (CAGR) 8,7% từ 2023 đến 2030. Top 10 xu hướng đổi mới CNSH trên thế giới năm 2023 (dựa trên phân tích từ 4351 công ty start-up và scale-up) đáng lưu ý là: trí tuệ nhân tạo (AI); dữ liệu lớn (Big Data); chỉnh sửa gen (Gene Editing); y học chính xác (Precision Medicine); giải trình tự thế hệ mới (NGS); sản xuất sinh học (Biomanufacturing); in sinh học (Bioprinting); sinh học tổng hợp (Synthetic Biology); mạch vi lỏng (Microfluidics); kỹ nghệ mô (Tissue Engineering).
Qua phân tích đặc điểm các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực CNSH (mô hình nền tảng, mô hình sản phẩm và mô hình kết hợp), GS. Thước đã đề xuất định hướng và giải pháp phát triển kinh doanh CNSH tại TP.HCM. Cụ thể, về định hướng và mục tiêu, phát triển CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển và kinh doanh CNSH. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình kinh doanh và công ty CNSH là nòng cốt trong phát triển công nghiệp sinh học tại TP.HCM. Đến năm 2030, tăng 2-4 lần số lượng công ty CNSH, đóng góp 7% vào GDP của Thành phố.
Về giải pháp, GS. Thước cho rằng, cần xây dựng bản đồ công nghệ về CNSH tại TP.HCM; thống kê số lượng, doanh số các công ty CNSH theo 3 mô hình kinh doanh CNSH tại TP.HCM (có thể tham khảo 3 mô hình và 4 phân khúc của Ấn Độ). Đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc biệt trong hợp tác công tư, để khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập, đầu tư, hoạt động của các công ty CNSH tại TP.HCM.
Sự kiện ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp
Các đề xuất về định hướng và giải pháp này cũng được các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp tại sự kiện đồng tình và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, chủ đề của sự kiện kết nối sáng tạo lần này khá thiết thực. Hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn liên quan tới hành lang pháp lý cho việc chuyển giao công nghệ các sản phẩm nghiên cứu khoa học, cấp phép thử nghiệm sản phẩm, công nghệ mới liên quan công nghệ sinh học, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… Do vậy, Nhà nước có thể tài trợ thử nghiệm sản phẩm ở quy mô nhỏ trước khi triển khai ứng dụng vào thực tế, có cơ chế hỗ trợ ban đầu cho các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp,…
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, chuỗi sự kiện Inno-coffee nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Với sự kiện kết nối sáng tạo tháng 5/2024, Sở mong muốn đóng góp cho mục tiêu đưa TP.HCM trở thành một trong 10 đơn vị đứng đầu Châu Á về phát triển CNSH, đóng góp 10-15% GRDP của Thành phố. Sở cũng mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, đưa ra những bài toán đặt hàng phát triển thành các nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu này để ngành CNSH Thành phố đáp ứng được mục tiêu của các kế hoạch, chương trình hành động mà Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành.
Theo bà Huệ, việc tạo ra không gian "kết nối sáng tạo" này cũng là một kênh kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; lan tỏa các sản phẩm, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực CNSH; tập hợp các thông tin, ý tưởng, đề xuất, đặt hàng bài toán phù hợp trong ngành CNSH nhằm định hướng phát triển dịch vụ CNSH; tìm kiếm giải pháp hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghiệp sinh học tại TP.HCM.
Lam Vân (CESTI)