Tiến sỹ khoa học gốc Việt mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong đổi mới sáng tạo
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) của Việt Nam. Chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng của không chỉ các nhà khoa học trong nước mà cả mạng lưới các nhà khoa học quốc tế.
TS. Ngô Huỳnh Thiện, Viện Khoa học Vật liệu Quốc gia Nhật Bản (NIMS) cho rằng, để xây dựng NIC trước tiên cần có một đội ngũ các nhà khoa học, quản lý, cố vấn và nhân viên kỹ thuật giỏi.
Tiếp theo, cần có sự đầu tư vào cơ sở vật chất. Mặc dù các cơ sở công nghệ cao thực sự không có sẵn ở Việt Nam vì các trang thiết bị rất đắt đỏ và không có những người có kỹ năng để vận hành và bảo trì chúng. Đó là lý do tại sao cần đào tạo nhân lực trong nước bởi các chuyên gia bên ngoài là đầu tư quan trọng đầu tiên.
“Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nên mở các cơ sở này cho tất cả các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam. Các tập đoàn có thể đầu tư tài chính, Chính phủ có thể đầu tư cả về tài chính và chính sách hỗ trợ để thu hút chuyên gia có tay nghề cao từ nước ngoài” - TS. Ngô Huỳnh Thiện nói.
Về ý tưởng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tại Nhật Bản, theo TS. Ngô Huỳnh Thiện, nếu xây dựng mô hình này, sẽ có nhiều lợi thế và có thể trở thành hình mẫu cho Việt Nam với các lý do: cộng đồng người Việt rất mạnh và được kết nối tốt tại Nhật Bản.
Hiện đã có 3 - 4 tổ chức tại Nhật Bản cho các học giả và chuyên gia Việt Nam. Họ thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối, chia sẻ học thuật và kinh nghiệm sản xuất.
Do đó, nếu có một tổ chức như thế này được thành lập tại Nhật, cần có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh và tầm nhìn của một mô hình mẫu dưới sự bảo trợ của Chính phủ, được điều hành bởi người Việt Nam.
“Quan hệ đối ngoại của hai quốc gia gắn bó rất chặt chẽ, sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam là hai lợi thế rất lớn, qua đó tạo cơ chế để các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc cho chính phủ Nhật trở thành cầu nối quan hệ phát triển khoa học và công nghệ của hai nước”.
Chia sẻ về Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tại Nhật Bản có thể làm ví dụ cho NIC ở trong nước hay không, TS. Ngô Huỳnh Thiện khẳng định vừa có và vừa không.
Có bởi lý do: Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tại Nhật Bản hoạt động với phong cách quản lý phương Tây và Nhật Bản, rất hiệu quả, năng suất và tập trung. Quản lý của mô hình này tại Nhật Bản bao gồm các chuyên gia có thể tự do vận hành tổ chức theo cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tại Nhật Bản tập trung vào các hoạt động Việt Nam - Nhật Bản. Mặc dù, các chuyên gia từ các quốc gia khác có thể tham gia với tư cách cố vấn nhưng trọng tâm chính trong hoạt động giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Những gì NIC cần không chỉ là các chuyên gia và công nghệ từ Nhật Bản hay Mỹ, mà từ khắp nơi trên thế giới. NIC phải là sân chơi cho sự đổi mới từ tất cả các nhà khoa học, công ty, trường đại học từ khắp mọi nơi trên thế giới.
TS. Thiện đề xuất mạng lưới các nhà khoa học quốc tế có thể hỗ trợ được cho NIC và các hoạt động khác ở Việt Nam dựa trên khái niệm trung tâm đổi mới mở. Một số chuyên gia cho biết, họ sẵn sàng mở nhóm vệ tinh ở trung tâm đổi mới sáng tạo mở này, thậm chí làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian tại Việt Nam.
Những chuyên gia này là các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của họ, với các giám đốc và người sáng lập của hầu hết các trung tâm quốc gia quan trọng về khoa học nano, thám hiểm không gian,..
TS. Thiện khẳng định nếu được hỗ trợ về cơ chế, chắc chắn các nhà khoa học quốc tế có thể thúc đẩy các hoạt động đổi mới của NIC ở Việt Nam và các viện khác ở Việt Nam, giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư từ các tập đoàn và Chính phủ vào công nghệ mới.
TS. Ngô Huỳnh Thiện sinh năm 1981 tại TP. HCM. Ông cùng mẹ và các chị gái rời Việt Nam khi mới 7 tuổi và lớn lên ở Bỉ. Tại đây, ông theo học ngành hóa học tại Đại học Leuven và hoàn thành bằng Tiến sĩ Hóa học hữu cơ vào năm 2010.
Ông từng được Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Đại học Messina (Ý) mời tham dự nhóm nhà nghiên cứu với các nhà khoa học hàng đầu về khoa học siêu phân tử và quang học.
Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông đã nhận được học bổng danh tiếng Alexander von Humboldt để làm nghiên cứu sau tiến sỹ tại Đại học Berlin (Đức).
Từ năm 2017, TS. Ngô Huỳnh Thiện đã tham gia Nhóm cảm biến Olfactory tại NIMS để nghiên cứu mũi điện tử dựa trên cảm biến cơ học nano.
Gần đây, TS. Thiện đã thành lập Nhóm cảm biến chức năng tại Trung tâm R&D của Khu công nghệ cao TP.HCM với mục tiêu chính là phát triển mảng cảm biến mới như mũi điện tử cho các ứng dụng nông nghiệp, môi trường và y sinh.
Nguyễn Tuân