Chúng ta đang phó thác trái tim của mình cho Facebook

Bộ não của chúng ta đã bị Google lấy mất. Nicholas Carr đánh động điều đó từ năm 2008 với bản tham luận nổi tiếng “Có phải Google đang làm chúng ta trở nên ngu đi?”.

Sau đó, ông phân tích kỹ hơn vấn đề trong cuốn sách đề cử giải Putlizer “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta” năm 2011.

Chúng ta tin cậy quá mức vào mọi câu trả lời trên Google. Cùng với cả một đại dương thông tin mênh mông làm tràn ngập sự chú ý của chúng ta, Google đang biến từng người thành những kẻ suy nghĩ hời hợt. Chúng ta phó mặc cho một công cụ tìm kiếm suy nghĩ hộ cho mình.

Nếu Google là bộ não, thì Facebook cũng nhanh chóng trở thành trái tim của chúng ta.

Trong khi ‘bộ não Google’ suy nghĩ bằng công cụ tìm kiếm, thì ‘Trái tim Facebook’ để cho mạng xã hội lớn nhất thế giới cảm nhận thay cho mình.

Chúng ta dần quên đi các sở thích, mong muốn thực của mình mà đang tự hài lòng với những thứ Facebook đề xuất trên News Feed mỗi người.

Trái tim Faceook làm ngơ những cảm xúc bên trong trái tim chúng ta, và dạy cho chúng ta rằng: Chúng ta chính là những gì chúng ta có ở trên Facebook.

Dĩ nhiên, trái tim phức tạp hơn nhiều so với một thuật toán. Nhưng bằng cách dựa quá nhiều vào các tiện ích trên Facebook, chúng ta đang có nguy cơ mất khả năng tạo ra ý thức của chính chúng ta về bản thân mình.

Các video được biên soạn sẵn của Facebook là một trong những cách mà nền tảng này làm rối tung trái tim bạn.

Bạn không cần phải nghĩ ngợi gì hết, chỉ cần mỗi việc nhấn nút chia sẻ. Bạn được cung cấp một cách thức quá dễ dàng để trình bày với thế giới: bạn là ai.

Những tương tác của bạn bè với nhau trên Facebook dần được định nghĩa là độ thân mật của mối quan hệ. Các bạn ‘thân’ sẽ tự động được xuất hiện trong các slide ảnh hấp dẫn của bạn để trưng ra với mọi người.

Tất cả được thiết kế độc đáo để trông có vẻ rất tự nhiên. Nó nhắc nhở những kỷ niệm, những sự kiện xảy ra trong quá khứ với sự thân mật giả tạo.

Giáo sư triết học Evan Selinger thuộc Viện công nghệ Rochester nói: “Bạn đang được nhận những đoạn trích quá khứ lý tưởng hóa của bạn với hình thức lãng mạn mới này”.

Selinger là đồng tác giả của cuốn sách “Con người trong thế kỷ 21”, nơi ông và Brett Frischmann khám phá ra “kỹ thuật của xã hội công nghệ” do các công ty như Facebook tạo ra để thúc đẩy cảm xúc của mỗi người.

Selinger định nghĩa điều này là “kỹ thuật điều khiển sự ham muốn, sở thích, thậm chí cả cảm xúc của người khác bằng công nghệ”.

Khá là rõ ràng rằng bạn đang bị ảnh hưởng trên Facebook. Facebook là một công ty thương mại, hoạt động vì lợi nhuận, bạn chẳng thể mong đợi gì họ làm khác đi.

Selinger nói: “Có vẻ như rõ ràng rằng việc điều chỉnh cảm xúc của chúng ta là một phần của trò chơi của Facebook. Nếu Facebook có thể sử dụng quá khứ của chúng ta để làm cho chúng ta thêm gắn kết với họ trong hiện tại và tương lai, họ chắc chắn sẽ làm thế”.

Điều nguy hiểm là chúng ta đang chấp nhận “Chúng ta chính là một phiên bản Facebook”.

Selinger nói: “Đến một lúc nào đó, khi những công nghệ này đủ mạnh để chi phối cuộc sống tình cảm của chúng ta, chúng ta sẽ mất nhận thức về tình cảm của chính mình mà giao phó hoàn toàn cho các thuật toán của Facebook”.

Điều này tương tự như việc sử dụng GPS nhiều sẽ làm giảm khả năng định hướng và cảm giác về vị trí.

Bạn rất không nên như vậy. Thay vì gõ tìm trên Google ngay lập tức cho mọi câu trả lời, bạn có thể tư duy một cách chủ động và sâu sắc hơn.

Thay vì chia sẻ ngay kỉ niệm được tự động tạo sẵn của Facebook, bạn có thể cẩn thận chọn lựa với mục đích của riêng mình.

Đó là những cách hi vọng có thể bỏ qua các thuật toán của máy tính, và để cho trái tim của bạn được quyền xác định cảm xúc của chính mình.

Trinh (Theo Quartz)