Từ 1/4, gọi xe công nghệ chính thức được công nhận tại Việt Nam


Nhiều ngày hôm nay thấy khắp nơi xôn xao thông tin dừng thí điểm chạy xe công nghệ, Grab ra sao, Việt Nam gây khó khăn… Vậy thực chất câu chuyện là gì?

gocchuyengia_edit.jpg

Phạm Việt Anh, Founder của startup CheepCheep đã có bài viết chia sẻ để làm rõ hơn về thông tin dừng thí điểm chạy xe công nghệ.

Đầu tiên phải hiểu rõ về Thí điểm (mục đích thử, test, thăm dò) loại hình gọi xe công nghệ được quy định trong Quyết định số 24/QĐ-BGTVT. Quyết định này ghi rõ thời gian thí điểm xe công nghệ kéo dài 2 năm: từ tháng 01/2016 đến tháng 01/2018. Thí điểm nhằm mục đích tạo thời gian cho việc xây dựng hành lang pháp lý cao hơn để quản lý loại hình mới này.

Trong 3 năm qua, Nhà nước đã cho thí điểm, ghi nhận, đánh giá, tổng kết và từ đó xây dựng Nghị định 10/2020/NĐ-CP về quản lý loại hình gọi xe công nghệ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 01/04/2020. Do đó tính từ 01/04/2020, Quyết định số 24 chính thức chấm dứt sứ mệnh lịch sử của nó. Mọi quy định pháp luật về loại hình gọi xe công nghệ sẽ tuân theo Nghị định 10, trong đó không hề đề cập đến nội dung dừng hoạt động các hãng gọi xe công nghệ ở Việt Nam.

Theo đó, từ 01/04/2020, Việt Nam chính thức công nhận loại hình gọi công nghệ

Nghị Định 10 cũng đưa ra các điều khoản rõ ràng và dễ thực hiện cho các loại xe, ví dụ như chỉ yêu cầu xe công nghệ phải dán 2 tem trên kính xe (bao gồm 1 tem tên hãng công nghệ và 1 tem có chữ “Xe hợp đồng”). Xe taxi truyền thống chỉ cần dán 1 tem có nội dung “Xe taxi” trên kính, không cần sử dụng mào đèn trên nóc xe. Việc phân biệt các loại xe trở nên dễ dàng hơn đối với người dân.

Ngoài ra, từ 01/04/2020, các xe ô tô vận tải khách theo hợp đồng (giấy, điện tử) được quy định như sau: Xe cá nhân, gia đình sử dụng cho mục đích kinh doanh vận tải khách phải có tem “Xe hợp đồng” dán kính xe và không bắt buộc dán tem tên chủ kinh doanh. Trên thực tế, các xe vẫn ghi rõ tên chủ kinh doanh (ví dụ Thuận Thiên, Tuấn Hằng…).

Xe tham gia gọi xe công nghệ (hợp đồng điện tử) phải dán 2 tem (gồm tên chủ nền tảng công nghệ tham gia như Grab, Goviet, Be và tem “Xe hợp đồng”).

Xe taxi truyền thống chỉ cần dán 1 tem “Xe taxi”, được phép bỏ mào đèn xe hoặc bỏ màu sơn xe taxi. Tên hãng taxi được tuỳ ý sơn, dán quanh xe. Điều này đáp ứng được mong muốn của các hang taxi vì tạo cảm giác xe taxi giống như xe riêng cá nhân.

Thông tin thêm

Bộ GTVT vừa có quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT).

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố triển khai thí điểm (bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa) hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phương tiện kinh doanh vận tải đang tham gia Kế hoạch thí điểm trên địa bàn địa phương dừng hoạt động thí điểm kể từ ngày 1/4/2020.

Phạm Việt Anh – Founder CheepCheep