Thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ
Hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở phối hợp là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập với quốc tế.
Tại Diễn đàn Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022, các chuyên gia cho rằng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn đang hoàn thiện, thì ưu tiên hàng đầu là phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua nghiên cứu và phát triển (R&D).
Theo đó, để tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thì cần phải khắc phục các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, gồm cả các quy định hạn chế không cần thiết, giới hạn cạnh tranh, can thiệp kinh tế, hạn chế về đổi mới sáng tạo và tài chính cho khởi nghiệp. Đối với hầu hết doanh nghiệp, quá trình đổi mới bao gồm việc mua sắm thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, học hỏi các quy trình công nghệ mới và thực hiện thiết kế sản phẩm sản xuất. Trong một số ngành nhất định, một số công ty có thể thực hiện giải mã công nghệ, thiết kế quy trình riêng và chủ động mua công nghệ và thiết bị để sản xuất. Do vậy, cần tiến hành đổi mới sáng tạo từng bước để nâng cao hiệu quả, năng suất cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trước tiên thực hiện nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sau đó tiến tới tạo ra công nghệ. Việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp là hướng đến cải thiện số lượng, chất lượng và sự phù hợp của lực lượng lao động. Điều này sẽ đòi hỏi phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới; phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành. Đồng thời, tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước.
Tiếp theo sau, chính là cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận công nghệ mới, đổi mới công nghệ. Thêm vào đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Do vậy, hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở phối hợp giữa doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và các tổ chức trung gian là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập với quốc tế. Việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất cũng sẽ là cơ sở để xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách phát triển nâng cao năng lực công nghệ cũng như xây dựng chương trình, dự án hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.
Hoàng Kim (CESTI)