Phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo từ chuyển đổi số mô hình giáo dục

Khi sinh viên có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới thông qua các giải pháp số và qua trải nghiệm thực tế, doanh nghiệp sẽ có thể tìm được nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng tốt hơn.

Sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo những năm gần đây cho thấy sự đóng góp rất nhiều từ những sáng kiến của lực lượng giảng viên – sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nhiều ý tưởng và giải pháp công nghệ đã được giảng viên – sinh viên đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thích ứng với dịch Covid-19 và khôi phục sức sản xuất, tham gia phát triển kinh tế. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy đổi mới sáng tạo cần tìm giải pháp nâng cao trình độ, trí tuệ, kỹ năng của thế hệ trẻ. Và một trong những giải pháp đang được đề nghị chính là mô hình giáo dục đại học số - với sự ứng dụng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số có thể giải quyết được nhiều vấn đề ở Viện – trường như hỗ trợ giảm thuyết giảng sang phát triển năng lực người học, giúp người học tiếp cận thông tin nhanh và nhiều hơn, hỗ trợ người học phát triển nhanh hơn về kiến thức và tư duy sáng tạo, tổ chức học tập gắn với thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển tài năng. Với thiết kế tổng thể về quản lý tuyển sinh và hoạt động nghiên cứu khoa học bằng công nghệ số, mô hình giáo dục đại học số có thể mang đến cho sinh viên nhiều kiến thức và kỹ năng mới thông qua các giải pháp số và qua trải nghiệm thực tế. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có thể tìm được nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng Đại học Công nghệ TP.HCM tại Ngày hội tốt nghiệp và Kết nối doanh nghiệp lần V năm 2022 (Ảnh: HUTECH)

Theo các chuyên gia, trọng tâm của giáo dục đại học số là sự kết nối, chia sẻ tài nguyên… giữa các Viện – trường. Theo đó, Viện – trường có thể tạo dựng mối liên kết và chia sẻ dữ liệu, hình thành các kho học liệu mở dùng chung, hình thành các nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến, có cơ sở dữ liệu chuyên ngành và tạo dựng mối quan hệ công nhận lẫn nhau. Đó cũng là sự cạnh tranh để cùng nhau tiến bộ. Từ đây, Viện – trường có thể trao đổi sinh viên - giảng viên, hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với uy tín của Viện – trường hướng đến người học để thu hút sinh viên theo học.

Ví dụ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang vận hành Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ (STINET, http://stinet.gov.vn/), gồm 39 đơn vị thành viên. STINET hướng đến mục tiêu phát triển, làm phong phú nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. STINET cho phép người dùng truy cập và tra cứu các tài liệu được chia sẻ tại các đơn vị thành viên theo cơ chế mở và không giới hạn quyền truy cập. Người dùng có thể tra cứu và xem trực tuyến các tài liệu toàn văn (kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, luận văn, luận án và tài liệu hội thảo - hội nghị) có sẵn hoặc có link liên kết toàn văn đến website của từng đơn vị thành viên. Qua đó, STINET đã tạo điều kiện thuận lợi để người dùng tiếp cận, khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập, tìm kiếm thông tin, trao đổi hợp tác sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Rõ ràng, hoạt động đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi sự phối hợp với những nguồn lực bên ngoài, như Viện – trường, start up… để giải quyết bài toán phát triển và ứng dụng giải pháp công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, mối liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với Viện – trường, start up cũng có thể cùng lúc “gỡ rối” bài toán chung cho nhiều doanh nghiệp khác, qua đó, các giải pháp công nghệ có thể được nhân rộng, tiết kiệm chi phí triển khai nhưng hiệu quả đạt được rất đáng kể.

Hoàng Kim (CESTI)