TP.HCM tìm kiếm giải pháp Blockchain xây dựng nền tảng tổng hợp, thu thập và quản lý góp ý văn bản

Giải pháp được kỳ vọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong việc theo dõi, đánh giá hiện trạng của việc lấy ý kiến văn bản liên đơn vị. Đồng thời, nâng cao sự hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm trong việc soạn thảo, lấy ý kiến, tổng hợp và hoàn thiện văn bản dự thảo.

Ngày 31/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức sự kiện Kết nối sáng tạo kỳ 2 tháng 10 với chủ đề “Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp Blockchain trong công tác quản lý nhà nước”. Chương trình thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

Tại sự kiện, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã trình bày bài toán đặt hàng “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp Blockchain trong xây dựng nền tảng tổng hợp, thu thập và quản lý góp ý văn bản”.

Cụ thể, Thành phố có nhu cầu rất lớn trong hoạt động tổng hợp, thu thập và quản lý lấy ý kiến văn bản, đó là việc lấy ý kiến từ các cơ quan nhà nước (về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến về kết quả thi đua khen thưởng…), lấy ý kiến người dân - doanh nghiệp. Do chưa có nền tảng phục vụ tổng hợp, thu thập, quản lý lấy ý kiến văn bản nên việc thực hiện chủ yếu là bằng văn bản, email hoặc cổng thông tin điện tử. Vì thế, việc tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của người thực hiện, có khả năng dẫn tới thất lạc văn bản trong quá trình gửi - nhận và khó quản lý trong việc lưu trữ, tra cứu thông tin trong tương lai, có thể thiếu tính minh bạch thông tin, thời gian xử lý kéo dài, phức tạp.

Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới triển khai dự án Blockchain trong hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, mang đến nhiều lợi ích trong việc quản lý dữ liệu và phân tích thông tin. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nêu nhu cầu cần có một phần mềm hỗ trợ tổng hợp, thu thập, quản lý lấy ý kiến văn bản, hoạt động trên đa nền tảng, đa thiết bị và ứng dụng công nghệ Blockchain. Yêu cầu chi tiết là toàn bộ thông tin đã được ghi nhận vào các khối thì không ai có thể thay đổi hay làm giả mạo, đơn vị lấy ý kiến góp ý có thể dễ dàng tra cứu tình trạng đóng góp ý kiến một cách minh bạch, nhanh chóng và tin cậy. Qua đó, phần mềm quản lý quá trình lấy ý kiến góp ý văn bản dự thảo thông qua ứng dụng cấp phát, quản lý và xác minh chứng nhận số trên nền tảng Blockchain, góp phần nâng cao hiệu quả của quy trình lấy ý kiến, tổng hợp và hoàn thiện văn bản dự thảo, giúp giảm thiểu công sức trong quá trình ghi nhận, tổng hợp ý kiến góp ý và tăng độ chính xác khi xác minh thông tin lấy ý kiến của mỗi văn bản.

Cũng tại sự kiện, ông Trần Huyền Dinh (Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam) đã báo cáo tham luận “Ứng dụng giải pháp Blockchain trong xây dựng nền tảng tổng hợp, thu thập và quản lý góp ý văn bản”. Tiếp đó, ông Đỗ Văn Long (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain) trình bày nội dung “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong định danh số và quản lý nhà nước”. Các báo cáo viên đã cùng chia sẻ tình hình ứng dụng blockchain vào quản lý công của thế giới, kinh nghiệm triển khai những dự án tiêu biểu ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị.

Thông qua việc công bố thông tin đặt hàng “Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp Blockchain trong công tác quản lý nhà nước”, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Sở Thông tin và Truyền thông mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể đề xuất các giải pháp phù hợp với thời gian thực hiện, triển khai trong thời gian 6 tháng.

Hoàng Kim (CESTI)