Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến tài sản trí tuệ do nhà nước đầu tư để những nghiên cứu không phải "bỏ ngăn kéo"

Chiều ngày 15/11/2023, trong khuôn khổ Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã diễn ra phiên thứ hai, với những nội dung chính: Hướng dẫn đưa vào mẫu Hợp đồng khoa học và công nghệ các điều khoản phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định sửa đổi; Điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Nghị định liên quan đến tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Những lưu ý cho cơ quan chủ trì, tổ chức chủ trì trong quá trình triển khai đăng ký tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự.

Hội thảo “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành”, được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tham dự Hội thảo về phía Cục Sở hữu trí tuệ có ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng và các đại diện thuộc Phòng Pháp chế và Chính sách; về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở  và các đại diện thuộc Phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ cùng với hơn 200 đại biểu là đại diện của các Sở Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam; trường, viện, trung tâm nghiên cứu; các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ…

Ông Nguyễn Quốc Việt Đức - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ các nội dung liên quan đến pháp luật về tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước tại Hội thảo.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt Đức - đại diện Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (Luật số 07/2022/QH15) được Quốc hội ban hành ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ 01/01/2023. Một trong những chính sách nổi bật là “Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến tài sản trí tuệ do Nhà nước đầu tư”. Đây cũng là lần đầu tiên quy định: giao quyền đăng ký tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách cho tổ chức chủ trì.

Cụ thể, đối với Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, gồm sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước thì Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn. Hay được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước thì phần Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn theo Điều 86a và Điều 164 Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoại trừ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia thì Quyền đăng ký thuộc về nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện Quyền đăng ký hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết theo khoản 4 Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, tổ chức chủ trì có nghĩa vụ thông báo, nộp đơn đăng ký: Thông báo bằng văn bản cho đại diện chủ sở hữu nhà nước trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra theo khoản 1 Điều 136a. Cụ thể, ngày được tạo ra là ngày tổ chức chủ trì nhận được báo cáo của tác giả hoặc biết được về việc sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra, tùy thuộc ngày nào sớm hơn; nội dung thông báo phải nêu rõ thông tin về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhu cầu thực hiện đăng ký và các quốc gia dự định nộp đơn đăng ký (nếu có); tác giả và tổ chức chủ trì có nghĩa vụ bảo mật thông tin cho đến khi đơn đăng ký được nộp hoặc đại diện chủ sở hữu nhà nước công bố công khai nội dung theo khoản 1, 2 Điều 44 NĐ 65/2023/NĐ-CP; nộp đơn đăng ký xác lập quyền tại Việt Nam trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày gửi thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước theo khoản 2 Điều 136a và đơn đăng ký chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam theo khoản 4 Điều 44 cũng như lưu ý đối với giống cây trồng là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ thì khi nộp đơn đăng ký Quyền đối với giống cây trồng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhiệm vụ khoa học và công nghệ được nghiệm thu theo khoản 1 Điều 191a Luật Sở hữu trí tuệ.

“Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả: Đối với tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thực hiện theo Điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ với tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền trước thuế mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Đối với tác giả giống cây trồng thì thực hiện theo Điều 191 Luật Sở hữu trí tuệ với tối thiểu 10% và tối đa 15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu nhận được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh và tối thiểu 15% và tối đa 20% tổng số tiền trước thuế mà chủ sở hữu được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao Quyền sử dụng giống cây trồng cũng như tối thiểu 20% và tối đa 35% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được từ việc chuyển nhượng Quyền trong lần đầu tiên và không được nhận thù lao đối với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao nêu trên. Ngoài ra nghĩa vụ của tổ chức chủ trì còn phải phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa cho các bên liên quan và các hoạt động tái đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ”, ông Nguyễn Quốc Việt Đức chia sẻ.

Các đại biểu thẳng thắn trao đổi, đặt câu hỏi với các chuyên gia.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Việt Đức, đối với cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải thực hiện giao Quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu cũng như công bố công khai nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây con và tiếp nhận báo cáo hằng năm của tổ chức chủ trì về việc khai thác, sử dụng, phân chia lợi nhuận…

“Trường hợp không giao được Quyền đăng ký thì đại diện chủ sở hữu nhà nước giao cơ quan quản lý nhiệm vụ công khai trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây con để tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật theo Khoản 2 Điều 133a, Khoản 2 Điều 191b Luật Sở hữu trí tuệ và Khoản 7 Điều 45 NĐ 65. Hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây con theo khoản 3, 4 Điều 133a Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 47 NĐ 65 với các trường hợp không thực hiện trong 1 thời gian hợp lý các biện pháp hiệu quả để sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây con là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn cũng như sử dụng nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, bảo đảm dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội… Việc cho phép dựa trên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động hoặc theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân khác. Hồ sơ, trình tự thủ tục, nội dung quyết định: Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 47 NĐ 65”, ông Nguyễn Quốc Việt Đức chia sẻ thêm.

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trao đổi, đặt câu hỏi với chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ về các vấn đề giao Quyền đăng ký sở hữu trí tuệ cho các bên liên quan.

Được biết, trước đó vào sáng cùng ngày, gần 300 đại biểu là đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam, Văn phòng Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM; Tòa án nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân quận, huyện, TP Thủ Đức; các cơ quan thực thi quyền Sở hữu trí tuệ như Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan; các công ty luật, đại diện sở hữu công nghiệp; các doanh nghiệp, hiệp hội; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu…cũng đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi về 5 chuyên đề với các nội dung như: Tổng quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và các Nghị định quy định chi tiết; Những điểm mới của pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Những điểm mới của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Những điểm mới về các vấn đề chung liên quan đến sở hữu công nghiệp; Những điểm mới của pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Nhật Linh (CESTI)