Quảng cáo sai phép trong lĩnh vực Y tế: cần phát hiện và ngăn chặn trong trứng nước

“Trung bình mỗi ngày có hơn 90.000 quảng cáo mới thuộc lĩnh vực Y tế ra đời, nhu cầu trong hoạt động quảng cáo thuộc lĩnh vực này là rất lớn… Tuy nhiên, quảng cáo trong lĩnh vực Y tế là một trong những quy định quảng cáo có điều kiện và buộc phải có giấy xác nhận quảng cáo từ Sở Y tế hoặc Bộ Y tế mới được phép quảng cáo, nhưng với số lượng nêu trên việc phát hiện vi phạm quảng cáo sai lệch, không chính xác, lừa đảo hoặc quảng cáo trái phép đang là một trong những thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước”, đây là chia sẻ của BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long, tại sự kiện kết nối sáng tạo tháng 12 với chủ đề “Nghiên cứu, phân tích xây dựng phát triển ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo phát hiện vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực Y tế”.

Sự kiện đã thu hút được nhiều đại biểu của các Trường, tổ chức Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc hai Sở cùng đại diện các doanh nghiệp, Startup... tham dự

Chiều ngày 07/12/2023, tại Saigon Innovation Hub (Sihub, số 273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp cùng với Sở Y tế TP.HCM chủ trì tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo tháng 12 với chủ đề “Nghiên cứu, phân tích xây dựng phát triển ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo phát hiện vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực Y tế”. Đây là chương trình thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của Thành phố.

Tham dự sự kiện về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở; bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học; bà Đặng Thị Luận - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP.HCM. Về phía Sở Y tế TP.HCM có PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở; BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y.Về phía khách mời và báo cáo viên có TS Nguyễn Hữu Huân - Giám đốc Công ty CP Công nghệ Promete; PGS.TS Quản Thành Thơ - Giảng viên Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cùng gần 50 đại biểu là đại diện các Trường, tổ chức Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc hai Sở cùng đại diện các doanh nghiệp, Startup... tham dự.

TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, hiện nay tình trạng quảng cáo trong lĩnh vực Y tế đang có nhiều dấu hiệu chưa đúng và đi sai với thực tế, điều đó gây tác động rất nặng nề với xã hội vì sức khỏe con người là một tài sản rất là quý giá.

“Khi chúng ta sử dụng các dịch vụ về Y tế hay thuốc mà không có chỉ định của Bác sĩ cũng như là sai thì rất nguy hiểm, qua các bài viết của cơ quan báo chí, truyền thông thì chúng ta cũng biết được nhiều trường hợp đã phải xử lý tại bệnh viện, tuy nhiên hậu quả để lại là rất lớn. Thời gian qua tôi xem tivi cũng thấy nhiều quảng cáo về thuốc, khi mà một nhà sư nói rằng: “Bệnh tiểu đường không cần chữa, đến đây tôi chỉ trị 3 ngày là khỏi”, điều đó hẳn giới khoa học chúng ta biết rồi, chúng ta có các bằng chứng khoa học rõ ràng và đã phải trải qua một quá trình nghiên cứu nhiều năm để có các lộ trình, liệu trình cũng như thuốc chữa, mà bây giờ một nhà sư nói bệnh tiểu đường không cần chữa. Theo tôi được biết, hiện nay có cơ chế, chế tài xử phạt về hành vi quảng cáo và quảng cáo sai sự thật, tuy nhiên để tìm được nguồn và xác định được hành vi vi phạm thì lại rất khó khăn và đây cũng là một thách thức lớn đang đặt ra cho ngành Y tế. Chính vì vậy Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Sở Y tế TP.HCM đưa ra một nội dung nhiệm vụ khoa học công nghệ để tìm kiếm các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp nhằm nghiên cứu, phân tích xây dựng phát triển ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo phát hiện vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực Y tế. Thông qua sự kiện kết nối này, chúng tôi hy vọng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các đơn vị sẽ thẳng thắn cùng bàn luận, trao đổi, phân tích để nội dung này trở thành một nhiệm vụ khoa học và công nghệ có khả năng triển khai cũng như kết quả của nó có thể ứng dụng hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước đặc biệt là tại Sở Y tế”, TS. Lê Thanh Minh chia sẻ.

Tại sự kiện, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế Thành phố đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức rất lớn trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quảng cáo Y tế, nhất là những quảng cáo sai phép, sai quy định, sai sự thật…

“Thời gian qua chắc mọi người cũng biết rồi và chúng tôi xem đây là “điểm nóng”, xác định như thế là để cùng tăng cường tìm giải pháp, giải quyết được câu chuyện mà như tôi nói là thách thức để mục tiêu sau cùng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Khi chúng ta nghe chữ quảng cáo thì tưởng chừng nó vô hại vì nó chỉ đem thông tin đến cho người dân, nhưng nếu quảng cáo đó trái phép, quảng cáo vi phạm pháp luật… thì hệ quả về sau nó rất lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Tại TP.HCM trong năm nay, theo thống kê của chúng tôi thì có tới 80 - 90% biến chứng, tai biến, sự cố Y khoa, thậm chí là chết người liên quan đến lĩnh vực hành nghề trái phép, không phép, thậm chí nhiều cá nhân và tổ chức hành nghề Y mà còn không có giấy phép hành nghề, không qua trường lớp đào tạo. Quảng cáo trên không gian mạng lại rất nhiều, quá huyền ảo, khó phân biệt được đâu là đúng pháp luật đâu là sai pháp luật nên người dân rất dễ nghe theo, tin theo và khi sa vào cái bẫy đó rất dễ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng. Về vấn đề này thì từ trước tới nay Sở Y tế cũng đã phối hợp với Công an TP, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao rồi nay là Sở Khoa học và Công nghệ cũng như những Sở ngành khác nữa đã cùng ngồi lại trong năm, chúng tôi tăng cường, tăng cường và tăng cường rồi… và thời gian gần đây chúng tôi đặt ra một tiêu chí nữa, đó là không chờ sự vụ xảy ra rồi mới giám sát, mới kiểm tra, mới xử phạt… mà muốn khắc phục và phòng ngừa, nghĩa là chúng tôi muốn biết trước sự việc, biết trước cái tiềm ẩn, nguy cơ, rủi ro để làm sao phát hiện và ngăn chặn nó trong trứng nước”

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ những khó khăn và thách thức về          xử lý quảng cáo sai quy định trong lĩnh vực Y tế

Tại sự kiện, BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM, đã trình bày bản mô tả với các vấn đề và nội dung kết quả dự kiến đạt được như sau: Cơ sở dữ liệu về nội dung giấy phép quảng cáo của tất cả các cơ sở đã được cấp có thẩm quyền cấp phép; Kết nối cơ sở dữ liệu quảng cáo của các đơn vị trên phương tiện truyền thông mạng; Tự động phát hiện sớm các cơ sở quảng cáo dịch vụ liên quan lĩnh vực Y tế nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trong giấy phép quảng cáo; Chia sẻ thông tin quảng cáo sai sự thật, không chính xác để người dân được biết nhằm tìm ra các giải pháp để “Chuyển đổi số nhằm phát hiện vi phạm quảng cáo trong Y tế”. Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng trình bày các báo cáo tham luận như: Ứng dụng AI trong Y tế; Ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo phát hiện vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực Y tế.

BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP.HCM trình bày bài toán “đặt hàng”

Theo BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long nhận định, các phương thức thực hiện quảng cáo hiện nay, rất phong phú gồm: quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng, công nghệ thông tin và trên môi trường mạng Internet. Tuy nhiên, những thông tin quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok… đa phần giả mạo, quảng cáo trái phép.

“Việc phát hiện vi phạm quảng cáo trong Y tế vẫn đang được thực hiện theo cách truyền thống, tức là các cơ quan quản lý Y tế sẽ thực hiện kiểm tra và kiểm soát các quảng cáo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Các vi phạm quảng cáo trong Y tế thường bao gồm những thông tin sai lệch, không chính xác, lừa đảo hoặc có tính chất quảng cáo trái phép. Điều đáng lo ngại là những thông tin này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của người bệnh”, BS CK2 Bùi Nguyễn Thành Long nói.

Để giải quyết bài toán nêu trên, ông Nguyễn Hữu Huân - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Promete, đã báo cáo tham luận “Ứng dụng AI trong Y tế”, với các bước giải pháp như sau:

Bước 1: Sử dụng mô hình LLMs, AI để phát hiện lừa đảo qua mạng.

Bước 2: Báo về bộ chuyên trách.

Bước 3: Tiến hành report tự động cho các đơn vị chủ quản mạng xã hội.

Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Công ty TNHH GlobalChain, có phần trình bày nội dung “Ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo phát hiện vi phạm quảng cáo trong lĩnh vực y tế”. Theo đó, đề xuất xử lý là sử dụng AI tích hợp tập huấn kỹ càng và mang tính đặc thù riêng của Y tế.

Các chuyên gia, nhà khoa học có phần trao đổi, góp ý cho các giải pháp tại sự kiện kết nối

Sau phần trao đổi thảo luận, Sở Y Tế TP.HCM và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM chia sẻ, những giải pháp này có thể phù hợp với thực trạng trong bài toán đặt hàng.

Nhật Linh (CESTI)