TP.HCM: Hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công gắn với chuyển đổi số

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công nói chung, chuyển đổi số nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên và là động lực chính nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng, cung cấp các dịch vụ cho người dân… thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền cũng như nâng cao năng lực quản lý sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM.

Đây là những vấn đề được ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM làm rõ trong báo cáo tham luận “Hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công gắn với chuyển đổi số” tại “Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024”.

Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trình bày báo cáo tham luận tại Hội nghị

Theo ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ Cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chuyển đổi số là một trong những hoạt động đổi mới sáng tạo chủ yếu của khu vực công trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Câu hỏi đặt ra là, vì sao phải có hoạt động chuyển đổi số trong khu vực công. Thực trạng hiện nay cho thấy, khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, liên quan nhiều bộ phận và yêu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp (nhanh, chính xác, đơn giản, minh bạch …). Tuy nhiên, nguồn lực (con người, trang thiết bị, kinh phí …) luôn luôn hạn chế và công nghệ chỉ đủ để đáp ứng/giải quyết được các nhu cầu.

“Thách thức lớn nhất về chuyển đổi số trong khu vực công, theo chúng tôi hiện nay vẫn là đi xác định bài toán. Đây là câu chuyện nhìn thì đơn giản nhưng thật sự rất khó vì để viết ra được một đề bài cần rất nhiều kỹ năng và nếu ngay từ ban đầu không xác định đúng được đề bài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình đi tìm lời giải, tiêu tốn thời gian cũng như tiền bạc… Thông thường, khi phối hợp với các đơn vị chúng tôi sẽ hướng dẫn các quy trình như sau: Phát hiện “vấn đề” (xác định cụ thể vấn đề và mô tả được vấn đề - Tìm kiếm giải pháp - Áp dụng thử - Hoàn thiện giải pháp - Triển khai rộng rãi. Khi đã tìm được câu hỏi thì câu trả lời chỉ còn là chuyện nhỏ”, ông Võ Hưng Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Võ Hưng Sơn, năm 2023 hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nói riêng và TP.HCM nói chung rất chú trọng với hàng loạt các chủ trương, chính sách mới liên quan đến vấn đề nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tuy việc triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng nhưng trong năm vừa qua đối với công tác đặt hàng nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đã nhận được rất nhiều các bài toán của các Sở, ngành, quận huyện.

“Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tiến hành ký kết hợp tác xây dựng các bài toán lớn với Công an Thành phố, Sở Giáo dục, Sở Y tế… Đặc biệt, Sở cũng đã tổ chức hàng loạt chuỗi sự kiện Inno-Coffee: tìm kiếm và đặt hàng các bài toán trong khu vực công. Qua đó, tiếp nhận được 54 đề nghị đặt hàng từ các Sở, ngành, quận huyện”, ông Võ Hưng Sơn thông tin.

Chia sẻ thêm về hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công gắn với chuyển đổi số, ông Võ Hưng Sơn cho rằng, hoạt động này không chỉ diễn ra ở Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hay đơn vị chủ trì là Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mà ở các tổ chức chính trị, các quận, huyện cũng rất sôi nổi.

Nổi bật có thể kể đến như: Hệ thống quản lý tập trung các đơn vị kinh tế ở Quận 11; Công cụ truyền thông và tương tác với doanh nghiệp ở quận Bình Thạnh và quận Phú Nhuận; Trung tâm dữ liệu và điều hành thông minh (IOC) ở Quận 3… đây là dấu ấn của sự hỗ trợ, phối hợp, hợp tác giữa các quận, huyện và các phòng chức năng, trung tâm trực thuộc Sở thực hiện.

Nhật Linh (CESTI)