Chuyển đổi số tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi số là một trong các giải pháp nền tảng có tính đột phá, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11.
Trung tâm điều độ hệ thống điện hoàn toàn tự động của ngành điện thành phố.
Thời gian qua, bám sát chủ trương của Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trên các lĩnh vực.
Với quyết tâm đó, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành phố tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong ba năm liên tiếp theo kết quả xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố; trong đó, chỉ số Thể chế số xếp thứ 1, Hạ tầng số xếp thứ 1, Hoạt động chính quyền số xếp thứ 2, Hoạt động kinh tế số xếp thứ 4.
Thành phố cũng là đơn vị duy nhất của cả nước vinh dự nhận giải thưởng ASOCIO tại Hàn Quốc dành cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023. Nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội được ứng dụng rộng rãi như: các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100% cho các thủ tục đủ điều kiện; ra mắt nền tảng Bản đồ số thành phố; nhiều dịch vụ đô thị thông minh trong lĩnh vực giao thông, cảnh báo ngập lụt, ô nhiễm môi trường, y tế,… đã và đang tạo thuận lợi trong giao dịch, phục vụ người dân.
"Đến nay, thành phố đã phê duyệt hơn 740 thủ tục dịch vụ công trực tuyến; nhờ đó, hàng chục triệu hồ sơ đã được tiếp nhận, giải quyết với tỷ lệ giải quyết đúng hạn hơn 99,8%", Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu dẫn chứng.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, chuyển đổi số cũng đã hiện hữu trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của lãnh đạo thành phố. Với Hệ thống quản trị thực thi Thành phố Hồ Chí Minh trên nền tảng số, lãnh đạo thành phố sẽ nhận được tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội; nắm bắt tổng quan về tình hình kinh tế-xã hội; đưa ra quyết định thực thi ngay trên các thông số được cung cấp. Lãnh đạo thành phố cũng sẽ giám sát, tương tác giữa người dân với chính quyền thành phố để giám sát được kết quả tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân và chỉ đạo trực tiếp trên từng ý kiến cụ thể. Đặc biệt, vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội đối với công tác chuyển đổi số, thành phố đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số; Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành nghị quyết về áp dụng mức phí 0 đồng với 98 thủ tục hành chính trực tuyến; hoàn thành rà soát cơ sở vật chất để phục vụ chuyển đổi số trên toàn thành phố; hoàn thiện vận hành thống nhất hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính…
Một số chỉ tiêu về chuyển đổi số: Đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; kinh tế số: chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
Thời gian qua, hàng chục nghìn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã mạnh dạn đầu tư để từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đồng thời, thành phố đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu năm 2024 trụ cột này sẽ đóng góp 22% trong GRDP, đến năm 2025 là khoảng 25% và năm 2030 là 40%.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế số, thành phố xác định công nghệ số là động lực mới. Do đó, việc thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển kinh tế số sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí, tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh… với mục tiêu 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, cập nhật thông tin về chuyển đổi số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%.
Thành phố Hồ Chí Minh có thuận lợi là nhanh chóng thích nghi với mọi sự thay đổi; là trung tâm kết nối đầu tư nước ngoài, là cửa ngõ kinh tế. Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số, thành phố xác định năm trụ cột chính, gồm: nền tảng số, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, an toàn-an ninh số.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục nỗ lực tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập như: việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn gặp khó khăn; nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số là bài toán lớn của thành phố. Theo đó, thành phố từng bước đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu thực tế tại các đơn vị, địa phương.
Bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết, thành phố sẽ ban hành các văn bản và quy định quan trọng như: cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử, Quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu, Quy chế vận hành, khai thác Hệ thống quản trị thực thi…; đưa vào vận hành thử nghiệm các nền tảng quản lý trên ứng dụng di động; hỗ trợ quản lý khu phố, ấp, cấp phép xây dựng,... Thành phố cũng tiếp tục triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu thành phố; hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ…; tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số cho người dân.
Bài và ảnh: QUANG QUÝ