Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp và làm việc với Viện IAL - Singapore

Tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ thông tin, tìm hiểu về hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) của TP.HCM, các hoạt động của IAL; thảo luận về các nội dung hỗ trợ của IAL cho TP.HCM cũng như các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),…

Chiều 25/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Viện Học tập dành cho Người lớn (Institute of Adult Learning - IAL), một viện tự chủ thuộc Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS).

Đại diện IAL chia sẻ, là viện nghiên cứu hàng đầu của Singapore về đổi mới trong môi trường làm việc, IAL mong muốn có thể cung cấp chuyên môn của mình trong các lĩnh vực đào tạo, tư vấn, tài trợ dự án, khu vực hóa, quốc tế hóa, phát triển kỹ năng,… Đối với mảng tư vấn, IAL tập trung vào các chủ đề chuyển đổi số và tự động hóa, thiết kế công việc, tính hiệu suất trong doanh nghiệp, chuyển đổi nhân lực (trong doanh nghiệp) và chuyển đổi bền vững. Ở mảng nghiên cứu và đào tạo, IAL có thế mạnh nghiên cứu về thị trường lao động, đặc biệt là ảnh hưởng của chuyển đổi số đối với thị trường lao động; nghiên cứu đào tạo về chuẩn bị cho chuyển đổi số, phát triển sáng tạo và phương pháp phát triển nhân lực trong doanh nghiệp.

Đại diện đoàn công tác của Viện Học tập dành cho Người lớn (IAL) - Singapore giới thiệu về các hoạt động của IAL

Với chuyến công tác lần này, đoàn IAL bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trong vai trò thúc đẩy các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, năng lượng, robot, chất bán dẫn, thành phố thông minh, bởi đây là những công việc tương đồng với những gì Singapore đang nỗ lực thực hiện. Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận về cách IAL có thể hỗ trợ lĩnh vực đổi mới, ươm tạo và tăng tốc ở TP.HCM và Việt Nam; thảo luận về các cơ hội hợp tác, kết nối với các cơ quan và tổ chức liên kết, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh.

Đại diện IAL cho biết thêm, Singapore đang triển khai thử nghiệm chương trình đào tạo về AI trong doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của mình, phía Singapore đề xuất một số giải pháp cho TP.HCM trong việc triển khai ứng dụng AI như nghiên cứu tiêu chuẩn ứng dụng (chuẩn hóa việc sử dụng AI trong xã hội), nghiên cứu bộ công cụ ứng dụng AI cải thiện hiệu suất làm việc cho các cơ quan, công sở trong khu vực công,… Phía IAL cũng đề xuất mở rộng hệ sinh thái công nghệ với TP.HCM thông qua các chương trình trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, IT,…

Buổi làm việc diễn ra tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM   

Trao đổi với đoàn IAL, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, thời gian qua TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST. Hiện nay, Sở đang thúc đẩy ứng dụng AI trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khu vực công,… thông qua việc tài trợ cho các dự án nghiên cứu. Ví dụ trong khu vực công, Sở "đặt hàng" nghiên cứu ứng dụng các công cụ AI (phục vụ giao tiếp: người dân hỏi, chính quyền trả lời) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công. Sở cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM, trong đó ưu tiên hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp ĐMST ở ba giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo, tăng tốc (với số tiền 40 triệu, 80 triệu và 400 triệu đồng). TP.HCM cũng quan tâm thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và chuyển đổi số với nhiều tổ chức đến từ các quốc gia trên thế giới (trong đó có Singapore) thông qua nhiều hoạt động cụ thể tại SIHUB (Saigon Innovation Hub), một trong những không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tiêu biểu của Thành phố.

Đoàn công tác Viện IAL chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM và đại diện các phòng ban của Sở

Thống nhất với những thông tin trao đổi, đề xuất của IAL, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ, Sở KH&CN TP.HCM luôn sẵn sàng kết nối với phía Singapore và tin tưởng hai bên sẽ đi đến những hợp tác thành công trong thời gian tới. Trong các lĩnh vực TP.HCM quan tâm (như chuyển đổi số, công nghệ thông tin, IT, AI, hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST,…), Sở đã có dịp tiếp xúc, làm việc với các chuyên gia Singapore và nhận thấy sự tương đồng, phù hợp trong quan điểm triển khai công việc. Do đó, Sở hy vọng phía IAL có thể tham gia vào các hoạt động cụ thể tại SIHUB và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM. Đặc biệt, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đang trong giai đoạn khởi đầu, với định hướng tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, ươm tạo startup,… nên sẽ đẩy mạnh việc phối hợp, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tổ chức, triển khai các chương trình ươm tạo và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, đề xuất cơ chế, chính sách và dịch vụ hỗ trợ phù hợp cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố.

Lam Vân (CESTI)