TP.HCM "đặt hàng" bài toán đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực công
Ngày 10/5, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức Hội nghị chia sẻ bài toán về nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, đổi mới sáng tạo trong khu vực công được hiểu là việc tìm kiếm ý tưởng, giải pháp để giải quyết các vấn đề cụ thể, mang lại giá trị cho cộng đồng, xã hội. Giải pháp đổi mới sáng tạo phải đảm bảo ba tiêu chí: tạo ra cái mới hoặc có cải tiến so với cái cũ, phải được triển khai trên thực tế, phải có tính lan toả, ứng dụng và mang lại giá trị cho cộng đồng.
Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc hội nghị
Tại TP.HCM, kế hoạch Đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước tại phường, xã trên địa bàn Thành phố năm 2024 có mục tiêu là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động công vụ và công tác quản lý nhà nước ở phường, xã, thị trấn; triển khai, ứng dụng khoa học quản lý, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho các cán bộ ở phường, xã, thị trấn;… Cùng với đó, Sở KH&CN đã phát động Cuộc thi Gov.Star 2024 nhằm tìm kiếm các giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo ở lĩnh vực giáo dục, y tế và hành chính công trên địa bàn TP.HCM. Do vậy, hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động này với mong muốn chia sẻ bài toán, mô hình, kinh nghiệm áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… để cải thiện chất lượng hoạt động quản lý nhà nước cho các UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Ông Trần Ninh Đông (Chủ tịch UBND Phường 9, Quận 11) trình bày về bài toán đặt hàng nhiệm vụ KH&CN "Hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành Phường 9 Quận 11"
Tại hội nghị, ông Trần Ninh Đông (Chủ tịch UBND Phường 9, Quận 11) đã chia sẻ bài toán đặt hàng nhiệm vụ KH&CN "Hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành Phường 9 Quận 11". Hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành Phường 9 Quận 11 chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 11/4 vừa qua. Theo ông Đông, đây là một minh chứng cụ thể cho việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, ứng dụng giải pháp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo phục vụ công tác quản lý nhà nước cấp phường, xã. Trước đó, dữ liệu quản lý của phường gặp nhiều bất cập, không có sự kết nối dữ liệu chung, gây khó khăn trong việc xác định số liệu thống nhất cho các báo cáo, hoạch định kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, việc quản lý, cập nhật và khai thác dữ liệu chưa có tính hệ thống, còn phụ thuộc vào ngành dọc, dẫn đến thiếu tính kịp thời, mất thời gian trong việc trích dữ liệu và phân tích dữ liệu; chưa có công cụ, ứng dụng kịp thời để hỗ trợ công tác khu phố;…
Hệ thống đang được triển khai ở giai đoạn 1, cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra và tiếp tục được hoàn thiện về bố cục, phân quyền, các tính năng, kỹ thuật hệ thống,… để phù hợp với thực tiễn sử dụng của UBND phường. Dự kiến, trong giai đoạn 2 (tháng 7 - 12/2024), hệ thống sẽ bổ sung tính năng cho người dân sử dụng. Người dân trên địa bàn phường có thể vào trang chủ để đăng ký nuôi/hủy nuôi, cập nhật tiêm phòng bệnh vật nuôi khi có phát sinh; xem thông tin trên con đường/khu vực đó có bao nhiêu địa điểm kinh doanh; thông tin, đề xuất các vấn đề chung về tự quản tại khu dân cư để Ban điều hành khu phố triển khai, tổ chức thực hiện,…
Về kinh nghiệm, ông Đông chia sẻ, để triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu, áp dụng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được thuận lợi, người đứng đầu đơn vị phải là người chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, cần có sự ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan đơn vị có liên quan, cụ thể như với mô hình này, Phường 9 đã chủ động đề xuất UBND Quận 11 kết nối và được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp hỗ trợ triển khai xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu, điều hành cho phường. Ngoài ra, Phường 9 đã có kinh nghiệm triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm và nguồn gốc hàng hóa nhập vào tại chợ Bình Thới, đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho quá trình nghiên cứu và triển khai áp dụng giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
Các đại biểu chia sẻ ý kiến, trao đổi thảo luận tại hội nghị
Cũng tại hội nghị, đại diện Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (SIHUB) đã giới thiệu về Cuộc thi Gov.Star 2024 (Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024). Theo đó, Cuộc thi được phát động hồi đầu tháng 4/2024, nhằm tìm kiếm các giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo, quy trình, công nghệ giúp giải quyết các bài toán trong điều hành, quản lý, kiểm tra, giám sát, dự báo,... của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp phát triển, hoàn thiện các giải pháp, mô hình, sản phẩm đổi mới sáng tạo, giới thiệu, kết nối, thu hút sự quan tâm, hướng đến triển khai thí điểm và chuyển giao ứng dụng, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Các dự án đoạt giải sẽ nhận được gói ươm tạo trị giá 80 triệu đồng/dự án, được quảng bá trên các phương tiện truyền thông và tham gia các chương trình hỗ trợ từ Sở KH&CN,… Gov.Star 2024 do SIHUB triển khai thực hiện, vẫn đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, thời gian đến trước ngày 15/6/2024.
Ông Lê Huy Hoàng (Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo – Sở KH&CN TP.HCM) chủ trì phần trao đổi thảo luận tại hội nghị
Theo ông Lê Huy Hoàng (Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo – Sở KH&CN TP.HCM), với việc chia sẻ bài toán đặt hàng tại hội nghị này, Sở mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đơn vị, phường, xã, thị trấn cũng như tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp, chia sẻ đặt hàng bài toán để hoàn thiện mô hình và triển khai áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực công, phục vụ tốt hơn cho người dân trên địa bàn TP.HCM.
Lam Vân (CESTI)