TP.HCM tham vấn chuyên gia và cộng đồng về mô hình đại học khởi nghiệp
Với mục tiêu, được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và của cộng đồng về các giải pháp cũng như định hướng để phát triển và nhân rộng mô hình đại học khởi nghiệp cho các trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, đề xuất và kiến nghị những chính sách hỗ trợ phù hợp cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố trong tình hình hiện nay.
Sáng 21/5/2024, tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP.HCM - Saigon Innovation Hub (SIHUB, số 273 Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) trong khuôn khổ các sự kiện hưởng ứng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024 và kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ tổ chức Hội thảo “Tham vấn chuyên gia và cộng đồng về mô hình đại học khởi nghiệp” theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhằm quy tụ đại diện các trường, viện để tham vấn ý kiến các chuyên gia về các tiêu chí và các thành tố quan trọng của mô hình đại học khởi nghiệp từ đó định hướng và thúc đẩy các trường phát triển theo mô hình này tại TP.HCM. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng mong muốn thông qua Hội thảo sẽ thu thập được nhiều ý kiến, các nội dung mà các trường viện quan tâm về mô hình đại học khởi nghiệp nhằm chuẩn bị cho sự kiện Diễn đàn quốc tế đại học khởi nghiệp dự kiến diễn ra cuối năm 2024 để học tập, kết nối với các trường viện trên thế giới.
Tham dự Hội thảo về phía Ban tổ chức có TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM). Về phía đơn vị phối hợp có ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+. Về phía khách mời có GS.TS. Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo 2016 - 2021; PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM); PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Hỗ trợ việc làm, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM); PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; PGS.TS. Hạ Thị Thiều Dao - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; TS.BS. Phan Nguyễn Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng trường Đại học Nguyễn Tất Thành; TS. Nguyễn Thạc Quang - Phó Giám đốc thường trực Phân hiệu, trường Đại học Giao thông Vận tải tại TP.HCM; ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM; ThS. Huỳnh Hồng Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp, trường Đại học Nguyễn Tất Thành; cùng đại biểu là đại diện các Phòng chức năng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Hội thảo đã thu hút đại diện các viện, trường, doanh nghiệp và giảng viên, sinh viên, chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhận định, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hoá, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ.
“Các trường đại học là nguồn sản xuất trí thức và công nghiệp cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản và năng lực trí tuệ của doanh nghiệp. Nhiều thành công về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp ở các trường đại học trên thế giới đã cho thấy, các chương trình đào tạo khởi nghiệp dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ mới được xây dựng và triển khai sớm, sinh viên được đào tạo tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp một cách bài bản hơn”, TS. Lê Thanh Minh nói.
TS. Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
Cũng theo TS. Lê Thanh Minh, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất của cả nước, TP.HCM đang hoạt động với hơn 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chiếm 0.5% số lượng doanh nghiệp Thành phố và gần 50% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo - startup của cả nước. Cùng với Nghị quyết số 98/2023/QH15 được Quốc hội phê duyệt ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, lãnh đạo Thành phố mong muốn tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và có lợi thế cạnh tranh trong khu vực, điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học cần phát huy vai trò quan trọng và chủ chốt của mình trong hệ thống đổi mới sáng tạo của Thành phố, để trở thành cái nôi nuôi dưỡng những ý tưởng và dự án khởi nghiệp chất lượng cao trên nền tảng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ một cách bài bản. Mà cụ thể là phát triển theo mô hình đại học khởi nghiệp.
Tại buổi Hội thảo, 5 phần trình bày tham luận với các chủ đề gồm:
(1) “Đại học Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo - Thực tiễn thế giới và gợi ý cho Việt Nam” của GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo 2016 - 2021.
(2) “Các tiêu chuẩn trong và ngoài nước đánh giá trường đại học khởi nghiệp” của PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
(3) “Các mô hình đổi mới đổi mới sáng tạo tại Đại học Kinh tế TP.HCM hướng tới xây dựng Đại học khởi nghiệp” của ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM.
(4) “Kinh nghiệm phát triển và ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ tại Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (IEC) trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia TP.HCM” của bà Đoàn Anh Đào - Quản lý Chương trình, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM.
(5) “Các chính sách hỗ trợ của Thành phố để thúc đẩy mô hình Đại học khởi nghiệp” của bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM).
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo 2016 - 2021 trình bày tham luận tại Hội thảo
PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày tham luận tại Hội thảo
ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM trình bài tham luận tại Hội thảo
Bà Đoàn Anh Đào - Quản lý Chương trình, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.HCM trình bày tham luận tại Hội thảo
Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM) trình bày tham luận tại Hội thảo
Cũng trong Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và đại diện các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có phần thảo luận, tham vấn với các nội dung: Các thành tố, tiêu chí, cơ cấu tổ chức của đại học khởi nghiệp; Tiềm năng, thách thức, khó khăn, kiến nghị của các trường; Góp ý, đề xuất của chuyên gia, trường, viện, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mô hình đại học khởi nghiệp.
Các chuyên gia cùng nhau thảo luận, tham vấn về chủ đề của Hội thảo và một số nội dung trong tâm liên quan
Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+, đóng góp ý kiến cho Hội thảo
Theo Ban tổ chức Hội thảo, "Đại học khởi nghiệp" là mô hình tập trung vào việc kết hợp giữa giáo dục đại học với khởi nghiệp và kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, phát triển công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra một môi trường học tập có định hướng, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thực tiễn cho sinh viên. Đây là một mô hình mà Thành phố muốn hướng đến áp dụng cho các trường đại học để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo cho nguồn lực trẻ, qua đó thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố, kết nối giữa trường viện và các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề xã hội thông qua nghiên cứu phát triển, tài sản trí tuệ.
Được biết, trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này được thể hiện trong các nội dung Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ, từ đó góp phần thúc đẩy tinh thần học tập, tư duy sáng tạo, khả năng tự đổi mới, sáng tạo của học sinh, sinh viên…
Nhật Linh (CESTI)