TP.HCM phát động Cuộc thi “Tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển bền vững và công nghiệp văn hóa”
Ngày 23/8/2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị phát động Cuộc thi “Tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển bền vững và công nghiệp văn hóa”. Đồng thời, ký kết chương trình hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Tham dự Hội nghị, có ông Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; ông Trần Thế Thuận - Thành Ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng đại diện lãnh đạo các Phòng chức năng, Trung tâm trực thuộc hai Sở. Tham gia sự kiện này, còn có sự góp mặt của đại diện cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố gồm đại diện các Trường, Viện, các Trung tâm ươm tạo, Đại diện các doanh nghiệp, các Startup…
Hội nghị đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, Thành phố sẽ có các chính sách hỗ trợ để các nhóm đổi mới sáng tạo có thể ươm tạo ra sản phẩm của mình trong 9 lĩnh vực ưu tiên. Trong thời gian vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố cũng đã triển khai một số chương trình ươm tạo, tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công tập trung vào 03 lĩnh vực: Giáo dục, y tế, quản lý nhà nước và đã thu hút hơn 100 dự án, đang ở giai đoạn cuối trong tuyển chọn các dự án xuất sắc để bước vào giai đoạn ươm tạo.
“Phát triển công nghiệp văn hoá là mảng hết sức quan trọng, cũng là ngành có đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, có tiềm năng và nhiều lợi thế so với các địa phương khác mà TP.HCM cũng đang ưu tiên. Chúng tôi kỳ vọng, việc hợp tác này sẽ góp phần nâng cao vai trò của khoa học - công nghệ trong quá trình phát triển văn hóa xã hội, gắn kết cơ quan quản lý và cộng đồng khởi nghiệp, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Đồng thời, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực công cho ngành văn hóa, góp phần phát triển bền vững hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM. Không dừng lại ở đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM còn mong muốn tiếp tục được phối hợp, hợp tác cùng cộng đồng, các đơn vị khác để phát triển các chương trình hỗ trợ, ươm tạo các dự án nằm trong danh mục 9 lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM đề ra tại Nghị quyết 98”, ông Nguyễn Việt Dũng kỳ vọng.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại Hội thảo
Được biết, để khởi động cho hoạt động phối hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa Thành phố. Sở Khoa học và Công nghệ - Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức nhiều buổi làm việc và tiến đến thống nhất ký kết hợp tác với 04 nội dung chính như sau:
1. Xây dựng, phát triển các công cụ, giải pháp, mô hình phục vụ công tác chuyển đổi số của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố.
2. Đặt hàng nghiên cứu phát triển, hỗ trợ triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.
3. Kết nối các chuyên gia đầu ngành trong mọi lĩnh vực nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.
4. Triển khai Chương trình ươm tạo các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (bên trái) và ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (bên phải) cùng ký kết văn bản hợp tác chính thức giữa hai đơn vị
Cũng tại Hội nghị, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phát động Cuộc thi “Tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực AI, phát triển bền vững và công nghiệp văn hóa” nhằm tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của HĐND Thành phố về quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TPHCM, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố trong thời kỳ mới.
Bà Đặng Thị Luận - Phó Giám đốc phụ trách Saigon Innovation Hub, trình bày các nội dung liên quan đến 03 Cuộc thi: Trí tuệ nhân tạo (AI.STAR 2024); Phát triển bền vững (GIC 2024); Công nghiệp văn hóa (INNOCULTURE 2024) với kỳ vọng, cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các trường viện sẽ cùng nhau lan tỏa Cuộc thi để thu hút không chỉ các dự án tiềm năng mà còn các ý tưởng sáng tạo của sinh viên
Tại Hội nghị, nhằm dẫn dắt cho 3 Cuộc thi, các chuyên gia khách mời đã có những phần tham luận với nội dung sau:
“Công nghiệp Văn hóa và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa ở TP.HCM” từ TS. Phan Anh Tú - Trưởng khoa Văn hóa học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
“Phát Triển Bền Vững: Định Nghĩa, Nguyên Tắc và Chiến Lược Để Xây Dựng Tương Lai Xanh” từ PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn Đại học Quốc gia TP.HCM.
“Ứng dụng AI vào chuyển đổi số ngành Retail - Xây dựng Mạng lưới phân phối của doanh nghiệp” từ ông Phan Hồng Việt - Co-founder Công ty One Solution Vietnam.
Các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Thành phố cùng đóng góp ý tưởng và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm thực tiễn quý báu
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp văn hóa và phát triển bền vững là 03 trong số các lĩnh vực quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo ra giá trị lâu dài cho cộng đồng và thế hệ tương lai.
Trong đó, trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất và cải tiến các quy trình công nghiệp mà còn mở ra những tiềm năng mới trong nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, quản lý đô thị… Công nghiệp văn hóa là ngành không chỉ có đóng góp đáng kể cho GDP cả nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra các sản phẩm văn hóa mang tính sáng tạo và đột phá, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Và phát triển bền vững là nền tảng để đảm bảo sự phát triển dài hạn, không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn chú trọng đến bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự cân bằng xã hội.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, là một điều tất yếu và là động lực chính mang lại nhiều kết quả đột phá. Việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các lĩnh vực này không chỉ tạo ra các cơ hội kinh doanh mới mà còn góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững cho các thế hệ mai sau.
Với tầm quan trọng như vậy, chúng ta có thể thấy sự quan tâm và quyết liệt của Chính quyền Thành phố trong việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực trên thông qua: (1) Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030; (2) Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030; (3) Kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Nhật Linh (CESTI)