Đang diễn ra Techmart Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM 2024
Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM 2024 đang diễn ra tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (Phường Bến Nghé, Quận 1) với các hoạt động chính gồm trưng bày giới thiệu công nghệ và thiết bị, hội thảo, tư vấn chuyên gia về công nghệ.
Tại khu vực gian hàng (khu vực số 3, thuộc Không gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh TP.HCM lần 2 năm 2024 - GRECO 2024), Techmart giới thiệu hơn 100 công nghệ của 50 doanh nghiệp, trường, viện tham gia trưng bày, triển lãm các quy trình, công nghệ và thiết bị (CN&TB) trong lĩnh vực công nghệ xanh (chuyển đổi số, tự động hóa, phần mềm, robot,…); năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, điện gió, hệ thống tích trữ năng lượng, phần mềm quản lý, tín chỉ carbon,…); CN&TB xử lý môi trường (quan trắc, xử lý tái chế, tuần hoàn nguyên vật liệu);…
Hoạt động tham quan các gian hàng triển lãm CN&TB Techmart bắt đầu từ ngày 21/9.
Techmart lần này chú trọng các CN&TB có tính ứng dụng nhằm phục vụ chuyển đổi công nghiệp xanh trên địa bàn TP.HCM. Đây là những giải pháp tự động hóa, hiện đại, sử dụng ít năng lượng, giúp giảm lượng chất thải và giảm ô nhiễm, điển hình như giải pháp an ninh thông minh Smartlook tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI cho nhà máy/doanh nghiệp sản xuất; robot CNC tạo mẫu và gia công khuôn tích hợp cảm biến IoT sử dụng trong dây chuyền sản xuất tự động; quy trình sản xuất chế phẩm phủ sinh học bảo vệ các vật liệu tự nhiên; công nghệ xử lý nước thải sinh học liên tục AAO; công nghệ điện mặt trời nổi trên mặt nước; hệ thống xử lý khí thải cho nhà máy sản xuất công nghiệp; hệ thống đỗ xe thông minh kiểu xếp hình (Puzzle Parking); quy trình công nghệ tạo hạt nhựa phân hủy sinh học iGreen; hệ thống xử lý khí thải bằng phương pháp Cyclon ướt; hệ thống xử lý nước ngầm ứng dụng công nghệ làm thoáng cải tiến kết hợp bể lọc nhanh nuôi cấy vi sinh;…
Trong đó, hệ thống xử lý nước ngầm ứng dụng công nghệ làm thoáng cải tiến kết hợp bể lọc nhanh nuôi cấy vi sinh do Công ty CP Công nghệ xử lý nước và môi trường ETM cung cấp. Với công nghệ này, ETM đã nghiên cứu kết hợp quá trình làm thoáng cải tiến, phương pháp lọc nhanh qua lớp vật liệu lọc và sử dụng vi sinh vật để xử lý đồng thời cặn sắt (Fe) và chất ô nhiễm (amoni) trong nước ngầm. Ở giai đoạn làm thoáng cải tiến, nước ngầm được bơm qua bộ trộn khí Ejector (thiết bị làm thoáng cải tiến) lắp đặt phía trên thùng phản ứng. Bộ trộn khí Ejector là một thiết bị tạo chân không đơn giản, sử dụng nguyên lý Venturi, nước tăng tốc qua diện tích thu hẹp sẽ làm giảm áp suất, tạo độ chân không, khí được đẩy vào Ejector sẽ hòa trộn đều với nước đi ra ngoài. Ở giai đoạn bể lọc nhanh (sử dụng vật liệu lọc kết hợp nuôi cấy vi sinh xử lý), bể lọc được dùng để lọc một phần hay toàn bộ cặn bẩn có trong nước tuỳ thuộc vào yêu cầu đối với chất lượng nước của đối tượng dùng nước. Bể lọc gồm vỏ, vật liệu đỡ, các lớp vật liệu lọc, máng thu nước rửa lọc, hệ thống thu nước lọc và phân phối nước rửa lọc, hệ thống cung cấp nước rửa. Khi lọc nước, tổn thất áp lực trong lớp vật liệu lọc tăng lên, còn độ chênh áp lực của bể lọc không đổi nên vận tốc lọc giảm dần. bể lọc có thể làm việc với tốc độ tăng dần hoặc vận tốc cố định trong suốt chu kỳ lọc. Nước qua bể lọc chuyển động theo chiều từ trên xuống, qua lớp vật liệu lọc, sỏi đỡ vào hệ thống thu nước trong và được đưa về bể chứa nước sạch. Ưu điểm của công nghệ này là hiệu quả xử lý cao, chi phí vận hành thấp, tốn ít diện tích lắp đặt, đặc biệt, không sử dụng hóa chất nên thân thiện với môi trường, không tạo nguồn thải độc hại khó xử lý.
Công ty ETM cũng giới thiệu hệ thống xử lý khí thải bằng phương pháp Cyclon ướt, được nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Cyclone ướt để thu gom bụi, có hiệu quả lọc bụi cao hơn đáng kể so với phương pháp Cyclone khô, giúp mang lại giải pháp tối ưu cho các nhà máy sản xuất có phát sinh bụi và khí thải gây ô nhiễm môi trường như CO, CO2, NOx, SOx, hợp chất của amoni, phenol, hơi axit,… Thiết bị Cyclone ướt hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng lực ly tâm kết hợp với nguyên lý tiếp xúc giữa dòng khí mang bụi với dòng chất lỏng, bụi trong dòng khí bị chất lỏng giữ lại và thải ra ngoài dưới dạng cặn bùn. Ưu điểm của hệ thống là có thiết kế linh hoạt, cho phép tùy chỉnh để phù hợp với mọi quy mô và nhu cầu của khách hàng; vận hành đơn giản, tiêu tốn ít năng lượng, dễ bảo trì, sửa chữa và sử dụng những nguyên vật liệu phổ biến, dễ tìm kiếm; đạt hiệu suất xử lý cao, đảm bảo chất lượng khí thải đầu ra đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.
Với quy trình công nghệ tạo hạt nhựa phân hủy sinh học, Công ty CP Công nghệ phát triển iGreen giới thiệu tại Techmart các nguyên liệu hạt nhựa phân hủy sinh học ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm túi hai quai, túi cuộn, túi trong, túi ngành may, túi đựng rác, túi mua sắm, muỗng, nĩa, dao, đĩa, ly, hộp, ống hút,… Điểm nổi bật của các sản phẩm này là có nguồn gốc thực vật tái tạo trong tự nhiên, công thức phối trộn với các thành phần từ phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, bã mía, bột tre, ngô, sắn,… nên có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn. Sản phẩm được iGreen nghiên cứu và phát triển sản xuất với mục tiêu cung cấp các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn, thân thiện môi trường, góp phần cung cấp giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, hướng tới bao bì xanh, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa,…
Hoạt động tư vấn chuyên gia về công nghệ tại Techmart diễn ra liên tục trong hai ngày 21&22/9
Tại khu vực tư vấn Techmart, 8 chuyên gia đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM (như Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Tài nguyên và Môi trường, Đại học Công nghiệp, Đại học Sài Gòn) thường trực trong hai ngày 21&22/9, tư vấn miễn phí về CN&TB trong lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường. Các chuyên gia không chỉ tư vấn trực tiếp tại khu vực diễn ra Techmart mà còn tư vấn trực tuyến thông qua sự kết nối của ban tổ chức.
Cụ thể, các yêu cầu tư vấn đã và đang được các chuyên gia giải đáp như: tư vấn xử lý chất thải hữu cơ trong nước; tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi các thông số từ lò đốt rác thải; tư vấn về pin mặt trời cho các trạm sạc; tiềm năng Hydrogen trong ô tô ở Việt Nam; tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; thiết bị đo phát thải từ lò sấy sử dụng nhiên liệu biomass và đơn vị có chức năng đo; vấn đề xử lý môi trường trong chế biến chanh; cách thức lưu dữ liệu đo lường khí thải hàng năm để xem được trực tiếp và dễ dàng theo dõi;… Ngoài ra còn có nhiều yêu cầu tư vấn mà doanh nghiệp quan tâm như quy trình công nghệ tổng hợp và phân tích vật liệu nano, vật liệu thân thiện môi trường, ứng dụng xử lý môi trường nước thải; thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính theo ISO 14064:2018, dấu chân carbon ISO 14067:2018, trung hòa carbon PAS 2060:2014, báo cáo theo cơ chế CBAM; tư vấn về nhận dạng, tính toán thông minh, xử lý ảnh, ứng dụng AI trong quản lý sản xuất; giải pháp công nghệ, chuyển đổi số trong điều hành và vận hành; phương pháp thu nhận năng lượng Hydrogen; tư vấn phương pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp; kỹ thuật kiểm soát và công cụ quản lý đo lường năng lượng, đánh giá hiện trạng năng lượng; cải tiến hệ thống quản lý môi trường trong doanh nghiệp; tư vấn về ô nhiễm vi nhựa và biện pháp giảm thiểu;…
Trong khuôn khổ Techmart cũng diễn ra 13 chuyên đề hội thảo giới thiệu công nghệ (tại khu vực số 7 - Không gian kết nối giao thương, tương tác, trải nghiệm), bao gồm các tham luận khoa học từ các chuyên gia và các hội thảo giới thiệu công nghệ từ các doanh nghiệp. Chuỗi hội thảo Techmart diễn ra liên tục trong hai buổi chiều 21&22/9 và đều được phát livestream trực tiếp, tạo thuận lợi cho khách tham dự. Khách mời cũng có thể xem lại bất kỳ hội thảo nào đã diễn ra mà mình quan tâm.
Điển hình như các hội thảo Hệ thống đo lường và giám sát từ xa chất lượng môi trường không khí cho khu công nghiệp, khu dân cư dựa trên nền tảng IoT; Giải pháp khảo sát, kiểm tra hệ thống điện mặt trời, điện gió và tạo bản sao 3D kỹ thuật số bằng drone kết hợp công nghệ AI; Công nghệ khí hóa xử lý rác thải rắn trong sản xuất công nghiệp - chế biến tạo năng lượng phục vụ quá trình sấy và bảo quản nông sản, thực phẩm; Công nghệ Plasma Nano Bubble xử lý nước thải đầu nguồn cho nhà máy, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn; Giải pháp điều khiển phân tán hệ thống quản lý năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ AI tối ưu chi phí sản xuất trong nhà máy; Mô hình xác định sản lượng năng lượng mặt trời và hệ thống giám sát, phát hiện, chẩn đoán lỗi dàn pin quang điện dựa trên nền tảng IoT; Công nghệ AO xử lý nước thải và tái sử dụng cho khu công nghiệp, khu dân cư; Ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí CO2 cho các doanh nghiệp sản xuất;...
Hình ảnh tại hội thảo "Hệ thống đo lường và giám sát từ xa chất lượng môi trường không khí cho khu công nghiệp, khu dân cư dựa trên nền tảng IoT" diễn ra chiều 21/9
Tại hội thảo "Hệ thống đo lường và giám sát từ xa chất lượng môi trường không khí cho khu công nghiệp, khu dân cư dựa trên nền tảng IoT", TS. Phạm Văn Khoa (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, với tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, có thể thấy tác nhân từ phương tiện giao thông cá nhân, hay từ hoạt động sản xuất công nghiệp là khá lớn. Chất lượng không khí có tác động lớn đến sức khỏe con người, như tại TP.HCM, chất lượng không khí được cảnh báo có nguy cơ ảnh hưởng tới các bệnh đường hô hấp, ho, viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,… Do vậy, việc áp dụng giải pháp đo lường, giám sát chất lượng không khí sẽ giúp sớm có biện pháp ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp cũng như hạn chế, phòng ngừa các chứng bệnh liên quan đến các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, các giải pháp hiện nay chỉ cho phép đo lường một số thông số, công nghệ Bluetooth có khoảng cách truyền dẫn không cao, các hệ thống dựa trên công nghệ GSM thường gặp vấn đề mất tín hiệu và tốc độ chậm, chi phí cao,… Ngoài ra, các hệ thống đang được đề xuất ở dạng thử nghiệm, chưa hoàn thiện, chưa phù hợp để triển khai thực tế. Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu của TS. Khoa đề xuất giải pháp công nghệ hoàn chỉnh, đã được triển khai áp dụng ở một số đơn vị. Hệ thống đo lường và giám sát từ xa chất lượng môi trường không khí được nhóm nghiên cứu ứng dụng các công nghệ IoT, cảm biến đo lường và công nghệ truyền dẫn dữ liệu kết hợp Wi-Fi và LoRa, có thể lắp đặt hoàn chỉnh để triển khai trong môi trường thực tế, nhằm đo lường và giám sát từ xa các thông số chất lượng môi trường không khí như CO, nhiệt độ, độ ẩm, bụi mịn, CO2,… Ưu điểm của hệ thống là được thiết kế có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt và không chiếm diện tích; tiết kiệm năng lượng, giá thành thấp, dễ sử dụng; tính tương thích (có thể truy cập thông tin bởi các thiết bị khác nhau có khả năng truy cập internet); có thể đặt ở địa điểm trong nhà hoặc ngoài trời, đều có khả năng giao tiếp tốt với nhiều bộ cảm biến đo lường khác nhau để đo lường và giám sát các thông số môi trường ở phạm vi trong nhà và ngoài trời.
Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành là hoạt động thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhằm tạo điều kiện đưa công nghệ mới vào ứng dụng trong sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Techmart chuyên ngành Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM 2024 được tổ chức từ ngày 21-25/9 tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần 5 năm 2024 (HEF 2024). Đây sẽ là cơ hội để kết nối các tổ chức, doanh nghiệp góp phần xây dựng hệ sinh thái sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số. Đồng thời giới thiệu các công nghệ mới tại Việt Nam, sẵn sàng hợp tác và chuyển giao cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu.
Một số hình ảnh khác tại các khu vực gian hàng, tư vấn và hội thảo của Techmart Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM 2024:
Chi tiết về Techmart chuyên ngành Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp trên địa bàn TP.HCM 2024, vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM
Phòng Giao dịch công nghệ
79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Mobile: 0939413733 (Chị Thùy Vân).
Lam Vân (CESTI)