Công nghiệp văn hóa: tạo động lực sáng tạo cho sự phát triển kinh tế - xã hội
Bằng nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững, mang lại giá trị lớn cho xã hội.
Ngày 20/6/2025, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “Công nghiệp văn hóa thành phố - Từ bản sắc tới sáng tạo: Động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình tuyển chọn và ươm tạo các dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa - InnoCulture 2025. Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) là đơn vị triển khai thực hiện.
Bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc SIHUB phát biểu khai mạc hội thảo
Công nghiệp văn hóa đang nổi lên như một ngành kinh tế mũi nhọn đầy tiềm năng tại Việt Nam. 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đang phát triển giai đoạn năm 2020 - 2030, gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Hiện nay, TP.HCM đang có nhiều mô hình sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa như dự án điện ảnh Kính Vạn Hoa, chương trình biểu diễn nhạc dân tộc "Chào Show"… Đó đều là những dự án từ người trẻ, ghi dấu ấn công nghệ trong ngành công nghiệp văn hóa, là câu chuyện thực tiễn từ những startup khởi nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật - giải trí - điện ảnh, là các mô hình sáng tạo ứng dụng AI biểu diễn văn hóa.
Trong khuôn khổ hội thảo, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM công bố chương trình InnoCulture 2025 với các gói hỗ trợ lên tới 400 triệu đồng/dự án, dành cho các ý tưởng và sản phẩm văn hóa đổi mới sáng tạo. Theo bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM, SIHUB đã tuyển chọn và đang ươm tạo hơn 130 dự án văn hóa thông qua các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tuy nhiên, để các dự án này phát triển hiệu quả và bền vững, rất cần sự tham gia của các chuyên gia, cố vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Tại hội thảo, TS. Trịnh Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho biết văn hóa dân gian là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn và định hình bản sắc dân tộc, nhưng cần chuyển hóa những giá trị này thành nguồn lực kinh tế bền vững. Theo ông Trịnh Đăng Khoa, công nghiệp văn hóa là quá trình sản xuất - trao đổi - mua bán các hoạt động văn hóa để tạo ra giá trị lớn hơn. Hơn nữa, cần kết hợp với thiết kế hiện đại, du lịch trải nghiệm và số hóa, tạo ra những sản phẩm văn hóa mới, từ đó góp phần phát triển công nghiệp văn hóa một cách bền vững. Trao đổi về mối liên hệ giữa văn hóa và sự phát triển xã hội, NSƯT Linh Trung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Đông Nam Á cho rằng người sáng tạo không chỉ chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình mà còn với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là đối với thị hiếu của công chúng.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo dự án văn hóa, các bạn trẻ tham dự hội thảo còn đề cập đến vấn đề hỗ trợ tìm kiếm và sử dụng nguồn dữ liệu văn hóa chính thức để phát triển dự án. Theo đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa được xem là rất quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển tài nguyên văn hóa, tạo ra giá trị kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển và hòa nhập trong thời đại mới.
Hoàng Kim (CESTI)