‘Bùng nổ’ dịch vụ đi chợ online giữa mùa dịch


Dịch bệnh kéo dài dẫn tới tâm lý ngại ra đường của nhiều người, khiến không chỉ dịch vụ giao đồ ăn mà dịch vụ đi chợ online cũng nở rộ.

Thay vì phải tốn thời gian đi đến siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm sạch, người dùng chỉ cần mở ứng dụng và lựa chọn món hàng cần mua và thanh toán, thực phẩm tươi ngon đã sẵn sàng được giao tới.

c1_edit.jpg

Các nền tảng đa dịch vụ từ trước

Từ lâu, Now được biết đến là gã khổng lồ trong ngành dịch vụ giao thức ăn, ứng dụng này không chỉ tiên phong mà còn chiếm thị phần cao trong ngành. Ngoài NowFood chuyên giao thức ăn nấu sẵn từ hàng quán, ứng dụng này còn có NowFresh chuyên giúp khách hàng mua nguyên liệu tươi sống.

Hiện tại, NowFresh đang đem tới lựa chọn cho người dùng từ hơn 500 cửa hàng sạch uy tín, chuyên cung cấp thực phẩm, rau củ, hải sản thịt tươi sống,... Ngoài ra còn liên kết với nhiều thương hiệu thực phẩm danh tiếng như La Maison, Nam An Market, Annam Gourmet Market,...

Với lực lượng shipper hùng hậu chuyên giao thức ăn, dịch vụ NowFresh giúp khách hàng chỉ cần ngồi yên tại nhà cũng có thể mua sắm được hàng hóa như ý muốn với thời gian chưa đầy 1 tiếng.

c2_edit.jpg

Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng Vinmart của Tập đoàn Vingroup cũng cho ra mắt tính năng đi chợ quét mã tiện lợi. Thay vì phải ra cửa hàng, người dùng chỉ cần sử dụng phần mềm VinID trên điện thoại và scan mã những sản phẩm cần mua và thanh toán ngay trên đường đi.

Khi về đến nhà, shipper cũng sẽ mua hàng và giao đến tận nơi. Ý tưởng này giúp khách hàng không phải mang xách nặng nề hay mất thời gian xếp hàng tại quầy thanh toán, tránh được tiếp xúc ở nơi đông người nhưng vẫn có được đầy đủ thực phẩm để dùng trong ngày.

Những gã khổng lồ mới nhảy vào cuộc chơi

Grab và Be sau thời gian dài cạnh tranh nhau trên miếng bánh xe công nghệ, giao hàng và giao thức ăn, đã cùng nhau tiếp tục mổ xẻ thị trường đi chợ trực tuyến.

Với lợi thế hàng chục ngàn tài xế phân bố đều đặn và dày đặc khắp thành phố, Grab không gặp quá nhiều khó khăn khi muốn triển khai dịch vụ mới. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, mới đây ứng dụng này đã bắt đầu thử nghiệm GrabMart - hình thức đi chợ qua app

c3_edit.jpg

Người dùng có thể chọn mua thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi,... từ các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm như Co.op Food, Klever Fruits, CJ Market,... đơn hàng sẽ gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của siêu thị.

Đối tác tài xế nhận đơn hàng GrabMart chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng. Cách làm này đã có từ GrabFood, giúp tài xế và cả khách hàng tiết kiệm được thời gian chờ, không cần tài xế phải thanh toán thủ công (nếu khách hàng đã thanh toán qua thẻ).

c4_edit.jpg

Đối thủ của Grab là Be cũng nhanh chóng bắt tay vào hợp tác với các siêu thị, cửa hàng để mở chợ online cho riêng mình. Không chỉ ở TP.HCM, Be đã nhanh chóng triển khai dịch vụ này tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Nha Trang.

Ứng dụng của Be hiện tại cho phép khách hàng mua sắm nhu yếu phẩm, thực phẩm với hóa đơn không quá 500.000 đồng. Vì thế nếu có nhu cầu mua nhiều hơn, khách phải đặt đơn nhiều lần.

Thương mại điện tử: thời tới cản không được

Bên cạnh thực phẩm và nhu yếu phẩm hằng ngày, thì nhu cầu mua sắm đồ dùng khác như đồ dùng y tế, thiết bị điện, đồ nội thất, văn phòng phẩm, quần áo thời trang,... cũng tăng cao khi người dân không ra đường còn các cửa hàng thì đóng cửa. Chính vì vậy, sàn thương mại điện tử hay các trang mua sắm trực tuyến được dịp “hốt bạc”.

Theo Kantar Worldpanel, dịch Covid-19 đã làm thay đổi trong hành vi mua sắm và chuyển động bán lẻ tại Việt Nam. Lazada Việt Nam cho biết lượng đơn đặt hàng trực tuyến hàng tuần đã tăng tới 300% khi người dân đổ xô đi mua sắm trực tuyến và hạn chế ra ngoài do dịch bệnh bùng phát.

c5_edit.jpg

Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết: “Đây là tín hiệu tốt cho thương mại điện tử Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp nhỏ trên môi trường ảo, giúp đảm bảo hơn quyền lợi của người tiêu dùng”.

Bên cạnh đó, các nhà thuốc, các cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cũng hợp tác với các kênh thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến vì đây là thời điểm người dân cần mua sắm khẩu trang, nước rửa tay, đồ dùng y tế,... khiến những công ty làm trong ngành này đạt doanh thu khủng.

Siêu thị truyền thống đẩy mạnh giao hàng online

Siêu thị vốn là nơi tập trung đông người nhưng lại không thể ngừng hoạt động vào mùa dịch, vì thế các siêu thị truyền thống như Big C, Co.op Mart, Lotte Mart, Bách Hóa Xanh,... tranh thủ trong thời gian này đẩy mạnh mảng giao hàng trực tuyến của mình.

c6_edit.jpg

Thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, doanh số bán hàng tại siêu thị chững lại trong thời gian qua do tâm lý ngại ra đường và tập trung đông người của người dân. Nhưng doanh thu đến từ giao hàng online của các siêu thị tăng từ 25% đến 30%.

Hệ thống siêu thị Big C triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Cũng như Big C, hệ thống siêu thị Co.opmart bên cạnh bảo đảm nguồn hàng, nhà bán lẻ đã đẩy mạnh triển khai kênh mua sắm qua điện thoại, qua wesbite TMĐT nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho mọi người.

c7_edit.jpg

Bên cạnh hàng hóa và nhu yếu phẩm, những sản phẩm dịch vụ khác như cà phê, nước giải khát, thức ăn nhanh,... cũng sẽ trở thành mặt hàng được giao nhận nhiều trong vài ngày tới bởi những các cửa hàng, chuỗi quán ăn uống đã đóng cửa và chỉ duy trì bán online.

Grab, GoViet, Be, Baemin hay những dịch vụ giao hàng của các siêu thị, các sàn thương mại điện tử đã đi vào hoạt động ổn định từ lâu và sẽ phát huy tốt vai trò của mình trong thời dịch bệnh, là cú hích tạo đà cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống.

Quang Niên


Xem thêm