Vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup Việt trong lĩnh vực nào?

   

Nửa đầu năm 2020, các startup Việt Nam ở một số ngành mới nổi như HRTech, PropTech thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, xu hướng đầu tư tiềm năng năm 2021 được dự báo ở các ngành giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính.

Foreign-investment-in-Vietnam-sblaw.jpg

Theo báo cáo đầu tư vào công ty khởi nghiệp Việt Nam 2019 và sáu tháng đầu năm năm 2020 do quỹ Do Ventures thực hiện cho thấy năm 2019 đánh dấu mức cao kỷ lục của giá trị vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp Việt với 861 triệu USD, tăng 92% so với năm 2018.

Số vốn này đổ vào 123 thương vụ đầu tư, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Động lực chính cho bước nhảy vọt đến từ các công ty đang phát triển ở giai đoạn sau như Tiki, VNPay và Sendo.

Tuy nhiên sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm 22%, từ 284 triệu USD nửa đầu năm 2019 xuống còn 222 triệu USD nửa đầu năm nay. Tình trạng này đã được dự báo trước khi các biện pháp hạn chế đi lại cũng như những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu đã và đang làm gián đoạn các hoạt động đầu tư.

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2019 cũng tăng kỷ lục, lên 109. Dẫn đầu là các quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, theo sau là Singapore và Nhật Bản.

Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng nhà đầu tư gần như không biến động với chỉ một số rất ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Hầu hết các giao dịch giai đoạn đầu năm được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài có nhân sự ở Việt Nam.

Về lĩnh vực thu hút vốn, trong khi bán lẻ tiếp tục chiếm ưu thế với 64 triệu USD, nửa đầu năm nay cũng chứng kiến sự tăng mạnh vốn đầu tư mạo hiểm vào các ngành mới nổi như tuyển dụng (HRTech) thu hút 36 triệu USD và bất động sản – hạ tầng (PropTech) với 26 triệu USD.

Khảo sát dự báo triển vọng đầu tư vào startup Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn ở mức cao. Cụ thể, 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á cho biết Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng sắp tới. Điểm đến ưu tiên thứ hai là Indonesia.

Hiện tại, tình trạng những hoạt động thường nhật bị gián đoạn hoặc thay đổi do các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh cũng cho thấy nhu cầu cao đối với việc áp dụng rộng rãi các giải pháp mới. Nửa năm còn lại dự kiến sẽ có sự gia tăng vốn rót vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giao hàng bách hóa, giáo dục trực tuyến và giải trí.

Các nhà đầu tư được khảo sát cũng cho biết đang tìm kiếm các công ty khởi nghiệp có khả năng thích ứng và đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ cho phù hợp với tình trạng “bình thường mới” sau Covid-19. Xu hướng dài hạn trong 12 tháng tiếp theo cũng được ghi nhận xung quanh các lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính.

Do Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu, được sáng lập bởi ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Lê Hoàng Uyên Vy. Quỹ đầu tiên là Do Ventures I với tổng vốn quản lý 50 triệu USD vừa ra mắt hồi đầu tháng 9.

Trâm Bi - Theo Forbes