Một 'nông dân' Củ Chi cho xài “chùa” công nghệ để lan tỏa tình yêu làm nấm sạch


Cho người dân sử dụng “nhà máy” sấy của mình miễn phí để có nấm sạch, chị Lê Hà Mộng Ngọc muốn bà con nhận thức rõ hơn vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, và giúp họ nghĩ đến việc xuất khẩu.

Mặc dù không có chuyên môn về nấm nhưng 10 năm qua, chị Ngọc đã ứng dụng công nghệ trong việc bảo quản, chế biến sản phẩm nấm và giúp bà con mình kỹ thuật làm nấm. Ảnh: Hà Thế An.

Mặc dù không có chuyên môn về nấm nhưng 10 năm qua, chị Ngọc đã ứng dụng công nghệ trong việc bảo quản, chế biến sản phẩm nấm và giúp bà con mình kỹ thuật làm nấm. Ảnh: Hà Thế An.

Đất thép trong chiến tranh và tinh thần “thép” thời bình

Vùng đất thép Củ Chi trong chiến tranh luôn gắn với hình ảnh những nữ du kích mạnh mẽ, gan dạ. Trong thời bình, dường như những tính cách đó vẫn vẹn nguyên khi họ lao động sản xuất với một sự quyết tâm và tình yêu lạ thường.

Người chúng tôi muốn nhắc đến là chị Lê Hà Mộng Ngọc, một 'nông dân' trồng nấm tại ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM.

9h sáng, một chiếc ô tô hiệu Mitshubishi 7 chỗ chạy băng băng qua con đường ngoằn nghoèo phủ đầy cỏ dại. Bên trong cabin chiếc xe chở đầy nấm. Vừa quay vô lăng, chị nói với chúng tôi “sáng nào cũng phải ra nhà màng kiểm tra việc sấy nấm”. Khoảng cách từ nhà ra trang trại non 2 km, nhưng chị chạy đi chạy về không biết bao lần để lấy đồ.

Sắp sửa bước sang tuổi 50, nhưng chị Ngọc vẫn mang giày, quần thể thao. Chị dậy từ 4 giờ sáng, chạy thể dục, đánh cầu lông rồi mới vào công việc. Chị như cô gái với tinh thần lao động của tuổi đôi mươi.

Đã hơn 10 năm chị làm nấm. Nhưng, ban đầu chị Ngọc không phải là người chuyên môn về nấm. Chị tốt nghiệp cao học tại ĐH Kinh tế TP.HCM. Chị nói thích làm nấm vì muốn mang các sản phẩm sạch cho cộng đồng.

Nhớ lại thời kỳ trước, chị bắt gặp hình ảnh những người nông dân quê mình bỏ nấm ra đường phơi. Có khi trời đổ mưa bất chợt, coi như mẻ nấm “tiêu tùng”. Phơi nấm ngoài đường, nhiều người dân bị cơ quan chức năng nhắc nhở vì làm ảnh hưởng đến giao thông. Phơi ngoài đường nên nấm của người dân không có chất lượng tốt nhất. Điều đó ảnh hưởng đến giá thành bán ra. Chị muốn làm gì đó giúp nông dân quê mình.

Đầu năm 2019, chị dám bỏ hơn 200 triệu và được Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM giúp sức thêm cũng tương đương số tiền chị bỏ ra. Vậy là chị có một nhà màng sử dụng công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đức.

“Mình học kinh tế nên hiểu rằng, giá trị một sản phẩm chỉ có thể khẳng định bằng chất lượng, ứng dụng công nghệ. Việc bỏ ra số tiền lớn như vậy cũng là để giúp bà con mình làm nấm sạch hơn”- chị Ngọc nói.

Và chị giúp thật. Hơn 100 nông dân chòm xóm tham gia “hợp tác xã” với chị. Có người trồng nấm ở tận Tây Nguyên nghe nói chị có công nghệ làm nấm hay ho cũng lặn lội đến với chị để "tầm sư học đạo” về nấm. Sáng nào cũng có người mang nấm đến nhà màng của chị sấy. Tất cả chị đều miễn phí.

Công nghệ trồng nấm của chị đạt tiêu chuẩn VietGap và chứng nhận hữu cơ. Ảnh: Hà Thế An.

Công nghệ trồng nấm của chị đạt tiêu chuẩn VietGap và chứng nhận hữu cơ. Ảnh: Hà Thế An.

Nhà màng sử dụng công nghệ sấy mặt trời của chị rộng khoảng 15 mét vuông, mỗi mẻ sấy chị có khoảng 300 kg nấm bao gồm các loại như nấm linh chi, bào ngư, đùi gà,...Chị còn làm các sản phẩm nấm tươi. Sản phẩm của chị đã vào được hệ thống siêu thị như Co.opmart, Lotte Mart,…

Đối với nấm linh chi, chị đưa vào các bệnh viện để họ sử dụng làm nguyên liệu sản xuất “viên nguồn sống” cho các bệnh nhân đang điều trị ung thư tại bệnh viện y học cổ truyền TP.HCM.

Mỗi tháng chị sản xuất được khoảng 4 tấn nấm. Sau khi trừ chị phí chị thu lãi khoảng 120 triệu đồng/ tháng. “Làm kinh tế không phải chỉ để thu lời, tôi cũng muốn người dân hiểu thêm về quy trình làm nấm sạch, cho họ sử dụng miễn phí hệ thống sấy để họ có thể hiệu được việc ứng dụng công nghệ mang lại giá trị cho mình”- chị Ngọc kể.

Sẽ xuất khẩu nấm sang Mỹ, Nhật

Doanh thu ổn định, không có nghĩa là chị “an phận”. Chị Ngọc kể, chị đang kết nối với một số chuyên gia Nhật Bản, hợp tác để xuất khẩu nấm mèo sang Nhật. Thị trường Nhật rất tiềm năng với nhu cầu lớn về các loại nấm.

Sắp tới, sẽ có một đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ đến thăm trang trại của chị. Hai bên sẽ cùng bàn phương án phối hợp nghiên cứu tạo ra một loại bột nêm thực dưỡng từ nấm để hỗ trợ giúp con người điều trị một số loại bệnh tật.

“Người Nhật rất nguyên tắc và rất coi trọng chất lượng sản phẩm. Đó vừa là áp lực nhưng cũng là động lực để mình đầu tư vào chất lượng nấm tốt hơn. Hiện tại, nấm của chúng tôi đang ở chuẩn VietGap và chuẩn hữu cơ được công nhận bởi các tổ chức đánh giá trong nước. Để xuất khẩu chúng tôi cần hướng đến những tiêu chuẩn khắt khe hơn”- chị Ngọc chia sẻ.

Thị trường Mỹ cũng đang trong “tầm ngắm” của chị. Hiện tại, theo sự tìm hiểu của chị, ở Mỹ đang rất chuộng nấm rơm. Đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Mỹ rất thích loại thực phẩm này. Mặt khác, nấm rơm hiện chưa thể trồng được ở Mỹ. Vì thế, thị trường Mỹ cũng sẽ hứa hẹn tiềm năng rất lớn.

Quy trình đóng gói sản phẩm nấm tươi trước khi nhập vào siêu thị. Ảnh: Hà Thế An.

Quy trình đóng gói sản phẩm nấm tươi trước khi nhập vào siêu thị. Ảnh: Hà Thế An.

Trang trại trồng nấm rộng 8 héc ta được chị “quy hoạch” thành nhiều khu vực, với mục đích tạo ra một quy trình sản xuất từ việc thu hoạch, sấy, chế biến, đóng gói bao bì. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn của chị chưa thể đủ để chị thực hiện khát vọng xuất khẩu. Chị mong muốn nhận được những sự hỗ trợ từ Nhà nước để hoàn tất “quy hoạch” của mình.

Khi nhắc đến nấm, chị sẵn lòng kể tất tần tật về đặc tính sinh học mỗi loại, giá trị kinh tế, giá trị y học của từng loại nấm. Chị kể chuyện về nấm với sự vô tư và say sưa mà người nghe có thể cảm nhận rõ lòng đam mê của chị. Có người gọi chị là “vua nấm” Củ Chi.

Theo Hà Thế An - Khám phá

Bài gốc

Xem thêm