Tính toán ứng dụng trong thành phố thông minh
Tại hội thảo năm nay, các diễn giả giới thiệu tới cộng đồng 4 phần trình bày xoay quanh nội dung giải pháp quản lý đô thị và bệnh án điện tử.
Tiếp nối thành công của chuỗi hội thảo Smart City 360 độ năm 2017 và năm 2018, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở KH&CN TP.HCM) đã tổ chức Hội thảo khoa học Smart City 360 độ lần thứ III năm 2019 với chủ đề “Tính toán ứng dụng và Đô thị thông minh”.
Chuỗi sự kiện Smart City 360 độ là hoạt động trao đổi học thuật thường niên do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức, với sự bảo trợ và trực tiếp chỉ đạo của Sở KH&CN TP.HCM. Sự kiện với mục tiêu là xây dựng diễn đàn cho các nghiên cứu và giải pháp công nghệ hô trợ giải quyết các bài toán của một đô thị thông minh.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM - Viện trưởng Viện KH&CN Tính toán, cho biết hội thảo Smart City 360 độ thể hiện tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại các đơn vị nghiên cứu - đào tạo, cũng như nhu cầu của các cơ quan quản lý các tỉnh thành đang xây dựng thành phố thông minh và doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ.
Tại hội thảo năm nay, các diễn giả giới thiệu tới cộng đồng 4 phần trình bày xoay quanh nội dung giải pháp quản lý đô thị và các giải pháp quản lý bệnh án điện tử. Các tham luận ở buổi hội thảo là những giải pháp có liên quan đến các bài toán thực tế, cụ thể trong quản lý đô thị và y tế thông minh. Điểm đặc biệt là các kết quả nghiên cứu ứng dụng đều được phát triển trong nước và được đánh giá cao trong các cuộc thi và hiện đang được triển khai ứng dụng trong các cơ quan, ban ngành của Thành phố.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM, chia sẻ hiện nay việc phát triển đô thị thông minh là tất yếu và nhu cầu tích hợp dữ liệu là yêu cầu đặt ra hàng đầu của các cơ quan nhà nước.
Đối với Sở TN&MT TP.HCM thì việc tích hợp dữ liệu có thể giúp giải quyết các vấn đề về quy hoạch đất, quản lý và giám sát môi trường nước, không khí, rác. Ngoài ra việc tích hợp này còn giúp giải quyết vấn đề ùn ắc giao thông, giảm ngập, giảm lún. Để tạo ra một nền tảng dữ liệu hoạt động tối ưu cần có sự hợp tác và tham gia bởi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức... Tuy nhiên, để có thể vận hành một hệ thống dữ liệu khổng lồ này thì cần giải quyết các bài toán về cung cấp dữ liệu cũng như khả năng tương thích nhiều loại công nghệ.
“Dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường sẽ dễ dàng tiếp cận khai thác và sử dụng hiệu quả và là nền tảng để kiến tạo môi trường phát triển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM" Ông Sơn nhấn mạnh.
Tại buổi hội thảo, TS. Bùi Hữu Phú, CEO Nam Long TekGroup, cũng đã trình bày giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 và IoT tiên tiến để xây dựng trung tâm quan trắc giám sát, cảnh báo, và phòng chống ngập lụt trên địa bàn Thành phố.
Giải pháp này cung cấp đầy đủ thông tin về cảnh báo, dự báo ngập theo thời gian thực. Những thông tin này sẽ được gửi tới cơ quan chức năng cũng như cập nhật đến người dân qua ứng dụng cảnh báo ngập. Đây cũng là một trong những sản phẩm lọt vào vòng chung kết và đạt giải của cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức năm 2018.
Ngoài các giải pháp về quản lý đô thị, Hội thảo cũng giới thiệu các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y tế. Nổi bật có giải pháp quản lý bệnh án điện tử 4.0 CLAS Healthcare. Bệnh án điện tử CLAS Healthcare được xây dựng với sự hỗ trợ từ Microsoft, ứng dụng công nghệ block chain giúp bảo mật tuyệt đối thông tin người bệnh. Đây là một hệ thống độc lập, không phụ thuộc vào phần mềm quản lý bệnh viện, do vậy dù bệnh viện đang sử dụng hệ thống nào cũng có thể triển khai bệnh án một cách nhanh chóng, thuận tiện. Đây cũng là bệnh án điện tử duy nhất đạt giải tại cuộc thi “Y tế thông minh” năm 2018. Đây cũng là bệnh án điện tử duy nhất đạt giải tại cuộc thi “Y tế thông minh” năm 2018 và là ứng viên tham gia Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2018 (I-Star 2018).
Thạch An