Lúng túng với dịch vụ công mức độ 4

Hiện TPHCM đã triển khai 552 dịch vụ công trực tuyến, nhưng trong đó chỉ có 59 dịch vụ mức độ 4. Tương tự, trong 148 dịch vụ công trực tuyến đang triển khai, số dịch vụ công trực tuyến mức 4 dừng lại ở 18 dịch vụ. 

tiep-dan_ARKC.jpg

Khó thu phí và đảm bảo tính pháp lý

Trong cuộc họp về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với một số thủ tục hành chính diễn ra mới đây, ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TPHCM, nêu ý kiến: “Khi đăng ký công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, cá nhân, doanh nghiệp thường phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.

Chẳng hạn, vừa rồi sau khi tiếp nhận bộ hồ sơ đăng ký thiết bị hợp quy thang máy, chúng tôi phải trả hồ sơ vì thông tin khai báo không đúng. Đăng ký sản phẩm thang máy nhưng giấy tờ liên quan lại là… thang cuốn. Do quy trình giải quyết hay gặp những tình huống như vậy nên chúng tôi đề xuất cung cấp thủ tục hành chính trên dừng ở mức độ 3”.

Tương tự, một số phòng, ban khác trực thuộc Sở LĐTB-XH TP cũng lúng túng khi “nâng cấp” dịch vụ thủ tục hành chính, đặc biệt là dịch vụ cấp độ 4. 

Ghi nhận phản ánh, kiến nghị từ phòng, ban chuyên môn, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm nhận định, nếu hồ sơ sai sót, dù ở mức độ nào, cơ quan chức năng đều phải làm việc lại với cá nhân, doanh nghiệp chứ không riêng gì mức độ 4.

Do đó, ông Lâm vẫn yêu cầu nâng cấp thủ tục đăng ký công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa lên dịch vụ công mức độ 4. 

Về thủ tục hành chính có thu phí/lệ phí, Sở LĐTB-XH TP đang tìm hướng giải quyết từng bước. Đơn cử, khi giải quyết cấp lại giấy phép lao động ở cấp độ 3, cơ quan chức năng nhận hồ sơ trên mạng rồi thẩm định. Đến ngày trả kết quả, người dân, tổ chức mang bộ hồ sơ chính đến đối chiếu và đóng phí.

Tuy nhiên, với cấp độ 4, cá nhân, tổ chức chuyển hồ sơ gốc bằng đường bưu điện đến sở trước thời điểm ra kết quả để làm thủ tục, kiểm tra. Việc này khiến bên nộp không yên tâm, bên nhận khó chủ động thời gian; chưa kể, cách thức thu phí vẫn chưa có hướng ra. 

Từ năm 2016, UBND quận 8 công bố cấp giấy phép xây dựng trực tuyến. Theo quy định, tất cả hồ sơ, thủ tục, bản vẽ người dân nộp qua hệ thống và nhận kết quả qua bưu điện. Song trên thực tế, người dân vẫn mang giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà - đất, bản vẽ đến cơ quan chức năng nộp trực tiếp.

Giải thích về quy định này, một cán bộ tiếp nhận hồ sơ cho rằng, giấy chủ quyền nhà scan và gửi qua mạng không thể bảo đảm tính pháp lý. Do đó, UBND quận 8 yêu cầu người dân bổ sung bản chính cho dễ đối chiếu. 

Chờ thí điểm thu phí trực tuyến

Theo ông Lê Hoài Trung (nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM), tiến độ thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trên địa bàn TP vẫn thấp là do yêu cầu về tính pháp lý của thủ tục, cũng như cách thức nộp phí/lệ phí (nếu có).

Đơn cử, do giấy tờ, bản vẽ scan không đảm bảo độ tin cậy nên cán bộ không thể sử dụng trong nhiều trường hợp. Người dân khó giao dịch với cơ quan nhà nước qua internet khi đóng phí/lệ phí. Ông Trung đánh giá, nhìn chung tỷ lệ thủ tục hành chính đưa vào phục vụ ở mức độ 4 tại TPHCM còn khiêm tốn.

Ông Võ Minh Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, giải thích với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ, nhận kết quả; đồng thời, thanh toán phí/lệ phí (nếu có) bằng cách thức trực tuyến.

Nghĩa là người dân, doanh nghiệp không cần đến gặp cán bộ, cơ quan chức năng. Chia sẻ về tình hình cung cấp dịch vụ công trực truyến trên địa bàn TPHCM, ông Thành cho biết, đến nay một số sở  ngành như Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận 1, 12, Bình Tân... vẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với nhiều thủ tục.

Song song đó, cơ quan chức năng đang từng bước nâng cấp những thủ tục không có phí/lệ phí lên cấp độ 4. Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông TP đang thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với một số thủ tục có thu phí/lệ phí theo quy định. Việc giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền diễn ra trên hệ thống của Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Kỳ Lâm - SGGP

Bài gốc