STEM là nhất thời, Khai phóng là mãi mãi

Trong bối cảnh khoa học - kĩ thuật - công nghệ ngày càng phát triển trên nền tảng Toán họa, liệu các ngành Xã hội và Nhân văn - thành tố chính của hệ thống Liberal Arts (tạm dịch là Giáo dục Đại cương hay Giáo dục Khai phóng) có suy giảm về tầm quan trọng?

Hãy cùng trả lời câu hỏi này trong bài phân tích dưới đây của Tim Marshall, Hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng Học vụ của trường The New School (New York, Hoa Kì).

rtri887-e1513390570147.jpg

Gần đây, tôi có tham dự một buổi trò chuyện có sự góp rất nhiều lãnh đạo trong giới công nghệ: từ những người điều hành các tổ chức hỗ trợ các công ty khởi nghiệp cho đến các hãng làm về quảng cáo và thiết kế, và có cả đại diện từ các tên tuổi như Facebook, công ty khởi nghiệp công nghệ Grand Central Tech (Hoa Kỳ), công ty hỗ trợ khởi nghiệp Betaworks, hãng thiết kế IDEO (Hoa Kỳ), và tập đoàn chuyên về khảo sát thị trường toàn cầu Ipsos (Pháp).

Dù vậy, bất chấp cương vị cũng như xuất thân từ ngành kĩ thuật, mọi người tham gia buổi nói chuyện hôm ấy đều có bằng cấp về Giáo dục Đại cương.

Trên thực tế, nhiều người trong giới công nghệ đã hoài nghi về mức độ phù hợp của hệ thống Giáo dục Đại cương trong bối cảnh hiện nay.

Theo lời cố Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cato Institute Andrew J. Coulson, “mối liên hệ bao lâu nay giữa hệ thống Giáo dục Đại cương và mô hình đại học 4 năm đã trở nên lỗi thời kể từ lúc mạng Internet phát triển, và giờ thì nó cổ lỗ sĩ cùng cực.”.

Trong những lần bầu cử sơ bộ, ứng viên đảng Cộng hòa Marco Rubio nhận định rằng “thợ hàn kiếm nhiều tiền hơn triết gia”; đó là một nhận định sai lầm. Về phần chuyên gia đầu tư Marc Andreesen, ông cho rằng những người học các ngành về ngôn ngữ Anh sẽ có triển vọng làm việc trong… tiệm giày.

Thế nhưng, trong tình hình khi mà hệ thống giáo dục STEM - hệ thống liên ngành bao gồm Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kĩ thuật), và Mathematics (Toán học) - đang lên ngôi, dường như mối liên hệ giữa thành công nghề nghiệp và việc đào tạo trong hệ thống Giáo dục Đại cương là có thật.

Giáo dục Đại cương - mô hình đào tạo giới lãnh đạo?

Rất nhiều người nắm giữ vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ đều có bằng cấp về Giáo dục Đại cương.

Trên thực tế, các ngành Văn học và Triết học rất hay xuất hiện trong sơ yếu lí lịch của các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Reid Hoffman - nhà sáng lập mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn - thừa nhận rằng thành công của ông một phần đến từ kiến thức trong chương trình Thạc sĩ Triết học của Đại học Oxford mà trước đây ông theo học.

Caterina Fake và Stewart Butterfield - các tác giả của trang web chia sẻ ảnh Flickr và trang web đề xuất Hunch - đều có bằng Cử nhân và Thạc sĩ về ngành Triết học; chính Fake cũng từng theo ngành Văn học Anh, còn Butterfield thì sau này lập ra ứng dụng giao tiếp nội bộ doanh nghiệp Slack.

Nhà đầu tư vốn ban đầu Chris Dixon cũng có bằng Cử nhân và Thạc sĩ Triết học, trong khi Susan Wojcicki - Giám đốc Điều hành YouTube - thì từng theo học ngành Lịch sử và Văn học. Ngay cả Jack Ma, Giám đốc Điều hành của một trong những tập đoàn thương mại điện tử lừng danh nhất Trung Quốc và thế giới là Alibaba, vốn cũng xuất thân là thầy giáo dạy tiếng Anh.

Tuy nhiên, ngay cả khi có những lãnh đạo trải qua hệ thống Giáo dục Đại cương và trở nên thành công xuất chúng như vậy, vì lẽ gì mà chúng ta vẫn xem nhẹ hệ thống giáo dục này?

Nguyên nhân chủ yếu có thể là do chi phí giáo dục đại học ngày càng tăng, vốn gây áp lực cho sinh viên và gia đình của họ và khiến cho họ phải lựa chọn ngành học “có khả năng thu hồi vốn cao” - những ngành sẽ giúp sinh viên có được công việc tương lai với mức thu nhập cao để nhanh chóng bù đắp chi phí học tập đã bỏ ra trước đó.

Cùng một số tiền học phí, giữa việc theo ngành khoa học máy tính để dễ dàng có được một công việc với mức thu nhập lên đến sáu chữ số và việc học ngành Văn học Anh chỉ để khởi đầu sự nghiệp (một cách may mắn) với vai trò trợ lí biên tập và mức lương chừng 32 nghìn đôla Mỹ, chắc hẳn ai cũng ưu tiên hiệu quả về mặt tài chính mà gật đầu với lựa chọn thứ nhất.

Chính vì thế, xã hội hiện tại khá thờ ơ các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn khi cho rằng các ngành ấy vừa lãng phí và vừa vô ích; thay vào đó, những kĩ năng như lập trình, tiếp thị số và phát triển web nên được chú trọng đào tạo cho người học.

Rõ ràng, xu hướng trên không phải là xu hướng mà thế giới hiện tại đang hướng đến. Yêu cầu nghề nghiệp luôn thay đổi, và chúng thay đổi nhanh đến mức những kiến thức hay ho bổ ích trong năm đầu đại học sẽ gần như vô nghĩa gì khi các sinh viên tốt nghiệp và sẽ hoàn toàn vô nghĩa khi các sinh viên bắt đầu sự nghiệp của họ.

Một nền giáo dục thiên quá nhiều về khoa học kĩ thuật có thể hứa hẹn mang lại hiệu quả ngắn hạn (một công việc) cho người học, nhưng về lâu dài, nền giáo dục như vậy sẽ không trang bị cho người học khả năng thích ứng với thay đổi.

Thay vì dạy cho người học những kĩ năng hạn hẹp, chúng ta cần dạy cho họ khả năng suy nghĩ, giao tiếp, hợp tác, lên kế hoạch, và tạo dựng tương lai của họ cũng như của chính chúng ta.

Thời đại công nghệ phổ biến nhưng phù phiếm giờ đây cũng đang mang lại những thay đổi sâu sắc trong cách sống và tương tác của chúng ta. Những bộ kĩ năng có được thông qua học tập không chính quy và giáo dục phổ cập ngày càng bồi dưỡng năng lực và nền tảng kiến thức cần thiết để nhận biết xu hướng trong bối cảnh xã hội - kĩ thuật ngày càng nổi bật.

Tăng cường “sức mạnh” tri thức

Trong bối cảnh thay đổi về xã hội - kĩ thuật như hiện tại, với sự xuất hiện và phát triển của cá nhân tố công nghệ như máy học, trí thông minh nhân tạo, những hiểu biết của chúng ta về định nghĩa con người đều đang được xem xét và đánh giá lại, vốn sẽ đặt ra thách thức không chỉ về bảo tồn giá trị nhân loại, mà còn về thể hiện giá trị đó dưới những dạng thức mới.

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang gặp khó khăn trong việc thấu hiểu ý nghĩa những thay đổi diễn ra xung quanh ta, vậy nên chúng ta vẫn đang phân vân khi xác định giữa trào lưu nửa vời và trào lưu có tính cách mạng, cũng như xác định cái cần tiếp thu, tùy biến, hoặc loại bỏ.

Vấn đề lớn nhất mà chúng ta hiện đang đối mặt không phải là những bước đột phá công nghệ, mà là suy xét ý nghĩa của những bước đột phá này.

Cách tiếp cận của mô hình Giáo dục Đại cương sẽ giúp chúng ta giải quyết nhiều câu hỏi bao quát trong tình hình thay đổi nhanh chóng hiện tại: Trí thông minh nhân tạo sẽ thay đổi sự tồn tại, cách làm việc, học tập và chung sống như thế nào? Sự thay đổi đó có nghĩa lí gì đối với cuộc sống thành thị và nông thôn? Liệu nó có thay đổi cách ta thụ hưởng những dịch vụ cơ bản và cách ta thực sự trải nghiệm thế giới xung quanh.

Bất chấp sự thật là những câu hỏi này thường được đưa ra khi đã muộn, dù cho người học mô hình STEM học cách tạo ra công nghệ, chính những người học Giáo dục Đại cương mới là những người tiếp nhận kiến thức về cách chung sống với công nghệ.

Chính vì lẽ đó, khả năng thấu hiểu những khó khăn và cơ hội xuất hiện trong tình hình thay đổi hiện thời là rất cần thiết, đòi hỏi sự sáng suốt, quan điểm, sự cân nhắc, và cả tính nhạy cảm trên thương trường - những phẩm chất mà người học Giáo dục Đại cương sẽ lĩnh hội. Thật vậy, khả năng nhận ra những ý nghĩa có tính chính trị, xã hội, lịch sử và triết lí của bối cảnh hiện tại không chỉ là đặc trưng của mô hình Giáo dục Đại cương mà còn là bí quyết học tập suốt đời.

Tựu chung lại, Giáo dục Đại cương vẫn sẽ là một mô hình giáo dục tiếp tục tồn tại và phát triển. Công nghệ thay đổi rất nhanh, đòi hỏi việc tiếp cận nhanh chóng những kĩ năng liên quan được cập nhật liên tục. Dù vậy, tri thức mới là công cụ phù hợp để giải quyết thách thức hiểu được ý nghĩa làm người trong thời đại ngày nay.

Quốc Huy (Theo Quartz)