“Cà” thẻ khi mua hàng, làm nào để tránh tiền mất tật mang? Bài 1: Cà thẻ mất tiền vì những lý do lãng xẹt

Hiện nay, việc thanh toán hóa đơn khi mua hàng bằng hình thức ‘cà” thẻ qua máy POS được sử dụng rộng rãi từ khách sạn, shop lớn đến cả các cửa hàng nhỏ lẻ. Việc thanh toán này rất thuận tiện và thường được coi là khá an toàn, kiểm soát chi tiêu tốt và phù hợp xu thế hiện đại hóa tiêu dùng.

1_82292.jpg

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay phương thức thanh toán này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán. Làm thế nào để đảm bảo tài khoản của mình và tránh phiền phức khi mua hàng – thanh toán là điều không phải ai cũng biết.

Tài khoản đã bị trừ, người mua phiền phức, người bán không nhận được tiền

Chị Hảo, mua quần áo tại một shop nhỏ trên phố Quán Sứ (Hà Nội), tiện dùng thẻ ATM đi mua hàng như thường lệ, chị cà thẻ vào máy POS của shop. Tài khoản của chị báo trừ tiền cho món đồ chị chọn nhưng chủ shop không nhận được tiền, họ không giao hàng, không sẵn tiền mặt, chị đành để món đồ và số điện thoại lại cùng lời hứa của chủ Shop: khi nào tiền về tài khoản của shop sẽ gọi chị qua lấy đồ.

Rất may, đến sáng hôm sau, chủ shop nhận được tin báo tiền về tài khoản nên chị Hảo lại đến lấy hàng. “Mất thời gian đi lại nhưng cũng may là không phải phiền phức gì”, chị Hảo chia sẻ.

Không chỉ có người mua lo phiền phức, anh Đức, chủ một nhà hàng trên phố Nguyễn Chí Thanh than phiền, gần đây, 4 lần giao dịch qua thẻ POS ở nhà hàng anh có hiện tượng: sau khi quẹt thẻ cho khách hàng, chủ nhà hàng nhận được tin nhắn báo có tiền được cộng vào tài khoản, nhưng lạ là số dư tài khoản không hề thay đổi. Như vậy, mặc dù khách bị trừ tiền nhưng anh lại không hề nhận được tiền của khách. Tuy nhiên, khi liên lạc với ngân hàng thì câu trả lời chỉ là lỗi hệ thống.

Không chỉ anh Đức mà nhiều chủ cửa hàng lo ngại, nếu hệ thống liên tục lỗi thì cả người bán và mua đương nhiên gặp rủi ro, nhất là người bán bởi bán hàng, giao hàng rồi, quẹt thẻ rồi nhưng vẫn chưa chắc chắn là tiền có tới mình hay không, hay mất vì lỗi hệ thống.

Trước đó, từ năm 2016, sự việc du khách người Úc Caracciolo David John bị máy cà thẻ “nuốt” mất 683 triệu đồng đến nay vẫn chưa ngã ngũ vì có rất nhiều nghi vấn đặt ra xung quanh sự việc này.

Trừ tiền oan, kêu ai?

Hiện nay hầu hết các chủ thẻ đều đăng ký dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn (SMS banking), do vậy sau khi trừ tiền trong tài khoản, NH sẽ lập tức gửi tin nhắn thông báo đến khách hàng. Đây cũng là kênh để chủ thẻ kiểm tra chéo xem tài khoản của mình có bị trừ quá số tiền lẽ ra phải thanh toán hay không.

Tuy nhiên với trường hợp đi nước ngoài, nếu không đăng ký dịch vụ chuyển vùng thì không nhận được tin nhắn của NH. Trong trường hợp này, làm cách nào để chủ thẻ có thể kiểm soát được tài khoản?

Chuyên gia thẻ Huỳnh Trung Minh cho biết hiện nay các ngân hàng đều có bộ phận theo dõi các giao dịch đáng ngờ. Theo đó, nếu phát hiện các giao dịch bất thường sẽ lập tức gọi điện thoại cho chủ thẻ để xác nhận rồi mới chấp nhận thanh toán. “Khó có NH nào để hàng loạt giao dịch đáng ngờ xảy ra mà thường sẽ chặn ngay sau giao dịch đầu tiên.

Trường hợp chủ thẻ đi nước ngoài NH không gọi điện thoại được thì NH sẽ khóa thẻ trước sau đó sẽ gửi email yêu cầu xác nhận thông tin. Bản thân tôi đi nước ngoài đã từng gặp trường hợp thẻ bị khóa sau giao dịch đầu tiên. Sau đó tôi đã điện thoại về VN cho NH để xác nhận thì thẻ mới được mở lại”, ông Minh cho biết.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Minh khuyến cáo chủ thẻ trước khi đi nước ngoài nên thông báo cho NH để khi có giao dịch bất thường xảy ra NH sẽ cảnh báo. Nhiều NH kỹ hơn còn đổi thẻ tín dụng miễn phí sau khi chủ thẻ đi những quốc gia có độ rủi ro trong thanh toán thẻ cao trở về.

Chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng chủ thẻ nên “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì cẩn thận là không thừa. “Sau khi đi nước ngoài về chủ thẻ cũng nên kiểm tra, yêu cầu NH in ra những sao kê gần nhất và giữ lại các hóa đơn để yêu cầu tra soát khi cần. Không nên xé bỏ hóa đơn ngay.

Ngoài ra để bảo vệ mình, chủ thẻ cũng phải đọc kỹ các hướng dẫn sử dụng thẻ an toàn, thường xuyên cập nhật thông tin cũng như áp dụng các biện pháp bảo vệ mình”, ông Thoại khuyên.

Theo các chuyên gia thẻ, về nguyên tắc chủ thẻ phải khiếu nại tại ngân hàng phát hành thẻ thông qua email hoặc trực tiếp tại NH rằng mình không sử dụng số tiền trên.

Theo quy trình, ngân hàng phát hành thẻ sẽ liên hệ với ngân hàng có máy POS (máy cà thẻ) tại nhà hàng này để yêu cầu cung cấp các chứng từ chứng minh. Khi đó NH có máy POS sẽ làm việc với nhà hàng để yêu cầu cung cấp các chứng từ.

Trong trường hợp nhà hàng cà thẻ nhiều lần mà không có chứng từ chứng minh là khách hàng đã sử dụng dịch vụ trên thì xem như khách hàng đã khiếu nại thành công. Khi đó ngân hàng sẽ tự phân xử với nhau và có trách nhiệm hoàn tiền vào tài khoản của khách hàng.

Trong một số trường hợp, NH có thể yêu cầu khách hàng cung cấp một số chứng từ, hóa đơn giao dịch.

Về phía ngân hàng, sau khi khách hàng có khiếu nại, NH cũng có nhiều cách để nhận biết các giao dịch đáng ngờ dựa trên các dấu hiệu như thời gian cà thẻ và số tiền cà thẻ bất thường, không phù hợp với loại hình kinh doanh.

Chẳng hạn nhà hàng, quán ăn hóa đơn nhiều nhất cũng chỉ khoảng vài triệu đồng, nhưng lại cà thẻ liên tục, số tiền lên đến vài chục hoặc hàng trăm triệu, hoặc cà vào lúc nửa đêm khi quán đã đóng cửa.

Phong Kỳ