Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dưới góc nhìn công nghệ (Phần 1): GAFA gặp phải BATX

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung vẫn rất nóng với những đòn ăn miếng trả miếng. Câu hỏi được đặt ra là: “Lý do thật sự của cuộc chiến là gì?”.

Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là những ‘đòn trừng phạt’ của Mỹ giáng lên chính sách thương mại bất công và vi phạm bản quyền của Trung Quốc. Cuộc chiến còn là một kế hoạch để Mỹ chặn đứng tham vọng bá chủ của Trung Quốc.

Hãy cùng chúng tôi đi qua loạt bài viết phân tích về bối cảnh xảy ra cuộc chiến thương mại này dưới góc nhìn công nghệ.

590126-trgovskata-vojna-na-tramp-ja-turka-evropa-kon-kina.jpg

GAFA gặp phải BATX

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói ai làm chủ được công nghệ là sẽ làm chủ Thế giới. Mỹ từng thống trị công nghệ Thế giới với những gã khổng lồ công nghệ, với hệ sinh thái khởi nghiệp, và những thành tựu khoa học kỹ thuật khó quốc gia nào sánh được. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như là một cường quốc công nghệ, thách thức vị thế dẫn đầu của Mỹ.

Nếu ví thế giới mạng là 1 vương quốc, thì GAFA hẳn là vị vua của vương quốc đó. GAFA là 4 chữ cái viết tắt của Google, Amazon, Facebook, Apple - 4 công ty Mỹ đang kiểm soát hầu như toàn bộ hoạt động online trên toàn Thế giới.

Theo 1 khảo sát của Statista, hơn 50% thời gian người dùng di động là dành cho các sản phẩm của GAFA. Từ tìm kiếm thông tin, giao tiếp xã hội, xem phim, nghe nhạc đến kinh doanh, mua bán mọi mặt hàng v.v..

Hơn 50% thời gian người dùng dành cho di động thuộc về GAFA - Theo statista.com

Hơn 50% thời gian người dùng dành cho di động thuộc về GAFA - Theo statista.com

Tổng doanh thu của GAFA trong năm 2017 là 558 tỷ USD - gấp đôi GDP của Việt Nam. Nếu tồn tại, vương quốc GAFA sẽ đứng hạng 23 trong bảng xếp hạng GDP Toàn cầu 2017 của IMF (xếp sau Đài Loan và đứng trước Thụy Điển).

GAFA đã mang lại cho Mỹ sự thống trị trong nền kinh tế công nghệ cao toàn cầu. Tưởng rằng không ai có thể làm lung lay vị thế vững chắc này, thì trong vài năm gần đây, bộ tứ BATX của Trung Quốc nổi lên thành một đối trọng của GAFA.

BATX là 4 gã khổng lồ của Trung Quốc, gồm Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi:

  • Wechat của Tencent đối đầu với Facebook: Nếu như Facebook là mạng xã hội lớn nhất Thế giới với 2 tỷ người dùng, thì Wechat cũng đã cán mốc 1 tỷ người dùng. Trong đó, lượng người dùng bên ngoài Trung Quốc ngày càng tăng - hiện nay là 70 triệu, chủ yếu đến từ Đông Nam Á và Nam Mỹ.
  • Xiaomi đối đầu với Apple: Xiaomi đã đánh bại Apple thành công ở thị trường Trung Quốc. Họ cũng đang tiếp tục chinh phục trái tim khách hàng ở thị trường nước ngoài bằng dịch vụ khách hàng tuyệt vời và giá cả phải chăng.
  • Baidu đối đầu Google: Baidu trên trường quốc tế có vẻ không mấy tiềm năng để cạnh tranh với Google. Tuy nhiên, họ vẫn nắm chắc thị trường Trung Quốc với thuật toán tìm kiếm không thua kém gì Google.
  • Alibaba đối đầu Amazon: Về tiềm năng phát triển và quy mô giao dịch thì Alibaba đang vượt mặt Amazon. Tại các thị trường mới nổi như Đông Nam Á và Ấn Độ, Alibaba cũng đang tỏ ra nhanh chân hơn Amazon.

Tổng giá trị vốn hoá của BATX là 1.100 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm là 50%, đang bám đuổi rất nhanh với GAFA với tổng giá trị vốn hoá là 3.000 tỷ USD.

Bảng xếp hạng những công ty có vốn hoá lớn nhất trên toàn Thế giới tính đến tháng 5, 2018. GAFA chiếm vị trí thứ 1, 2, 4, 5. BATX chiếm vị trí 6, 7, 13, 14  (Đơn vị: Tỷ USD) - Theo statista.com

Bảng xếp hạng những công ty có vốn hoá lớn nhất trên toàn Thế giới tính đến tháng 5, 2018. GAFA chiếm vị trí thứ 1, 2, 4, 5. BATX chiếm vị trí 6, 7, 13, 14  (Đơn vị: Tỷ USD) - Theo statista.com

Phần lớn doanh thu của BATX vẫn đang ở Trung Quốc, và thị trường tỷ dân này vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Nhưng họ không chỉ muốn phát triển ở thị trường nội địa, BATX tỏ ra rất tham vọng trong thị trường toàn cầu với những khoảng đầu tư mạnh tay ra nước ngoài.

Đông Nam Á và Ấn Độ đang là 2 thị trường tiềm năng mà BATX đang cạnh tranh quyết liệt với GAFA, và họ đang có những lợi thế trông thấy:

1.jpg
  • Theo báo cáo IDC gần đây cho thấy, tổng thị phần các hãng điện thoại Trung Quốc ở Ấn Độ và Đông Nam Á là hơn 50%. Xiaomi có lợi thế để thể ăn trọn lượng thị phần này.
  • Alibaba đã mua lại Lazada - công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á; Paytm và Snapdeal - 2 sàn thương mại điện tử lớn của Ấn Độ, nhanh chân hơn nhiều so với Amazon.

Rõ ràng, tứ trụ GAFA đã gặp phải đối thủ quá đáng gờm đến từ Trung Quốc.

Surphi10