Xuất nhập khẩu chuyên môn - câu chuyện thương mại hoá chất xám Việt


Năm 2018, Việt Nam đón nhận nhiều tin vui trong kinh tế, đặc biệt là tình trạng xuất siêu kỷ lục và sự ra đời của nhiều thương hiệu cao cấp. Tuy nhiên, đằng sau những thông tin ấn tượng ấy không phải toàn là màu hồng, qua 1 năm bây giờ là lúc chúng ta hãy cùng ngồi suy ngẫm lại, để hiểu rõ thực trạng và tiếp tục phát triển.

 

“Xuất nhập khẩu chuyên môn”

Khi nói đến xuất nhập khẩu, ta thường nghĩ ngay đến nguyên liệu hay hàng hoá - những thứ thuộc về hữu hình và số lượng. Rất nhiều người sẽ bỏ qua vấn đề chuyên môn.

Chuyên môn được hiểu là: công nghệ, quy trình, chuyên gia v.v.. tổng thể những kỹ năng hay kiến thức đặc biệt của từng ngành.

Chuyên môn tồn tại dưới dạng “hàm lượng chuyên môn của hàng hoá”, như công nghệ IPS trong 1 chiếc màn hình, quy trình Vietgap trong sản xuất rau sạch. Hay dưới dạng “chuyên môn như 1 dạng hàng hoá”, được cung cấp qua việc bán khoá đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, quy trình.

Người ta bỏ qua 2 loại hình hàng hoá này vì rất khó để đo đạc được chúng, cũng khó có thể tách biệt chúng ra khỏi những loại hình hàng hoá khác. Nhưng chính yếu tố chuyên môn này lại thể hiện vị thế đằng sau của 1 nền kinh tế.

 

Tình trạng nhập siêu chuyên môn quá mức của Việt Nam

Hãy lấy ví dụ về Vinfast. 2018 là năm mà chúng ta tự hào khi người Việt có 1 thương hiệu ô tô đạt chuẩn Quốc Tế.

Nhưng đằng sau đó, Vinfast sử dụng động cơ của BMW, thuê nước ngoài trong khâu thiết kế, đây là những khâu rất giá trị trong quy trình sản xuất 1 chiếc xe hơi.

Đúng là chúng ta vẫn có quyền tự hào về Vinfast. Nhưng nên thẳng thắn: phần lớn giá trị có được là nhờ “nhập khẩu chuyên môn”. Do đó theo lẽ tất nhiên: phần nhiều doanh thu của Vinfast sẽ vào tay những đối tác nước ngoài cho đến khi ta chuyển giao được công nghệ.

Mở rộng ra trong toàn ngành công nghiệp: đa số doanh nghiệp Việt làm gia công cho doanh nghiệp nước ngoài, tức khâu có giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị Toàn Cầu. Thậm chí để thực hiện gia công, chúng ta cũng phải chấp nhận nhập khẩu công nghệ cũ, nhập khẩu quy trình chuẩn, và nhập khẩu chuyên gia nước ngoài về để vận hành.

Trong giáo dục, đơn cử có thể kể đến trường đại học FPT: Mỗi năm trường này chi khoảng 3 tỷ đồng để nhập khẩu hơn 200 đầu sách giáo khoa cho hệ đại học và hệ cao đăng. Các công ty cung cấp dịch vụ đào tạo cho doanh nghiệp thì còn phải chi hơn thế, đặc biệt là tiền để mời các chuyên gia, giảng viên nước ngoài về để đứng lớp.

Trong nông nghiệp, tình cảnh cũng không khác gì, khi chũng ta phải nhập biết bao quy trình và công nghệ của các nước phát triển như: công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Isreal, quy trình rau sạch, cải thiện nguồn nước của Nhật, quy trình trồng rau thuỷ canh của Mỹ, v.v..

Tình trạng “nhập khẩu chuyên môn” còn diễn ra trên nhiều ngành, lĩnh vực khác nữa. Như xây dựng, công nghệ thông tin, và đặc biệt là quản lý công.

Có thể kết luận rằng, chúng ta đang phải “nhập khẩu chuyên môn” trên mọi ngành, mọi lĩnh vực. Vậy chúng ta đang xuất khẩu những chuyên môn gì?

Nghĩ đến ngay là qua con đường chính phủ: Với các nước bạn như Lào, Cameroon, Madagascar hay Cộng Hoà Congo, nước ta đang “xuất khẩu chuyên môn” trong các vấn đề quản lý công, phát triển nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và đặc biệt là các dự án thăm dò, khai thác, và chế biến dầu khí.

Cũng có thể kể đến việc xuất khẩu nhân sự chất lượng cao - nhân sự có bằng từ cử nhân trở lên. Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây là nguồn cung cấp nhân tài dồi dào cho các nước phát triển, đặc biệt là  Nhật, Hàn, Trung Quốc.

Cùng là “xuất khẩu chuyên gia”, nhưng việc xuất khẩu lao động này khi so với việc bán các khoá đào tạo và tư vấn cho nước ngoài thì không khác gì việc bán dầu thô khi so với bán xăng đã qua tinh chế.

Đó là tất cả. Rất khó để kể tên được 1 công nghệ, hay 1 quy trình đặc biệt nào mang thương hiệu Việt Nam đang được nước ngoài áp dụng.

Không khó để nhận thấy cán cân “xuất nhập khẩu chuyên môn” của nước ta lệch hẳn về bên nhập khẩu.
 

Chuyên môn có ý nghĩa gì với nền kinh tế?

So%CC%9B-%C4%91o%CC%82%CC%80-nu%CC%A3-cu%CC%9Bo%CC%9B%CC%80i-01.jpg

Hãy tham khảo mô hình “đường cong nụ cười” của Stan Shih. Đây là mô hình thể hiện giá trị của các khâu trong quá trình sản xuất hàng hoá, dịch vụ.

Càng ở phía trên - như khâu Ý tưởng, Nghiên cứu phát triển, Hậu mãi, Thương hiệu, Bán hàng - thì đòi hỏi càng nhiều chuyên môn, giá trị gia tăng càng cao. Càng ở phía dưới - như khâu Linh kiện, Phân phối, Gia công - thì đòi hỏi càng ít chuyên môn, giá trị gia tăng càng thấp.

Ta có thể hiểu nôm na là: những khâu càng đòi hỏi càng nhiều chuyên môn cao thì lợi nhuận càng lớn.

Hãy thử lấy 1 ví dụ: Hiện nay Việt Nam là nơi gia công 41% tổng số giày của Nike, và 44% tổng số giày của Adidas. Công nhân Việt là người ngày đêm ngồi ở xưởng, may từng mũi kim để tạo nên từng chiếc giày cho 2 thương hiệu giày thế thao lớn nhất Thế Giới.

Chiếc giày đó được bán với giá 100 USD, Nike và Adidas rút 2 USD ra trả cho các doanh nghiệp gia công Việt. Phần lớn trong 98 USD còn lại sẽ trả cho khâu Nghiên cứu, Thiết Kế, và Marketing.

Giá trị của chuyên môn nằm ở đó. Việt Nam là Quốc Gia chuyên gia công, và chuyên xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng chuyên môn thấp, từ Nông sản non, Dầu thô, đến Hàng gia công, Hàng lắp ráp v.v..

Và vì thế GDP đầu người của chúng ta thấp - bằng 7% so với Singapore. Dẫn đến đời sống người công nhân, nông dân và chỉ số phát triển con người ở Việt Nam cũng rất thấp.

 

Nhìn sang cường quốc “xuất khẩu chuyên môn” - Singapore

Trong những năm 1960, họ chỉ là 1 làng chài nhỏ với gần như không có tài nguyên thiên nhiên nào đáng kể. Người dân Sing sống trong tình trạng nghèo khổ và thiếu cơ sở hạ tầng nghiêm trọng.

Để thoát khỏi tình trạng đó, cố thủ tướng Lý Quang Diệu đưa ra tầm nhìn biến Singapore thành trung tâm dịch vụ và tư vấn của châu Á, dựa trên tài nguyên quý giá nhất của họ: Chuyên môn và Nhân lực chất lượng cao.

Họ đã thành công và nhanh chóng trở thành trung tâm giảng dạy, trình bày, và thông tin của những quốc gia kém phát triển hơn:

Trong 1 bài báo năm 1996 của tờ The Time viết rằng: "Nếu phi hành đoàn Hàng Không Quốc Gia Trung Quốc muốn được đào tạo chuyên nghiệp, họ sẽ đến Singapore. Nếu một phụ nữ Indo phải phẫu thuật xương phức tạp, cô ấy sẽ đến Singapore. Nếu một doanh nhân Malai muốn tận mắt xem công nghệ in ấn mới nhất, ông ta cũng sẽ đến Singapore".

Ngày nay, Singapore có GDP đầu người cao Top 10 Thế Giới. Họ là tượng đài trong việc “xuất khẩu chuyên môn”, “xuất khẩu chuyên gia” mà cả Thế Giới muốn học theo: Họ có những cách thần kỳ để công thức hoá mọi thứ và bán cho nước ngoài, từ cách startup thành công, đến cách quản trị nhà nước, và xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp.

Singapore với hàm lượng chuyên môn đứng đầu Thế Giới, vì thế họ có vị thế đứng đầu Thế Giới.

50 năm trước khi so sánh với Sing, có lẽ chúng ta còn tự hào: “Việt Nam ta rừng vàng biển bạc” còn “Singapore không có lấy nổi 1 tài nguyên nào đáng kể”. Thì đến thời đại ngày nay, tài nguyên thiên nhiên không còn quá nhiều ý nghĩa nữa.

Cả Thế Giới chỉ còn 1 nguồn tài nguyên duy nhất có giá trị, đó là “não người” và thể hiện rõ nhất của nó là trình độ chuyên môn. Thay vì hút dầu lên để bán, đã đến lúc chúng ta thật sự nghiêm túc với việc “hút não người” ra để bán.

Tuy thực trạng hiện nay có đáng buồn, nhưng chúng ta hãy vẫn hy vọng. Vì ta vẫn còn có thể nhập khẩu được chuyên môn. Nhập khẩu được chuyên môn, nghĩa là chúng ta còn có thể học hỏi và phát triển, và còn hy vọng rằng trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành nước “xuất siêu chuyên môn”.

Surphi10

Xem thêm

 
Bài viếtdmstTet2019