Founder của Seed Planter: Bài học thử thách 5 USD và câu hỏi Startup cần gì?


Chào mọi người, mình là Linh, founder Seed Planter, lúc trước làm Investment Manager ở CyberAgent Ventures, sau đó đi học MBA ở Babson và đang làm mảng tài chính cho một startup ở Mỹ. Mình muốn chia sẻ một câu chuyện nhỏ về startup thì cần gì?

1 1YzLywxiNFMgd6cbVk4K1A.jpeg

Lúc mình học MBA ngành Entrepreneurship ở Babson, khi giáo sư hỏi muốn startup cần những gì? Đứa nào cũng bảo cần tiền trước tiên.

Giáo sư hỏi lại thêm vài lần, vì sao lại cần tiền. À, tiền để thuê người giỏi về làm, để phát triển sản phẩm, để làm marketing, để bla bla bla…

- Ủa vậy nếu không có nhiều tiền thì làm sao?

- Thì đi gọi vốn ...

Ơ nhưng mà gọi vốn đâu dễ thế. Trừ khi bạn là serial entrepreneurs thành công lừng lẫy rồi hoặc có các nhà đầu tư thiên thần giàu có đằng sau thôi vì muốn gọi vốn từ VC thì cũng cần ít nhất là prototype (sản phẩm mẫu) và chứng minh được là khách hàng cần sản phẩm của bạn. Tức cũng vẫn cần tiền để đi đến giai đoạn có thể gọi được vốn. Chuyện con gà quả trứng.

Giáo sư lại hỏi tiếp vì sao có khối startup không có nhiều tiền lúc đầu mà vẫn thành công?

Thế rồi cả lớp được giao cho một bài tập - Thử thách 5 USD

  • Mỗi nhóm được nhà đầu tư thiên thần là giáo sư đầu tư cho vốn hạt giống $5, được bỏ vào 1 phong bì.

  • Mục tiêu của các nhóm là làm sao để kiếm được nhiều tiền nhất có thể bằng một cách sáng tạo nhất

  • Nhóm có thể dành thời gian để lên kế hoạch, bao lâu cũng được

  • Nhưng khi đã bắt đầu mở phong bì ra và lấy tiền “đầu tư" ra để sử dụng, thì chỉ có 2 tiếng đồng hồ để đi kiếm tiền

Sau 1 tuần quay lại, bạn đoán thử nhóm thắng cuộc kiếm được bao nhiêu tiền?

5 USD - 2 tiếng đồng hồ - nhóm thắng cuộc kiếm được hơn 1650 USD

Có rất nhiều ý tưởng sáng tạo thú vị, nhưng nhìn chung, các nhóm kiếm được nhiều tiền nhất có những điểm chung:

  • Không hề mở phong bì 5 USD: Họ không bị giới hạn suy nghĩ và khả năng trong 5 USD. Họ không nghĩ theo cách thông thường là dùng $5 để mua nguyên vật liệu gì, làm ra sản phẩm gì, và làm sao để bán nó trong vòng 2h đồng hồ. Thay vào đó họ nhìn vào nguồn lực mà họ đang có: mối quan hệ với “nhà cung cấp" và “khách hàng", kĩ năng của các thành viên trong nhóm.

  • Đi từ thấu hiểu khách hàng: Các nhóm khôn ngoan chọn đối tượng khách hàng mà họ hiểu và
    có mối quan hệ sẵn, nhưng không mặc định là họ đã hiểu khách hàng mà luôn bắt đầu bằng việc quan sát, phỏng vấn để biết thêm về nhu cầu khách hàng.

  • Áp dụng Design Thinking - lên ý tưởng, làm prototype nhanh để thử nghiệm tính khả thi: Điều giúp các nhóm thắng cuộc tìm ra được ý tưởng sáng tạo là họ thực sự dựa trên thông tin về nhu cầu khách hàng để cùng động não, khuyến khích ý tưởng điên rồ, xây dựng trên ý tưởng của đồng đội, dùng các công cụ hình ảnh trực quan trong lúc động não, nghĩ ra càng nhiều ý tưởng càng tốt và sau đó là tạo sản phẩm mẫu đơn giản bằng giấy mang đến nói chuyện với khách hàng và nghe đánh giá của khách hàng tiềm năng. Nghe đơn giản nhưng cực kỳ hữu nghiệm vì không có nhiều thời gian để thực hiện nên việc thử và sai nhanh chóng là vô cùng quan trọng.

Ví dụ: Một trong những nhóm thắng cuộc nhận ra sắp đến thi cuối kỳ và sinh viên trong trường có nhu cầu xả stress sau kỳ thi vất vả. Sau một hồi phỏng vấn sinh viên trong trường và cân nhắc nguồn lực hiện có, nhóm lên kế hoạch tổ chức 1 bữa tiệc với các trò chơi vui nhộn, sáng tạo, tạo cơ hội vui chơi kèm theo networking vào một ngày giữa tuần ngay sau kỳ thi. Tận dụng mối quan hệ với 1 rooftop bar, họ mượn không gian mà không phải trả tiền thuê vì khéo thương lượng và chọn thời điểm giữa tuần là lúc bar vắng khách. Nhóm thử thiết kế 1 poster đơn giản (rapid prototype) và đi nói chuyện với sinh viên trong trường để thử xem mức độ quan tâm. Sau khi nhận được feedback và xác định được là sản phẩm đúng nhu cầu, nhóm chỉ cần lên kế hoạch, marketing, và bán vé mà không hề phải bỏ ra một chi phí nào.

Bài tập tuy nhỏ nhưng các nhóm tham gia đều rút ra được nhiều bài học thú vị và quý giá cho quá trình khởi nghiệp sau này, đặc biệt là vai trò của việc áp dụng Design thinking và cách nghĩ khác đi cho câu hỏi “Cần gì để khởi nghiệp?".

Câu trả lời của mình là Nguồn lực.

how_much_money_does_your_startup_initially_need_to_raise.jpg

Tất nhiên tiền là một trong số những nguồn lực, nhưng ngoài ra có rất nhiều nguồn lực khác còn quan trọng hơn mà có thể chúng ta chưa sử dụng tốt: kiến thức, kĩ năng, mối quan hệ…của chính founders - tất cả các nguồn lực này đều có thể mở rộng nhanh chóng nếu chúng ta biết tập trung.

Trải nghiệm thú vị này cũng là một động lực để mình mang Design Thinking về chia sẻ với các bạn impact startup và tạo điều kiện để các bạn xây dựng thêm nguồn lực cho bản thân: kiến thức học được từ khóa học và mối quan hệ với những speaker và những người cùng chí hướng.

Sau khóa học đó tầm 4 tháng, vào đầu năm 2018, mình quá tâm đắc với những điều học được nên về mở Seed Planter và khóa huấn luyện khởi nghiệp Seeding Camp ở Việt Nam. Qua 6 khóa đào tạo cho hơn 150 bạn trẻ, rất nhiều bạn ứng dụng Design Thinking cho startup của các bạn và giảm bớt những sai lầm và phát triển thêm được nguồn lực khi khởi nghiệp. Các bạn quan tâm Seeding Camp có thể xem thêm thông tin ở đây: https://bit.ly/2NIK58J

Mình cũng nghĩ đôi khi chúng ta cần những bài tập nho nhỏ như Thử thách $5 trên để lâu lâu "động não", quay về bài tập đơn giản nhất để nhắc chúng ta về những điều cơ bản quan trọng.

Nếu bạn có vốn hạt giống (seed-fund) $5, bạn sẽ làm gì để kiếm được nhiều tiền nhất trong 2 tiếng đồng hồ? :)

Và theo bạn, những nguồn lực nào một startup founder cần tận dụng và cần phát triển?

Linh.png

Founder Seed Planter

Linh Lê

Bài viết chia sẻ của Linh Lê - nhà sáng lập và giám đốc điều hành tại Seed Planter, đơn vị hỗ trợ và nâng cao năng lực khởi nghiệp cho các bạn trẻ mong muốn ​kiến ​tạo thay đổi tích cực cho xã hội và môi trường thông qua mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Cô từng giữ chức vụ Investment Manager tại quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Capital, đầu tư vào các startup công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và Thái Lan. Linh cũng từng làm việc trong mảng Hedge Fund - đầu tư vào các công ty công nghệ IPO ở Mỹ và Châu Á. Cô tốt nghiệp MBA chuyên ngành Entrepreneurship tại Babson College, trường được xếp hạng số 1 về đào tạo khởi nghiệp trên thế giới, theo US news.

Trong thời gian theo học tại Babson, cô thành lập nên Seed Planter với mong muốn mang chương trình đào tạo khởi nghiệp tại Mỹ về Việt Nam. Với mong muốn tìm hiểu thêm về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Israel, cô cũng có thời gian làm việc tại MassChallenge Accelerator tại Israel trong thời gian theo học MBA. Hiện cô đang phụ trách mảng tài chính cho một edtech startup ở Silicon Valley.


Xem thêm