Xây dựng chính quyền điện tử: Quản lý chặt để tránh lãng phí


Họp không giấy tiết kiệm thời gian và công quỹ nhưng phải quản lý chặt việc triển khai để tránh thất thoát ngân sách.

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Tính tiện dụng của e-Cabinet là các thành viên Chính phủ vắng mặt vẫn có thể tham gia ý kiến và biểu quyết qua thiết bị di động. UBND TP cũng đã triển khai ứng dụng "Phòng họp không giấy" và "Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh" giúp rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả cuộc họp và hỗ trợ công tác điều hành của lãnh đạo TP.

Phải nhanh chóng số hóa

Khi triển khai hình thức họp điện tử, yêu cầu cao nhất và cũng lo ngại nhất là tính bảo mật, an toàn thông tin. Đó là lý do phải chấp nhận thực tế chỉ có "người nhà nước" mới có thể tham gia xây dựng và cung cấp dịch vụ. Hệ thống e-Cabinet của Chính phủ do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel phát triển. Còn các ứng dụng điện tử (VNPT e-Cabinet) mà chính quyền TP HCM triển khai là của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam - VNPT. Theo VNPT, hệ thống e-Cabinet được thiết kế và kiểm tra về an toàn thông tin theo tiêu chuẩn cấp độ 4 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nghĩa là có thể đáp ứng cả mục đích quốc phòng và an ninh quốc gia.

Những cuộc họp không giấy chỉ là một bước kế tiếp trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử. Bước đi này nằm trong tiến trình chuyển đổi số mà cả thế giới đang cam kết đẩy mạnh (Sáng kiến chuyển đổi số DTI đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF khởi sự vào năm 2015 và sẽ triển khai rộng khắp toàn cầu trong thập niên tới). Việc số hóa toàn bộ hoạt động xã hội này sẽ nhanh và tốt hơn nếu bộ máy nhà nước cũng tiến hành chuyển đổi số.

Còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện hệ thống họp không giấy tờ áp dụng trong bộ máy chính quyền từ trung ương tới cơ sở. Bản thân hình thức này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công quỹ nhưng nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, việc triển khai có thể rơi vào những vết xe cũ, trở thành một nguồn lãng phí, thất thoát ngân sách. Hàng loạt các vấn đề cần phải giải quyết hiệu quả khi triển khai: Ngân sách đầu tư, trang bị thiết bị cho cán bộ; quy chế sử dụng thiết bị di động của cán bộ - có thể cài đặt ứng dụng trên máy cá nhân hay phải dùng máy cấp riêng; các ứng dụng mới có tương thích và tận dụng với nền tảng chính quyền điện tử mà các địa phương, các ngành đã đầu tư rất tốn kém trong những năm qua; tính tích hợp, mở rộng và liên kết, tính tương lai của các ứng dụng...

Xét nhiều lẽ, loại hình họp điện tử không giấy chỉ nên là một thành phần cộng thêm của một nền tảng trục được thiết kế theo hình thức mô-đun. Điều quan trọng hơn cả là hệ thống chính quyền cần phải nhanh chóng số hóa để có thể giải quyết các phần việc và nhiệm vụ của mình trên nền điện tử nhanh chóng, minh bạch.

Cục Thuế TP HCM triển khai Ứng dụng hỗ trợ người dân khai thuế điện tử. Ảnh: TẤN THẠNH

Cục Thuế TP HCM triển khai Ứng dụng hỗ trợ người dân khai thuế điện tử. Ảnh: TẤN THẠNH

TP HCM tăng tốc triển khai

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết TP HCM đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Một số cơ sở dữ liệu quan trọng đã được tích hợp về kho dữ liệu dùng chung như cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; khiếu nại tố cáo; đường dây nóng; đăng ký DN; đầu tư nước ngoài; người nộp thuế; lao động nước ngoài; cơ sở dữ liệu đất đai…; bước đầu thực hiện trích xuất, khai thác kho dữ liệu dùng chung phục vụ cho công tác điều hành của TP.

Bên cạnh đó, TP cũng đã xây dựng Trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh. Giai đoạn 1, TP đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát của Sở Giao thông Vận tải, UBND các quận (1, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp). Hơn 1.000 camera đã được tích hợp về trung tâm, trong đó phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự... Ngoài ra, trung tâm đã kết nối thông tin tổng hợp từ hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị; hệ thống một cửa điện tử; ứng dụng lắng nghe mạng xã hội. Bên cạnh đó, với hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115, người dân TP khi cần báo tin hoặc sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng trong các trường hợp khẩn cấp, chỉ cần liên hệ một trong các số điện thoại 113, 114, 115 đều được tiếp nhận thông tin và xử lý nhanh chóng.

Để góp phần xây dựng chính phủ điện tử, đến nay hệ thống quản lý văn bản của TP HCM đã liên thông kết nối với các đơn vị trong hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia, mang lại hiệu quả cao trong xử lý công việc của TP. TP HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên thông văn bản điện tử theo kiến trúc chính quyền điện tử của TP đã được ban hành, làm nền tảng cơ bản trong việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phục vụ đô thị thông minh. Kiến trúc chính quyền điện tử TP là cơ sở để các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã tại TP HCM tham chiếu khi xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp ứng dụng đồng bộ, thống nhất.

Theo Anh Phúc, Chánh Trung - Người lao động

Bài gốc

Xem thêm