Nhật ký Innovation: Hãy cho con cháu, và cả mình nữa, đi học… ngôn ngữ máy


Anh Hùng Trần Got It - một trong những người Việt thuộc thế hệ của Bung được ngợi ca là “giỏi gần nhứt nước Mỹ” bây giờ, nhắn tin, kêu Bung cho con cháu mình đi học khoá học lập trình online miễn phí của tập hợp một mớ siêu nhân mang tên “STEAM for Vietnam” làm. Trời ơi, xịn vầy, mà không cho con cháu, em út, hay bản thân mình luôn, đi học, là có tội với đất nước lắm!

11866259_10203888518608217_400583313693217288_n (1).jpg

Bung nói với anh Hùng Trần, hình như ổng bằng hoặc lớn hơn Bung 1 tuổi gì đó, nhưng thôi kêu bằng anh vì nể trọng những thứ tốt đẹp mà ảnh đang nỗ lực làm cho nền giáo dục Việt Nam: “Thiệt luôn hở anh, cỡ nào cũng miễn phí hết hở anh? Xịn quá đi! Ổng cười: Chớ MOOC mà, tụi mình muốn gì hơn là nhiều bạn nhỏ ở nhà được học những thứ này…”.

Bung là đứa lớn lên trong môi trường… xã hội nhân văn, và luôn tin tưởng rằng, sáng tạo là một thứ vĩ đại nhất làm cho con người vượt lên trên mọi thứ khác. “Làm như một cái máy” – đó là câu chửi nặng nề nhất khi nói về một nhân sự nào đó lỡ ít khả năng sáng tạo.

Cho tới lúc, Bung đọc được một chuyện, không biết có thiệt không, nhưng hay lắm. Chuyện nói về một cuộc thi giữa một ông người Việt và một ông người Nhật. Đề thi ra như vầy: Hãy làm 100 cái bình giống cái bình mẫu này. Ai xong trước là thắng.

Khi còi mở màn vừa thổi te te, ông người Việt đã ôm miếng đất sét vô, bắt đầu dòm ngó cái bình mẫu, và tiến hành nặn nặn tạo hình tạo hình. Trong lúc đó, ông người Nhật vẫn ngồi dòm ngó cái bình với tất cả đắm say. Ông người Việt làm xong cái bình đầu tiên, hơi xấu chút xíu, nhưng không sao, trăm hay không bằng tay quen mà. Ông lại bắt đầu làm cái thứ hai.

Cái thứ ba, cái thứ tư, cái thứ tư… ông người Việt bắt đầy mệt chút, nhưng vui. Ơ kìa, ông Nhật Bổn kia vẫn đang ngẩn ngơ nhìn cái bình, xong vẽ vẽ ghi ghi gì đó trên giấy, không bắt tay vô làm thì có mà về đích bằng giấc mơ à…

Vậy đó. Khi ông Việt Nam còn mải mê hoàn thiện cái bình thứ năm đẹp hơn một chút, cái bình thứ sáu đẹp hơn chút nữa, thì ông Nhật Bản miệt mài đo đo đếm đếm tính tính toán toán để làm ra… cái khuôn.

Kết quả cuộc thi, nếu bạn đang đọc tới đây, thì dễ đoán mà.

Bung tự dưng nhớ bà cụ ở làng gốm Thanh Hà, Hội An. Người bà 92 tuổi vẫn thoải mái dạy dỗ Bung cách làm 1 cái bình bằng đất sét. Xong bà nói: Mình nâng cấp làng nghề lên được chút rồi con, không nung củi nữa, giờ đem vô lò điện nung cho nhanh, đồng đều nhiệt và… nhiều hàng hơn.

Nên Bung quyết định ngừng học tiếng Hoa, ngừng luôn tiếng Hàn và tiếng Pháp, chuyển hẳn sang học tiếng… máy tính. Đơn giản, Bung nghĩ là ngôn ngữ giờ Google dịch xử lý được hết rồi, nhưng đã tới lúc mình cần học cách giao tiếp với máy móc, với robot.

Bung học lập trình.

Ngôn ngữ máy tính thì có nhiều loại khác nhau. Bung chọn Ruby cho nó… sang chảnh xí, vì tên nó có vẻ… hồng ngọc lắm. Và xin thề, là một chân trời mới mở ra. Logic chuyện này thì dẫn tới chuyện kia, các khả năng xảy xa 3 thứ khác nhau khác nữa thì mình phải xử lý thế nào? Xong sau cùng mọi thứ sẽ về đâu?

104746104_168761814659546_6352492883426534036_o.png

Ơ, lập trình không phải là những dòng code chán nản trên màn hình, mà là cuộc sống, là tư duy, là khả năng lãnh đạo của mình với mọi thứ mà? Bung thấy học lập trình, cũng là cách để lập trình lại cuộc sống của mình cho nó… hợp lý hơn nhiều.

Vậy nên Bung hiểu khi nghe anh Hùng nói về tư duy máy tính - computational thinking. Đây chính là chìa khoá vạn năng để giải quyết vấn đề một cách vô cùng hiệu quả trong bất cứ ngành nghề nào. Mục tiêu lớn nhất của STEAM for Vietnam là phổ biến các kỹ năng sử dụng tư duy máy tính đến tất cả mọi người, không chỉ riêng những ai theo ngành công nghệ. Nó bày cho não của mình cách giải quyết một vấn đề bằng một chuỗi quy trình hay ho như sau: Decomposition - Tách nhỏ vấn đề; Pattern Recognition - Nhận diện và tái sử dụng quy luật; Abstraction - Khái quát hóa vấn đề; Algorithm - Tổng hợp các bước giải quyết vấn đề. Bung thấy là mình dù có đi học ngôn ngữ máy tính chút đỉnh, vẫn chưa thành thạo mớ kỹ năng này, nên sẽ đi học tiếp.

Tóm lại, là đăng ký cho con cháu em út, và cả mình nữa, đi học đi. Trong mỗi buổi học, bạn sẽ được hướng dẫn cách sử dụng tư duy máy tính để giải quyết một vấn đề và được dạy các khái niệm lập trình tương ứng để áp dụng ngay. Khi kết thúc buổi học bạn có thể hoàn toàn tự lập trình cho mình một trò chơi mà bạn có thể tự hào chia sẻ với bạn bè và người thân. Thông qua 8 trò chơi bạn sẽ được dạy đủ các kỹ năng để tới cuối khoá học bạn có thể tự lập trình ra trò chơi nổi tiếng thế giới Flappy Bird.

Còn lại, nhóm siêu nhân STEAM for Vietnam này có mặt ở khắp nơi trên khắp Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ nếu chúng ta cần hỏi, cần offline, hay đơn giản là cần… khoe công trình của mình.

Đăng ký ở đây nhen: https://bit.ly/s4vbootcamp

BUNG TRẦN