Trả về giá trị thực cho startup


Bị sa thải, đóng cửa, phát triển không bền vững… sau hơn 1 thập kỷ thịnh vượng, nhiều công ty startup đang phải đối mặt sự thoái trào.

a1st_edit.png

Trong hơn một thập kỷ qua, các công ty khởi nghiệp công nghệ phát triển nhanh đến mức họ không có đủ người làm. Và tại thời điểm này thì các startup lại sa thải nhân sự hàng loạt.

Tháng trước, công ty khởi nghiệp pizza robot Zume và công ty chia sẻ xe Getaround đã cắt giảm hơn 500 việc làm. Tiếp theo đó, công ty xét nghiệm DNA 23andMe, “kỳ lân logistics” Flexport, nhà phát triển trình duyệt Firefox Mozilla và trang web hỏi đáp Quora cũng cắt giảm nhân sự nhiều không kém.

Đây là một sự thay đổi khá buồn đối với một ngành công nghiệp từ lâu coi mình là động lực tạo ra việc làm và đổi mới sáng tạo.

Sự xuất hiện của một Uber khổng lồ hay khách sạn toàn cầu Airbnb và hàng loạt thương hiệu startup nổi tiếng khác đã phá vỡ thói quen của người dùng đối với những ngành công nghiệp truyền thống.

Sự gia tăng của Startup còn được thúc đẩy bởi một làn sóng tiền của các nhà đầu tư với khoảng 763 tỷ USD được rót vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ trong thập kỷ qua. Đồng thời cũng tạo ra sự bùng nổ các công ty trẻ trong nhiều lĩnh vực như giao hàng, bất động sản hay hàng tiêu dùng…

Không giống như các công ty công nghệ truyền thống, startup thường tấn công trực diện vào các đối thủ cạnh tranh là những doanh nghiệp truyền thống bằng cách chi thật nhiều tiền vào hạ tầng và nhân lực mà không cần quan tâm tới lời, lỗ.

Tuy nhiên thời gian gần đây xu hướng đổi chiều xuất hiện khi Startup ngày càng đánh mất chính mình.

Theo một thống kê của The New York Times, hơn 30 startup trên toàn thế giới đã cắt giảm hơn 8.000 việc làm trong bốn tháng qua. Đầu tư vào các công ty mới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 khi 2.215 startup huy động tiền ở Mỹ  trong ba tháng cuối năm 2019.

Và đó không phải là dấu hiệu duy nhất của sự thay đổi.

Nhà bán lẻ nệm trực tuyến Casper Sleep Inc tự quảng bá mình là “Nike của giấc ngủ”  đã thất bại trong lần ra mắt đại chúng vào đầu tháng 2/2020. Trước đó, startup sản xuất xe điện Lime cũng tuyên bố đóng cửa dịch vụ chia sẻ xe của mình trước cuối năm 2019 sau khi không tìm được đối tác kinh doanh phù hợp để triển khai sản phẩm của mình.

Những tên tuổi khác trong làng khởi nghiệp như nền tảng thương mại điện tử Brandless, ứng dụng trò chơi HQ Trivia và nhà sản xuất thiết bị điện tử Essential Products cũng đang trên bờ vực đóng cửa.

Nhiều công ty mới thành lập đang chùng xuống sau một năm 2019 đầy khó khăn, sau khi chứng kiến những con kỳ lân tỷ USD thất bại trên phố Wall.

Uber và Lyft mỗi năm đang thất thu hàng tỷ USD minh chứng cho xu hướng nền kinh tế chia sẻ đang dần lụi tàn. Và WeWork, startup không gian làm việc chung đã “hất cẳng” giám đốc điều hành và giảm 80% giá trị định giá vào cuối năm 2019. Việc tái cơ cấu đang được các nhà đầu tư siết chặt, điển hình là tập đoàn Nhật Bản SoftBank với quỹ Vision vốn đã dành 100 tỷ USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

fig_en_misra_01_edit.jpg

SoftBank vốn đã cược rất lớn vào các công ty như Uber và WeWork, cũng như Rappi – Startup giao hàng của Colombia hay startup khách sạn Ấn Độ - Oyo. Tất cả những startup này vừa trải qua lượt sa thải hàng loạt trong những tháng gần đây.

Trong tháng 2 này, SoftBank cho biết, quỹ Vision và các khoản đầu tư khác của họ đã khiến tập đoàn này lỗ lên đến 2 tỷ USD trong quý cuối năm 2019.

Xu hướng đổi chiều có thể sẽ không nghiêm trọng như những vụ phá sản dot-com vào đầu những năm 2000, khi hàng chục công ty internet không có lợi nhuận phá sản.

Ngày nay, các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư khác vẫn có những khoản tiền lớn để đầu tư. Và một số startup nhất định - như tạo ra công nghệ cho doanh nghiệp và có doanh số ổn định sẽ tiếp tục nhận được khoản đầu tư lớn.

Nhưng trong một ngành công nghiệp nổi tiếng với sự lạc quan phi lý, những thất bại liên tiếp khiến sự hoài nghi về startup đang lớn dần lên.

Tại San Francisco, các doanh nhân đang âm thầm chia sẻ những câu chuyện về các nhà đầu tư không chuyên và những thay đổi để thích nghi với thực trạng mới. Một bảng danh sách thất nghiệp dài đang xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông xã hội.

Các công ty khởi nghiệp vốn từng có xu hướng chú trọng vào mục tiêu tăng trưởng thay vì lợi nhuận hiện đang cố gắng thay đổi. Brad Bao - giám đốc điều hành của Lime, đã viết trong một bài đăng trên blog vào tháng 1/2020 rằng, công ty xe điện của anh đã rút khỏi 12 thành phố và đã chuyển "trọng tâm chính" của mình sang tìm kiếm lợi nhuận.

Kate Bratskeir, một chuyên gia về nội dung cũng cho biết rằng, cô đã mất việc 2 lần trong vòng một năm khi làm việc cho công ty khởi nghiệp. Một năm trước Bratskeir đã phải nghỉ việc tại Mic – một startup truyền thông kỹ thuật số ở New York do công ty không thể kiếm được lợi nhuận. Vào tháng 11, cô lại một lần nữa buông tay, lần này là tại WeWork.

Nhiều người lao động đang đặt câu hỏi về những lời hứa từ các startup mới. Họ đang trở nên thận trọng và hoài nghi khi gia nhập vào những công ty trẻ tuổi này” Kate chia sẻ.

Một số startup thậm chí đang sa thải robot. Tháng trước, Café X -  chuỗi cửa hàng cà phê robot và huy động 14,5 triệu USD vốn đầu tư đã đóng cửa ba quán cafe ở San Francisco. Henry Hu - giám đốc điều hành của Café X, cho biết trong một email rằng họ ra rút ra những bài học từ việc mở quá nhiều quán và tuyên bố chỉ tập trung vào các sân bay nơi có nguồn thu ổn định,

Tuy nhiên, để hồi phục lại như ban đầu không dễ dàng một sớm một chiều.

Nhà bán lẻ nệm trực tuyến Casper Sleep Inc trước đây đã huy động được hơn 300 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm, được định giá lên đến lên 1,1 tỷ USD nhưng khi lên sàn chứng khoán đã chứng kiến cảnh cổ phiếu của mình nhanh chóng lao dốc. Kỳ lân tỷ đô này như một lời cảnh báo cho các siêu kỳ lân khác dự kiến ra mắt trong năm nay bao gồm Airbnb và DoorDash – một startup về cung cấp thực phẩm. Cả 2 công ty này cũng đang chìm trong thua lỗ.

Có lẽ cú sốc lớn nhất mà giới đầu tư ở Mỹ nhận được trong thời gian qua là đối với những startup cần sa. khi các quốc gia như Canada và Uruguay và một số bang của Hoa Kỳ nới lỏng luật pháp hình sự hóa đối với chất kích thích này đã tạo ra một làn sóng đầu tư “phấn khích”.

Theo báo cáo của PitchBook, hơn 300 công ty cần sa đã huy động được 2,6 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2019. Nhưng chỉ hơn 6 tháng đầu năm ngoái, những vụ bê bối phát triển bất hợp pháp, gian lận, rắc rối pháp lý đã khiến nhà đầu tư phải đặt câu hỏi về những lời hứa và cam kết  cũng như triển vọng của các công ty khởi nghiệp này.

Các công ty khởi nghiệp như Caliva, chuyên sản xuất cần sa; Eaze, dịch vụ giao hàng; và công ty NorCal, một nhà sản xuất khác, đã cùng nhau cắt giảm hàng trăm nhân sự của mình trong những tháng gần đây.

"Rất nhiều startup sẽ không thành công trong năm 2020", Brendan Kennedy - giám đốc điều hành của Tilray nói. Ông cũng cho biết công ty của mình đã ngừng chi tiêu cho các dự án mới để có thể tồn tại trong thời gian tới.

Một trong những minh chứng về sự hoài nghi là startup có tên Unicorn chuyên về sản xuất xe điện cá nhân. Công ty này chỉ huy động được hơn 150.000 USD trong năm 2019 và chi tất cả số tiền đó cho quảng cáo trực tuyến, tuy nhiên họ chỉ có 350 đơn đặt hàng.

Vào tháng 12,  startup này cho biết Unicorn không đủ khả năng để sản xuất những chiếc xe điện của mình và tuyên bố phá sản. Nhà sáng lập Nick Evans của hãng này đã phải bỏ tiền túi của mình ra nhằm hoàn lại cho khách hàng. Ông cũng chia sẻ rằng mình đang tiến hành xây dựng một công ty mới tuy nhiên mô hình cũng thay đổi khi sẽ tập trung vào lợi nhuận ngay từ khi bắt đầu.

PV


Xem thêm