Nhật ký innovation: Nhà sáng chế - Điên hay thay đổi thế giới


Đây là anh Chiến, Lý Trường Chiến – cử nhân cơ khí chế tạo máy của đại học Bách Khoa Sài Gòn – quen biết Bung mười mấy năm trước, khi đang làm tổng giám đốc một công ty chuẩn bị lên sàn chứng khoán.

Với anh Chiến, người đoạt hàng chục giải thưởng sáng tạo của thành phố, chuyển từ giám đốc sản xuất lên giám đốc marketing, và sau đó là vị trí người đứng đầu doanh nghiệp, thì đối với doanh nghiệp, nên nhìn nó ở hai khía cạnh: là một cỗ máy, và được tư duy của người chế tạo máy dẫn dắt.

Đó là lý do Bung rủ anh Chiến tới nói chuyện ở Sihub mentor beer night số thứ hai. Đây cũng là số cuối mà Bung phụ trách, vì sau đó sẽ chuyển cho Phúc – giám đốc chương trình ươm tạo của VIISA phụ trách. Đời người, giỏi nhất là có thể tìm được người thay mình làm việc, và luôn tin rằng họ sẽ làm giỏi hơn mình. Nhưng lựa một người khách để “chia tay”, thì một nhà sáng chế, một thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán, là một lựa chọn thích hợp.

Xong, Bung đi xem phim “Current war” với tựa tiếng Việt rất dở là “Cuộc chiến ánh sáng”. Cái tựa tiếng Việt chẳng gợi mở câu chuyện về “cuộc chiến” giữa những thiên tài đang mong muốn thay đổi và định hình tương lai của loài người. Đó là cuộc chiến giữa thiên tài Thomas Edison – nhà sáng chế kiêm khởi nghiệp – với sự hậu thuẫn của một trong những cái tên lớn nhất làng tài chính thế giới: J.P. Morgan. Tom – với một doanh nhân có tâm, luôn luôn muốn làm cách mạng kỹ thuật tên là Westinghouse và một cộng sự lỗi lạc không kém của mình: Tesla.

Tất nhiên với một cái nội dung khó nhằn như vậy, rạp chiếu những suất rất khó xử, và dĩ nhiên, vé… trống nhiều vô kể. Đằng nào cũng chỉ đi vì muốn có chuyện để nói với những nhà sáng chế nên Bung cũng chẳng kỳ vọng gì nhiều. Nhưng không tin được, phim hay đến ngạt thở. Diễn viên quá xịn, khung cảnh quá đẹp, âm nhạc quá hay, và câu chuyện hoang đường vượt ra khỏi mọi tưởng tượng của Bung.

Ra về vẫn ám ảnh cái hình ảnh ẩn dụ: vợ của Thomas Edison, cả đời chỉ muốn có cái hàng rào bao quanh ngôi nhà của mình. Đến khi bà qua đời vì khối u trong não vẫn để lại tiếng nói trong chiếc máy ghi âm đầu tiên của thế giới về ước mơ “cái hàng rào”…

Phim kết thúc không phải bằng sự thoả hiệp của điện xoay chiều hay điện một chiều, mà là thoả thuận của hai người đàn ông: đừng xây hàng rào, và thế giới của chúng ta sẽ rộng lớn hơn, ít nhất là gấp đôi…

Người thông minh nhất trong phim, nhà sáng chế vĩ đại đến mức Elon Musk dùng tên để đặt cho công ty của mình, Tesla, cuối cùng chết trong nghèo khó.

Bung lại nhớ anh Chiến nói ở Sihub: “Nhân tài, hay thiên tài cũng như những hạt ngọc trai. Đẹp, quý và lấp lánh. Nhưng chỉ là những hạt ngọc trai đó người ta bán theo… ký lô. Muốn có giá trị cần được xâu thành một chuỗi ngọc trai, giá sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Nhưng cái sợi dây để xâu vô đó, đâu có ai thấy, đâu có ai tôn trọng, mới chính là thứ tạo ra giá trị quan trọng nhất. Làm lãnh đạo đôi khi cần bước lui để biến mình thành sợi dây, và luôn phải nhận lãnh trách nhiệm là bền bỉ nhất. Nếu không, sợi dây đứt thì chuỗi hạt cũng tan tành…”.

Bởi vậy, bước lui là thứ quan trọng. Thomas Edison đừng quá cứng đầu với lựa chọn “điện một chiều” và ra sức chứng minh vị trí số 1 của mình trên đời, có khi một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới ngày nay vẫn mang tên Edison Electric chứ không phải là General Electric nữa. Không, ông muốn làm người số 1 và người ta thay tên của Thomas Edison bằng “general” – chung chung và công ty vẫn là số một.

Tự dưng, Bung lại nhớ tới những nhà sáng chế người Việt mà Bung từng gặp. Họ hay lắm, giỏi lắm, thú vị lắm. Nhưng lúc nào, Bung cũng loay hoay không biết làm sao làm việc với họ. Họ không chịu nghe, hoàn toàn không hướng dẫn được về quy trình, về kinh doanh, về những luật lệ tưởng chừng đơn giản nhất trong cuộc sống. Với tất cả kính trọng, Bung vẫn thấy họ điên, và chẳng có khả năng thay đổi thế giới bằng bộ óc – tạm cho là vĩ đại – của mình chỉ vì họ không biết cách hợp tác.

Thomas Edison ngừng xây cái hàng rào. Lý Trường Chiến chấp nhận làm sợi dây xâu chuỗi hạt ngọc trai. Tesla chết trong đói nghèo.

Bung không có ý gì khi đưa ra câu kết như vậy. Nhưng nhà sáng chế nào muốn giải cứu thế giới vẫn cần một đứa biết về cuộc sống như Bung để đi cùng nhau, trên con đường chẳng mấy ai đi.

Bung chờ, nhen.

Bung Trần

Xem thêm