Nhà báo có thêm thời gian kể chuyện hay nhờ trí tuệ nhân tạo


Trí tuệ nhân tạo đảm nhiệm những việc “nặng nhọc” để nhà báo có thời gian kể những câu chuyện hấp dẫn hơn, và có những phân tích sắc sảo hơn về những vấn đề họ quan tâm.

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tại Hội thảo. Đây là sự kiện đầu tiên của Tuần lễ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM (WHISE) năm 2018. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam tại Hội thảo. Đây là sự kiện đầu tiên của Tuần lễ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM (WHISE) năm 2018. Ảnh: Hà Thế An.

Đây là nhận định của ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, tại Hội thảo “Truyền thông thích ứng trong thời đại công nghiệp 4.0” do Tạp chí Khám phá tổ chức chiều 15/10.

Ông Minh dẫn những số liệu thống kê cho thấy, công nghệ mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đang xâm nhập vào trong hoạt động báo chí, truyền thông trên khắp thế giới.

Cụ thể, hãng tin AP lần đầu tiên công bố các bản tin do trí tuệ nhân tạo viết vào năm 2015. Hãng này cũng dự đoán trong tương lai 80% các bản tin sẽ do máy viết đặc biệt là các tin tức trong lĩnh vực thể thao, kinh doanh… với thời gian nhanh và độ chính xác cao.

Hãng truyền thông Quartz sử dụng chatbot trao đổi với người dùng. Hệ thống này có thể sử dụng để đẩy thông tin liên quan theo nhu cầu người đọc.

“Người đọc xem tin tên lửa Triều Tiên, ngoài đọc, còn có thể xem hình, video, thậm chí là xem hình tên lửa ba chiều”- ông Minh dẫn chứng.

Theo ông Minh, hệ thống chatbot cũng sẽ được Thông tấn xã Việt Nam cho ra mắt vào đầu tháng 11 tới để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, liệu phóng viên có bị mất việc làm? Vấn đề này được ông Minh thẳng thắn khẳng định, phóng viên hoàn toàn có thời gian sáng tạo và tạo ra các tác phẩm chất lượng hơn khi có sự hỗ trợ của công nghệ.

“Những công việc “nặng nhọc” như thống kê, đưa tin thời sự, tổng hợp thông tin sẽ được máy tính xử lý nhanh và chính xác. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp nhà báo biết được độc giả cần thông tin gì, nên sử dụng thông tin nào. Và nhà báo sẽ có nhiều thời gian để kể những câu chuyện hay hơn, hấp dẫn hơn và có những phân tích sắc sảo hơn về những vấn đề đó”- ông Minh khẳng định.

Sử dụng công nghệ trong hoạt động báo chí là yêu cầu tất yếu mà các phóng viên cần phải làm để phục vụ cho công việc của mình. Theo, Th.s Phan Văn Tú, giảng viên khoa báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hiện nay các trường ĐH cũng rất đầu tư vào các chương trình đào tạo để sinh viên tiếp cận và sử dụng các công cụ công nghệ.

“Sinh viên có thể sử dụng công cụ internet trong việc tìm kiếm thông tin, làm infographic, nhận dạng tiếng nói, chữ viết để xử lý trong tác nghiệp dưới dạng văn bản, phần mềm dựng video, xử lý ảnh, trợ lý ảo trên smartphone... Đây là những thuận lợi mà sinh viên có thể khai thác được”- Th.s Tú chia sẻ.

Ông cũng nhìn nhận, sự phát triển của công nghệ cũng xảy ra những mặt trái là vấn nạn tin giả trên mạng xã hội, thậm chí là các tờ báo chính thống. Vì vậy, trong thời đại mà tốc độ lan truyền thông tin nhanh, mỗi người cần phải tự biết cách chọn lọc thông tin, để không tạo nên những dư luận tiêu cực trước sự xuất hiện của tin giả.

“Mỗi người khi đứng trước một thông tin cần phải có kỹ năng kiểm chứng qua nhiều nguồn, đặc biệt là những nguồn đáng tin cậy. Những thông tin từ những người có sức ảnh hưởng cũng cần hết sức cẩn trọng, và đặc biệt là không chạy theo đám đông”- Ths. Tú phân tích.

Kết thúc hội thảo, các chuyên gia đều có chung nhận định, công nghệ và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo cơ bản không làm thay đổi bản chất của báo chí, truyền thông hiện đại. Quan trọng hơn hết, là cộng đồng và nhà báo sử dụng và khai thác công nghệ thế nào để tạo ra giá trị cho mình.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm