Làm nông thời cách mạng công nghệ 4.0


Những tiến bộ kỹ thuật và internet đang ngày càng hữu ích, hậu thuẫn cho nhiều nhà nông Việt Nam cách thức khởi nghiệp số.

anhbaichinh2quantri-1534220443.jpg

Nông dân bán "cây xoài nhà tôi"

Để mở rộng đầu ra cho trái xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), những nông dân ở địa phương này lên mạng quảng bá đến khách hàng trước đó cả năm. Mô hình "cây xoài nhà tôi" được khách hàng ở nhiều nơi biết đến, họ chỉ cần vào website hợp tác xã (HTX), chọn cây xoài và giống xoài ưa thích như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài tượng, xoài Đài Loan... và "ký hợp đồng" sở hữu toàn bộ cây xoài.

Nông dân sau đó trở thành người "được thuê” chăm bón cây xoài ngay tại vườn nhà mình trong 12 tháng (tương đương 2 vụ xoài). Số trái thu hoạch được sẽ đóng gói gửi về tận nhà từng khách hàng.

HTX xoài Mỹ Xương có 62ha xoài trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Mỗi cây xoài đã "bán" được gắn mã số riêng, có mức giá riêng tùy theo độ tuổi cây, số lượng trái cho, loại giống và chất lượng trái, với giá khoảng từ 3 triệu đồng. Mô hình này được HTX Mỹ Xương triển khai năm 2016 và bán được 40 cây trong năm đầu tiên.

Sang năm 2017, họ bán được khoảng 100 cây và hy vọng bán được 200 cây trong năm nay. Con số này dù còn khá khiêm tốn nhưng cách làm của nông dân Mỹ Xương đã trở thành điển hình sáng tạo của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, họ từng bước quảng bá thương hiệu xoài địa phương và ổn định thu nhập cho nhà vườn.

Trong khi tại Bình Thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các nhà chuyển giao kỹ thuật và hệ thống tưới tiêu để thâm canh cây măng tây trong nhà lưới. Các hộ dân tham gia mô hình thử nghiệm sẽ trồng măng tây xanh theo chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, lấy kinh phí từ chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón và 50% hệ thống nhà lưới với hệ thống tiết kiệm nước theo liên kết chuỗi.

Sau khi thử nghiệm trong vòng 12 tháng (kết thúc tháng 7/2018), Trung tâm Khuyến nông tỉnh ước tính năng suất mỗi sào đạt khoảng 1.350kg, sau khi trừ chi phí đầu tư năm đầu tiên khoảng 49 triệu đồng, mỗi hộ lãi gần 19 triệu đồng/sào.

Mô hình này còn giúp Bình Thuận, vốn là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, tiết kiệm nước, lượng tưới tiêu vừa đủ cho cây sinh trưởng tốt, nhà lồng bảo vệ cây khỏi côn trùng phá hoại và giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để cây đạt chất lượng và an toàn cho người dùng.

Từ thành công ban đầu, quy trình trồng, chăm sóc măng tây xanh theo hướng an toàn của mô hình đã được chuyển giao đến các hộ gia đình. Các hộ cũng được gắn với chuỗi liên kết, cây măng tây được bao tiêu với giá 50.000 đồng/kg để họ yên tâm đầu tư.

Nông nghiệp quay về từ gốc

Ông Đỗ Văn Long - Giám đốc Chiến lược vùng của Infinity Blockchain Labs (IBL) cho biết, đơn vị này đang thử nghiệm truy xuất nguồn gốc trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) cho trái xoài cát chu của HTX Mỹ Xương. Đây là giống xoài nổi tiếng tại địa phương, dù đã được đăng ký nhãn hiệu nhưng con tem HTX phát hành rất dễ bị làm giả, vừa thất thoát kinh tế, vừa làm mất uy tín của HTX.

Để giải quyết tình trạng này, IBL thử nghiệm ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Trên smartphone, nông dân nhập thông tin vào hệ thống, tất cả các công đoạn từ sau khi thu hoạch cho đến sản xuất và vận chuyển, phân phối đều được lưu lại. Về phía người tiêu dùng, họ có thể quét QR Code trên smartphone để kiểm tra xuất xứ, quá trình sản xuất và đường đi của quả xoài trước khi mua.

Tuy nhiên, theo ông Long, hiện tại dữ liệu thông tin đầu vào người nông dân vẫn còn phải nhập thủ công, chưa thể áp dụng internet vạn vật (IoT) toàn hệ thống.

Tuy nhiên, trước mắt, công nghệ blockchain đã giúp họ giải quyết được bài toán về truy xuất nguồn gốc nông sản và bảo vệ thương hiệu. Khi có vấn đề xảy ra có thể nhận diện được trách nhiệm của ai, xác định được phạm vi của vấn đề, nắm được quy trình phân phối quả xoài đi tới đâu, từ đó có thể tính toán việc trồng trọt, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Mộng - Trưởng Bộ phận Công nghệ tại Công ty Sorimachi Việt Nam nhấn mạnh, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nghiêm trọng do sự suy giảm nhân công và già hóa dân số. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm sức lao động và thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, đồng thời giải phóng nông dân khỏi những công việc cực nhọc và nguy hiểm.

Ngày nay công nghệ đám mây được ứng dụng hỗ trợ cung cấp chi tiết thông tin sản xuất, nhật ký thao tác, lượng thu hoạch, lượng nước, lượng tiêu thụ nhiên liệu... đều được ghi chép tự động. Người nông dân với chiếc smartphone có thể nhập liệu theo bản đồ để ước tính thời gian thao tác, nguyên vật liệu đầu tư, chi phí từng thửa đất cho đến chủng loại nông sản và giống cây trồng phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), hiện đã có sự tiến bộ trong các khâu sản xuất kỹ thuật của nông dân, nhưng mới ở bước đầu của chuỗi. Truy xuất nguồn gốc theo đúng nghĩa phải đảm bảo nhận diện và theo vết từng đơn vị sản phẩm trong toàn chuỗi cung ứng để cho bản sao số hóa minh bạch toàn bộ lịch sử hoạt động của nông sản theo từng mắt xích trong chuỗi.

Việc khuyến khích nông nghiệp 4.0 hiện nay cũng cần tránh gây nhầm lẫn với truy xuất nguồn gốc, có nghĩa là trang bị tem chống hàng giả hoặc có QR code/barcode là có truy xuất nguồn gốc.

"Cần đảm bảo khả năng truy xuất từ Z - A với đầy đủ thông tin về quá trình sản xuất của sản phẩm liên tục và theo thời gian thực. Nông dân vì thế cần được hỗ trợ để vững bước dịch chuyển sang sản xuất sạch, an toàn, hữu cơ và thuận tự nhiên, việc hỗ trợ này là không giới hạn từ đào tạo, thiết bị, điều chỉnh phần mềm cho đến phí dịch vụ ít nhất trong hai năm đầu", bà Minh kiến nghị.

Hoàng Duy - Doanh nhân Sài Gòn

Bài gốc