Trung Quốc phân hủy 50 tấn rác thực phẩm mỗi ngày bằng… gián


Để đối phó vấn đề quá tải rác thải thực phẩm, một nhà máy xử lí rác ở Trung Quốc đang sử dụng một phương pháp hiệu quả và kỳ lạ: Gián.

food-waste-roaches-lead-1020x549.jpg

Cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của các thành phố hiện nay, những vấn đề với chất thải thực phẩm ở Trung Quốc cũng dần nảy sinh. Dân số Trung Quốc đang sản xuất quá nhiều chất thải thực phẩm đến mức các bãi rác không thể chứa được nữa; lượng rác thải mỗi ngày ở những thành phố lớn như Bắc Kinh có thể lên đến cả chục ngàn tấn. Điều này dẫn đến một ý tưởng mới vô cùng độc đáo: sử dụng gián để xử lí rác thải thực phẩm.

Một nhà máy bên ngoài thành phố Tế Nam - thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - đang sử dụng một tỷ con gián để xử lý đến 50 tấn rác thải thực phẩm một ngày. Cụ thể, các con gián này được các kĩ sư cho ăn thức ăn thừa hàng ngày với khối lượng tương đương với khoảng 7 con voi trưởng thành.

“Thực phẩm là loại thức ăn khoái khẩu của loài gián. Chúng chỉ cần 2 giờ để ăn hết một thùng thực phẩm thừa thay vì phải mất đến hàng tuần liền để phân hủy. Việc này giống như biến rác thành tài nguyên vậy”, Giám đốc Công ty công nghệ nông nghiệp Shandong Qiaobin cho biết.

Gián là nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho các loài vật nuôi, đồng thời cùng là một thành phần tốt để chữa các bệnh như loét miệng, dạ dày và vết thương ngoài da. Do đó, việc dùng gián để xử lí rác không chỉ giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng rác thải mà còn biến chúng trở thành một nguồn tài nguyên dồi dào.

Phương pháp nuôi gián này sẽ được áp dụng ở 3 nhà máy xử lí rác khác ở thành phố Tế Nam với mục tiêu loại bỏ một phần ba chất thải thực phẩm của thành phố. Mô hình này cũng trở thành mẫu tham khảo cho nhiều người đang mở trang trại nuôi gián của riêng mình ở Trung Quốc.

Con người đang lãng phí khoảng một phần ba thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm - khoảng 1,3 tỷ tấn - và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cũng như nền kinh tế của thế giới. Nếu xu hướng nuôi gián xử lí rác được phổ biến toàn cầu, những loài gây hại nhỏ này sẽ là những người lính dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lãng phí thực phẩm.

Linh Nguyễn Lê (Theo Inhabitat)

Xem thêm