Người lao động, học sinh phổ thông cũng cần biết về trí tuệ nhân tạo


Đào tạo nhân lực Trí tuệ nhân tạo (AI) phải được thực hiện ngay từ bậc học phổ thông. Trước hết, môn lập trình cần được đưa vào giáo dục phổ thông, đồng thời, đưa AI vào các trường phổ thông chuyên.

Phải bắt đầu với AI ngay từ bây giờ

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2025” là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2019 nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tu…

Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2025” là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2019 nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025”

Với tính ứng dụng đa dạng và khả năng làm thay đổi toàn diện cách thức vận hành trong nhiều lĩnh vực, AI đang là cuộc đua giữa các cường quốc lớn. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, hàng chục quốc gia đã công bố những chương trình chiến lược về nghiên cứu, ứng dụng AI cấp quốc gia.

Sắc lệnh về duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trong Trí tuệ nhân tạo khẳng định: “AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ, tăng cường an ninh kinh tế và quốc gia và cải thiện chất lượng sống”. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang nhanh chóng thúc đẩy các kết quả đổi mới sáng tạo thành hành động, tìm cách nhảy vọt và vượt Mỹ về quân sự và công nghệ nhờ phát triển AI và học máy.

Trong xu thế đó, Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi về AI. Vừa qua, tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2025” do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Thông tin Truyền thôngTP.HCM phối hợp tổ chức, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định AI là đề tài tương đối mới trên thế giới. Nếu chúng ta quyết tâm từ bây giờ sẽ không quá chậm so với thế giới. Thành phố có đủ nguồn lực và sẽ dành ưu tiên để thúc đẩy cho trí tuệ nhân tạo nhưng phải kèm theo cơ chế chi phù hợp.

Các chuyên gia tham dự hội thảo nhận định để phát triển nghiên cứu, ứng dụng AI một cách có hiệu quả cần có kế hoạch bài bản, tập trung vào 3 mũi nhọn chiến lược gồm: Đào tạo nhân lực, nắm bắt công nghệ, ứng dụng AI trong khu đô thị sáng tạo. Trong đó, vấn đề đào tạo nhân lực cần đặc biệt quan tâm bởi đây vẫn là một trong những điểm yếu của chúng ta.

Trang bị kiến thức AI cho đại chúng

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TSKH Hồ Tú Bảo từ Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết AI là khoa học nhằm làm cho máy hoạt động như có trí thông minh của con người, tiêu biểu là các khả năng suy luận, hiểu ngôn ngữ, nhận thức, giải quyết vấn đề và học tập. Tuy nhiên, AI theo nghĩa rộng có thể được hiểu là dùng dữ liệu một cách thông minh ở nơi có dữ liệu.

Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo, lực lượng nhân sự AI phổ thông cũng hết sức cần thiết

Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo, lực lượng nhân sự AI phổ thông cũng hết sức cần thiết

Bởi vậy, ngoài lực lượng nhân lực tinh hoa về AI có thể giải quyết các bài toán thách thức của thành phố, chúng ta cũng cần nhân sự AI phổ thông có thể sử dụng công cụ AI phân tích dữ liệu trong công việc hàng ngày.

Tuy nhiên, nhân sự trong AI vẫn rất thiếu. Báo cáo thị trường nhân lực ngành CNTT 2019 do Vietnamworks công bố mới đây cho thấy AI và Blockchain là 2 chuyên môn mà nhà tuyển dụng sãn sàng trả lương cao nhất cho người lao động trong ngành phần mềm. Người lao động có chuyên môn về AI có thể dẽ dàng yêu cầu mức lương hơn 1.800 $/tháng.

Mức lương nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận theo các chuyên môn, kỹ năng trong ngành phần mềm (Nguồn: Vietnamwork)

Mức lương nhà tuyển dụng sẵn sàng chấp nhận theo các chuyên môn, kỹ năng trong ngành phần mềm (Nguồn: Vietnamwork)

GS.TSKH Hồ Tú Bảo cũng cho biết hiện có rất ít chương trình đào tạo về AI và khoa học dữ liệu. Về ngành khoa học dữ liệu, ở khu vực phía Nam chỉ có 2 chương trình đào tạo đại học và cao học tại viện John von Neumann với 40 học viên và tại Đại học CNTT – ĐH Quốc gia TP.HCM với 50 học viên.

Để giải quyết bài toán nhân lực cho AI, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng việc đào tạo nhân lực phải được thực hiện ngay từ bậc học phổ thông. Trước hết, môn lập trình cần được đưa vào giáo dục phổ thông, đồng thời, đưa AI vào các trường phổ thông chuyên.

Cùng với đó, thành phố cần phát triển chương trình đào tạo tiên tiến về AI và xây dựng nền tảng liên kết 3 nhà: nhà trường, nhà tuyển dụng và nhà nước.

“Để đào tạo một thế hệ nhân sự về AI sẽ mất khoảng 7 năm gồm 3 năm phổ thông, 4 năm đại học và 3 năm trải nghiệm. Như vậy, sau 10 năm chúng ta có thể có 3 thế hệ nhân sự AI”, PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ.

Cùng quan điểm, GS.TSKH Hồ Tú Bảo nhận định AI không chỉ nên gói gọn trong đội ngũ các chuyên gia mà AI cũng cần được trang bị cho người lao động. TS Bảo cũng đề xuất trang bị kiến thức AI đại chúng cho các cán bộ của thành phố.

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm

 
Tin tứcdmsttin tức, ai