KHCN tuần qua: Huy chương Fields bị trộm, Apple cán mốc nghìn tỷ và Bia cho bệnh nhân ung thư


Ngoài ra, việc phát hiện sinh vật lai tự nhiên giữa cá heo và cá voi cũng là một sự kiện KHCN đáng chú ý trong tuần qua.

 
 

1. Airbus hợp tác với Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vũ trụ

Airbus vừa ký một ý định thư với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (trái) và đại diện Tập đoàn Airbus Defence và Space SAS ký thỏa thuận trong lĩnh vực vũ trụ. Nguồn ảnh: Bộ KHCN.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh (trái) và đại diện Tập đoàn Airbus Defence và Space SAS ký thỏa thuận trong lĩnh vực vũ trụ. Nguồn ảnh: Bộ KHCN.

Theo đó, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên bao gồm trao đổi thông tin liên quan đến quan sát trái đất, tổ chức, tham gia các sự kiện khoa học công nghệ và nghiên cứu công nghệ vệ tinh.

Việt Nam và Airbus từng là đối tác với dự án vệ tinh VNREDSat-1 và ý định thư này sẽ tạo điều kiện cho hãng hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam.

2. Apple chính thức cán mốc 1.000 tỷ USD

Ngày 2/8/2018, Apple chính thức trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt giá trị trên 1.000 tỷ USD. Giá cổ phiếu công ty đạt mức 207 USD. Trong báo cáo tài chính vừa công bố, Apple đạt lợi nhuận 11,5 tỷ USD quý trước, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu của hãng cũng tăng 17% lên 53,3 tỷ USD. Đây là doanh thu cao nhất họ từng đạt trong các quý II hàng năm. Trong số đó, doanh số iPhone chiếm hơn một nửa doanh thu của Táo khuyết.

Không dừng lại ở đây, nhiều nhà phân tích dự đoán, giá trị của Apple sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mà công ty này chuẩn bị ra mắt các phiên bản iPhone 2018.

3. Vỏ cua và thực vật có thể thay thế túi nylon

Các nhà khoa học tại Học viện Công nghệ Georgia, Mỹ vừa phát triển thành công chất liệu mới có thể thay thế túi nylon làm từ vỏ cua và thực vật. Chất liệu mới được tổng hợp từ cellulose và chitin, hai loại polymer sinh học phổ biến nhất trên Trái Đất.

Chất liệu mới từ vỏ cua và thực vật có thể thay thế túi nylon.

Chất liệu mới từ vỏ cua và thực vật có thể thay thế túi nylon.

Nhóm nghiên cứu đã treo lơ lửng các sợi nano chitin và các tinh thể nano cellulose bên trong môi trường nước, sau đó phun dung dịch lên một bề mặt thành nhiều lớp rồi sấy khô, tạo ra một chất liệu có tính bền, dẻo, linh hoạt, trong suốt và có khả năng phân hủy sinh học.

Đây được xem là giải pháp đầy triển vọng giúp đối phó với ô nhiễm rác thải nhựa trong tương lai.

4. Hà Lan chế tạo thành công xe ô tô sinh học đầu tiên trên thế giới

Một nhóm sinh viên Đại học Công nghệ Eindhoven, Hà Lan vừa tạo ra xe điện sinh học có mức tiêu thụ năng lượng thấp, ít hơn 5 lần so với xe bình thường.

Xe ô tô sinh học 2 chỗ ngồi này có tên Noah, có thể chạy với tốc độ tối đa 110km/h. Xe có khung gầm cùng nội thất được làm từ nhựa dẻo sinh học và sợi lanh nên chỉ có tải trọng 420kg.

Noah là xe điện sinh học bền vững đầu tiên trên thế giới. Sau khi xe hết hạn sử dụng, vật liệu làm ra chiếc xe sẽ được tái chế hoàn toàn.

5. Phát hiện sinh vật lai mới giữa cá heo và cá voi

Các nhà nghiên cứu tại tổ chức Cascadia Research Collective đã công bố phát hiện về sinh vật lai cá heo - cá voi. Họ bắt gặp sinh vật này lần đầu trong một dự án nghiên cứu kéo dài hai tuần ở đảo Kauai, Hawaii, vào tháng 8 năm ngoái.

Con lai (trước) bơi cùng cá voi đầu dưa (sau) có thể là mẹ. Ảnh: Cascadia Research Collective.

Con lai (trước) bơi cùng cá voi đầu dưa (sau) có thể là mẹ. Ảnh: Cascadia Research Collective.

Đây được cho là trường hợp lai đầu tiên giữa cá voi đầu dưa và cá heo răng nhám. Đây là trường hợp đầu tiên với hai loài này và là trường hợp thứ ba được xác nhận bằng gene là con lai tự nhiên của hai loài cùng thuộc họ Delphinidae.

6. Trao huy chương của giải thưởng Fields danh giá cho 4 nhà toán học

Trong khuôn khổ Đại hội quốc tế (ICM) của Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU) được tổ chức tại Brazil, huy chương Fields đã được trao cho 4 nhà toán học Alessio Figalli người Italy, Peter Scholze người Đức, Akshay Venkatesh người Ấn Độ và Caucher Birkar người Iran.

Chủ nhân của giải thưởng Fields trẻ nhất lần này là nhà toán học Peter Scholze, 30 tuổi.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong lần trao giải năm nay đó là việc huy chương Fields bị trộm mất chưa đầy 30 phút sau khi được trao.

Theo Guardian, giáo sư Caucher Birkar đã huy chương vào một cặp đựng hồ sơ cùng với ví tiền và điện thoại. Ít phút sau, chiếc cặp biến mất. Đội ngũ an ninh sau đó tìm thấy chiếc cặp nhưng huy chương giải Fields không còn nằm trong đó.

7. Tìm ra được một hình khối hoàn toàn mới, chưa có tên trong Toán học

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một cấu trúc hình học hoàn toàn mới. Nó nằm tại tế bào biểu mô - nền móng tạo nên cấu trúc mô, làm nên bộ da con người.

Hình khối mới có tên "scutoid", môn hình học trong tương lai sẽ có thêm chương mới.

Hình khối mới có tên "scutoid", môn hình học trong tương lai sẽ có thêm chương mới.

Khi sử dụng máy tính để dựng mô hình 3D của các tế bào biểu mô, họ khám phá ra một hình dáng kì lạ. Trông có vẻ giống một hình chóp nhưng một đáy của nó có sáu cạnh, mặt đối diện đáy lại có 5 cạnh.

Các nhà nghiên cứu gọi hình này là "scutoid", lấy ý tưởng từ "scutellum" - những vảy hình khiên trên mình của một số loài côn trùng, những con vật mà hình khối trên cơ thể chúng cũng có một tam giác nhỏ. Và có thể trong tương lai, môn hình học sẽ có thêm chương mới.

8. Roto nhanh nhất thế giới thách thức hiểu biết của con người về vật lý

Các nhà khoa học đã tạo ra một khối quay roto xoay với tốc độ 60 tỉ vòng trên phút – là roto nhân tạo quay nhanh nhất trong lịch sử, và nhanh gấp 100 nghìn lần mũi khoan nha khoa trung bình.

Phát minh kỉ lục này không chỉ thách thức giới hạn của vật lý mà còn được sử dụng để nghiên cứu những bí ẩn về vật lý lượng tử và phương thức vật chất vận hành trong chân không.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tongcang Li cho biết, nhiều ứng dụng có thể được phát triển từ nghiên cứu này. Chúng ta có thể nghiên cứu những điều kiện cực kì khắc nghiệt mà các vật chất khác có thể tồn tại được.

9. Dùng gạo biến đổi gene để phòng ngừa HIV

Gạo biến đổi gene là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến kéo dài không hồi kết chống lại đại dịch HIV trên toàn cầu.

Gạo biến đổi gene là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến kéo dài không hồi kết chống lại đại dịch HIV trên toàn cầu.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ Mỹ, Anh và Tây Ban Nha cho biết gạo biến đổi gen có thể là giải pháp giúp ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ HIV. Đây là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến kéo dài không hồi kết chống lại đại dịch HIV trên toàn cầu.

Loại gạo này sẽ sản xuất ra 2 loại protein và 1 loại kháng thể có thể bám vào virus HIV, ngăn chặn chúng tương tác với tế bào con người. Loại gạo này còn có thể được đưa vào một loại kem bôi ngoài da, từ đó các protein đặc biệt trong gạo sẽ đi vào cơ thể, bảo vệ con người khỏi HIV.

Tuy nhiên, trước khi giải pháp này có thể ứng dụng rộng rãi, cần phải khẳng định chắc chắn loại gạo mới không tạo ra phản ứng phụ gây hại cho cơ thể.

10. Loại bia đầu tiên dành cho bệnh nhân ung thư

Loại bia đặc biệt này được phát minh bởi bà Jana Drexlerova, Giám đốc điều hành của Mamma Help - một tổ chức tình nguyện chuyên hỗ trợ phụ nữ bị ung thư vú tại Cộng hòa Czech và đồng nghiệp của bà là Tereza Sverakova.

Bia Mamma không chứa cồn và được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng như vitamin B, kali... cho phép bệnh nhân ung thư xem nó như một món ăn. Đặc biệt, loại bia này được pha chế có vị ngọt hơn để át đi vị đắng, bù đắp tác dụng phụ của hóa trị lên vị giác, giúp tăng khẩu vị cho người bệnh. Loại bia này còn giúp bệnh nhân ung thư kết nối tốt hơn với gia đình, bạn bè trong mọi cuộc vui. Từ đó, tinh thần người bệnh sẽ trở nên thoải mái, tích cực, có thêm sức mạnh chiến đấu chống lại bệnh tật.

Ngọc Hương - Quang Niên (Khampha.vn)

Bài gốc