Nhật ký Innovation: Sấp mặt ở Sài Gòn


Bạn hỏi, từ xứ biển về lại Sài Gòn, thấy đời sao? Trong đầu tự dưng hiện lên hai thứ: một là bận rộn đến mức “sấp mặt”, nhưng mà có chút tự hào vì mình bận rộn và làm được bao nhiêu là thứ.

Ừ, mốt bây giờ của các bạn trẻ, hơi có chút thành công, là bỏ phố về quê, về biển, về núi, về rừng để sống cuộc đời mình mong muốn. Cớ chi mình đã từng an yên ở biển, lại khăn gói về Sài Gòn, để bôn ba giang hồ, để “sấp mặt” với hơn mười cuộc họp mỗi ngày?

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?”.

Đó, tất nhiên là câu hát mà ai cũng biết, nhất là trong những đêm sinh hoạt Đoàn thưở xưa, lúc nào cũng có người ôm guitar và cả đám hát theo.

Nhưng mãi cho đến sau này, khi mà đang nằm phè phỡn tắm nắng và nghe sóng biển rì rầm, thì ông thầy xuất hiện, mắng cho một trận, mới biết hết nghĩa của nó.

Ừ, chẳng ai tự sinh ra trên đời, hít khí trời, uống nước lã mà có được chút kỹ năng, chút kinh nghiệm, chút quan hệ và chút hiểu biết về công việc cả.

Mà ngay cả khí trời và nước lã, cũng là thứ mình phải mang ơn chứ. Gia đình, xã hội, và tất cả mọi người đã “hùn vốn” để bản thân mình có đủ năng lực mà xông pha cuộc sống, để làm cái gì đó có ích cho đời…

Sài Gòn bận rộn quá, bận tới mức không có thời giờ để thở. Mỗi ngày đều có mấy đoàn khách quốc tế tới để bàn chuyện hợp tác. Đại học quốc gia Singapore NUS muốn làm chương trình mang thực tập sinh của họ đến làm việc ở các công ty khởi nghiệp Việt Nam.

UNICEF thế giới muốn mở cái phòng thực hành đa chức năng cho mọi người trẻ có thể đến thử nghiệm các vấn đề khoa học.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có Đề án khởi nghiệp cho thị trường chuyên biệt

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có Đề án khởi nghiệp cho thị trường chuyên biệt

Uỷ ban chứng khoán nhà nước muốn đẩy nhanh tốc độ hiện thực hoá sàn giao dịch chứng khoán dành cho khởi nghiệp.

Viện vệ sinh dịch tễ trung ương muốn chuyển giao các công nghệ mà viện nghiên cứu bấy lâu nay để mang tính ứng dụng vào cuộc sống. Các tỉnh cần thực hiện các chương trình đào tạo, mentor… cho các công ty khởi nghiệp mới.

Rồi thì phải nộp đề xuất nhiệm vụ 844 để góp tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Bộ Khoa học Công nghệ, phải chuẩn bị từ bây giờ cho ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18.5, phải bàn cho xong dự án tăng tốc khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, phải nghĩ cho xong format một chương trình truyền hình khởi nghiệp, phải hoàn tất hồ sơ kiểm toán năng lượng cho hệ thống các bệnh viện.

À, còn phải đi giảng bài cho sinh viên báo chí và bay sang Malaysia trao đổi về các không gian sáng tạo tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Thời gian là tài sản công bình nhất trên thế gian này. Ai cũng có 24 tiếng, và làm chủ thời gian là một kỹ năng mang tính sống còn nhất.

Ma trận ưu tiên

Ma trận ưu tiên

Mình học nhiều về chuyện quản trị thời gian theo mô hình bốn ô ngày trước, tức là lập ra thứ tự ưu tiên: nên làm việc quan trọng nhưng không khẩn cấp, rồi phải làm việc quan trọng mà khẩn cấp, giao những việc khẩn cấp mà không quan trọng rồi từ chối toàn bộ những việc không quan trọng không khẩn cấp.

Xong đến một lúc, thấy mô hình “đi mua thời gian tương lai” hay hơn nhiều, ý tưởng làm một việc gì đó ngày hôm nay, để sau này việc tự chạy, hoặc máy tự động làm cho mình, thì sau đó mình sẽ có nhiều thời giờ hơn.

Yay, giống như đi đăng ký trả tiền điện thoại tự động, sau đó mỗi tháng sẽ tiết kiệm ít nhất là 5 phút để làm việc này, nhân lên một năm, mười năm… Chắc có thêm giờ để ra biển nằm phơi nắng, nhỉ!

Các cô gái ở chương trình Proud of Life – một đơn vị được sinh ra với sứ mệnh dẫn các bạn học sinh khiếm thị đi xuống các vườn cây, để các bạn được thực sự sờ vào con gà, con heo, được cầm nắm cái lá cây, được chạm vào cây cà chua, dàn dưa leo… vốn là những thứ mà các bạn chỉ mới được nghe, được ăn, chứ không thể tưởng tượng ra hình dáng của nó – gửi thư, rủ tham gia chương trình vào sáng chủ nhật.

Tự dưng nhìn lịch, muốn khóc.

Ai cũng có thời giờ cho thứ mình ưu tiên. Bận là một cảm giác rất… xạo. Nhưng mà thiệt, không thể đi cùng các cô gái trẻ, giàu năng lượng và đang làm những việc vô cùng có ý nghĩa này được.

Có ai thương tình, bỏ chuyện an yên ở biển, ở rừng, ở núi, về Sài Gòn làm chuyện không nhẹ nhàng nhưng mỗi ngày đều có ích cho đời cùng Bung không?

Sài Gòn sấp mặt, nhưng vui lắm!

Bung Trần

Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung sẽ phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm