Nhật ký innovation: Người nhà nước thiện lành


Cả đời, Bung sẽ không quên được cái cảnh chị phụ trách hộ tịch phường, tay cầm con dao gọt xoài lăm lăm bước ra, đưa tờ giấy và kêu “điền hết vô đây cho tui coi”. Đó là lúc, phải ghé vô phường làm… đăng ký kết hôn. Bao nhiêu ảo tưởng về chuyện mặc đồ đẹp, ra phường, được lãnh đạo địa phương trao giấy và chúc mừng, trôi mất sạch.

Nhớ lại vụ này, là khi đọc bài tâm sự của con trai cố thủ tướng Phan Văn Khải kể chuyện, ông thủ tướng vì mê cháu quá, nên dù đang đương chức vẫn tự mình ra phường làm giấy khai sinh cho cháu nội.

Thủ tướng mà ra phường thì cũng là… dân đen, và bị quát mắng ra hồn, chỉ biết cười hì hì, ngọt ngào với cán bộ để cháu mình có tờ giấy khai sinh. Thủ tướng mà còn vậy, xá gì một đứa tào lao như mình… Nên tự nhiên, định tha thứ cho cái chị hộ tịch với con dao gọt xoài, mà mình đã hận thù suốt 10 năm qua.

Ông Vũ Minh Trí, phó tổng giám đốc VinaGame

Ông Vũ Minh Trí, phó tổng giám đốc VinaGame

Hôm qua, ông Vũ Minh Trí, phó tổng giám đốc VNG – nguyên là tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nói: “Phải chi lên phường mà có mấy cái tiến bộ kiểu trí tuệ nhân tạo hay đơn giản là hướng dẫn tự động thôi thì đỡ biết bao nhiêu nhỉ”.

Chuyện này, làm nhớ hồi đó các bạn trẻ của công ty khởi nghiệp Hekate của Đà Nẵng định hỗ trợ thành phố làm con chatbot – tự động trả lời những câu hỏi thường gặp nhất của người dân, kiểu như vô hỏi “đăng ký kinh doanh” thì nó tự động đưa ra mấy tờ mẫu để điền, hướng dẫn từng bước một để làm đơn giản hoá cái quy trình “chạy bằng cơm” xưa giờ.

Lại nhớ anh Sieng Chan – chủ tịch của Dragon Chain Academy – một trường đào tạo blockchain thiệt lớn ở Mỹ, hỏi: “Giờ mình nộp đề xuất dùng blockchain để giải quyết các thủ tục hành chính ở Việt Nam thì có khả thi không?

Tiết kiệm được thời giờ, công sức và… giấy tờ lắm đó”. Bung cười: “Đời mà đơn giản như anh tưởng thì giờ mình đang đi lướt sóng rồi chớ ngồi đây bàn mở lớp đào tạo blockchain làm chi nữa…”.

Tóm lại, chắc vì Bung là một đứa xui rủi sinh ra trong một thế hệ hay bị người lớn và thầy cô đem công an và “lên phường” ra doạ nạt mỗi khi muốn Bung nghe lời, nên giờ cứ nghe tới người nhà nước là… tự giác chuyển sang chế độ “phòng thủ vô cùng”.

Cho tới hôm kia, ngồi với anh Đoàn Nhật Việt, người làm chương trình truyền hình “Kết nối không giới hạn”, khoe rằng, anh mới làm xong mấy số với bên sở Giao thông, về các sáng kiến lắp đặt camera giao thông và chương trình truyền thông chống kẹt xe, rất là công nghệ cao.

Xong anh lại hào hứng kể về các giải pháp hành chính điện tử ở Bình Tân, giờ lên mạng làm cho đúng thì sau đó giấy tờ sẽ được chuyển đến tận nhà, rất là tiện dụng.

“Ơ, vậy cũng có nhiều người nhà nước thiện lành nhỉ?” – mình nói đùa. Anh bảo: “Thiệt chứ sao không thiệt. Có điều là mình ít biết những thứ hay ho tốt đẹp đó quá thôi, toàn thích nghe chuyện chưa tốt…”

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học vàCông nghệ TP.HCM

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học vàCông nghệ TP.HCM

Hôm qua, ngồi nghe ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM lên nói chuyện về Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo TP.HCM (i-Star), trong đó có hạng mục dành cho các công trình tạo tác động xã hội.

Ông bảo, nhiều giải pháp đổi mới sáng tạo trong khối nhà nước cũng rất đáng hoan nghênh, như năm ngoái Bình Thạnh online là một điểm sáng, hay quy trình báo động đỏ trong cấp cứu người bệnh của ngành y tế, hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm hoặc đơn giản là một giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để quản trị tốt hơn các tuyến phố chuyên doanh ở quận 5…

Ông Dũng – một người nhà nước mà Bung có quen đủ lâu – luôn quá chừng sáng kiến, luôn sẵn lòng ngồi cả buổi trời để nói về những thứ mà ông mong muốn đặt hàng cho các nhà khoa học để giải quyết các vấn đề của thành phố.

Vậy đó, hoá ra, có một thế giới “người nhà nước” đang chuyển mình, ra khỏi cái sợ hãi của mình thời trẻ thơ.

Bung bèn nghĩ, có thể chơi thân hơn với nhiều người nhà nước “thiện lành” nữa.

Bung Trần

Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM vừa công bố 'Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố năm 2019' (I-Star 2019). Đây là năm thứ hai I-Star được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Giải năm nay dành cho 4 đối tượng gồm doanh nghiệp khởi nghiệp, giải pháp đổi mới sáng tạo, tác phẩm truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các tổ chức cá nhân có hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như vườn ươm doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, chuyên gia tư vấn...

I-Star năm nay sẽ có tổng cộng 12 giải được trao, với mỗi nhóm đối tượng được chọn trao 3 giải đồng hạng. Ban tổ chức nhận hồ sơ tham dự đến hết tháng 8/2019 và tiến hành công bố công khai trên website để cộng đồng bình chọn, song song với việc xét giải của hội đồng chuyên môn. Giải sẽ được trao vào tháng 10/2019.



Trần Bung - với chữ Bung trong món Bắp Bung của Đà Lạt, nơi anh sinh ra - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Saigon Innovation Hub và phó chủ tịch Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Flying Fish Investment. Bung là tác giả của bộ sách bán chạy “Những người làm thuê số 1 Việt Nam” và nhiều tựa sách khác nhau về khởi nghiệp, lập nghiệp. Anh là một gã lang thang khắp mọi miền của thế giới, gặp gỡ từ nữ hoàng Đan Mạch, thủ tướng Pháp, các tỷ phú ở Silicon Valley để kể chuyện. Bung hiểu biết nhiều về các loại bia, nghệ thuật thủ công và nghiên cứu về thiền chánh niệm.

Từ ngày 24.12, Bung phụ trách chuyên mục “Nhật ký innovation”, để kể lại chuyện buồn vui trong thế giới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn có chuyện gì hay, hãy meo cho Bung một tiếng tại tranbung@khampha.vn nhen.

Xem thêm