Không lo tăng giá, không lo cắt điện nhờ lắp pin mặt trời trên mái nhà


Dù thông hiểu về điện mặt trời, hay không có kiến thức về lĩnh vực này, nhưng nhiều người dân TP.HCM hiện nay đã mạnh dạn đầu tư để có nguồn điện riêng và không phải lo lắng về vấn đề giá điện tăng.

Công nhân lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cho một gia đình ở Quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Công nhân lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cho một gia đình ở Quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Lắp pin mặt trời, lợi cả đôi đường

Trong một gian phòng nhỏ chứa đầy tấm pin năng lượng mặt trời lẩn khuất trong một con hẻm nhỏ đường Trần Bình Trọng, Q. Tân Phú, TP.HCM, một bản hợp đồng với giá trị 100 triệu đồng được ký kết.

Anh Lê Văn Sơn (ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi) đã đồng ý ký vào hợp đồng lắp 16 tấm pin mặt trời ngay trong lần gặp đầu tiên với đơn vị cung cấp. Trước đó, anh chỉ có thời gian tiếp xúc qua điện thoại đơn vị cung cấp giải pháp vỏn vẹn 2 tuần cho tất cả mọi thứ để đi đến ký kết hôm nay.

Khi chúng tôi thắc mắc, liệu anh quyết định bỏ ra cả trăm triệu để đầu tư điện mặt trời chỉ trong một thời gian ngắn như vậy có vội vàng? Anh cười: “Tôi muốn lắp điện mặt trời từ lâu rồi, nhưng đến nay mới có cơ hội để làm. Tôi là dân kỹ thuật từng học ở ĐH Bách khoa TP.HCM nên nắm bắt khá kỹ vấn đề này và hoàn toàn yên tâm với đơn vị cung cấp”.

Vừa dứt lời, anh Sơn rút ngay điện thoại di động chuyển khoản tiền đặt cọc và sau đó 1 tuần, những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ hiện diện trên ngôi nhà anh. Chia sẻ về lý do lắp đặt điện mặt trời, anh Sơn bày tỏ, giá điện vừa tăng lên 1.864 đồng/1 kWh. Nhưng khi lắp điện mặt trời, anh vừa có nguồn điện ổn định xài mà vẫn có thể đưa điện lên lưới để bán cho ngành điện lực.

Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, đại diện công ty cổ phần giải pháp năng lượng TP.HCM (đơn vị cung cấp giải pháp điện mặt trời), chỉ cần sử dụng hệ thống trong vòng 5 năm rưỡi là anh Sơn có thể thu hồi được chi phí đầu tư ban đầu.

Cụ thể, với 16 tấm pin mặt trời công suất 360W/tấm mỗi ngày có thể sản sinh 22,8 kWh điện/ngày. Trong 1 tháng anh Sơn có 684 kWh điện. Lượng điện tiêu thụ trung bình hằng tháng của gia đình anh vào khoảng 320 kWh. Khi lắp đặt pin mặt trời anh dư ra lượng điện khoảng 360 kWh và có thể sử dụng lượng điện này bán cho ngành điện lực.

Với giá mua điện từ pin mặt trời hiện nay vào khoảng 2.000 đồng kWh điện, trong 1 tháng anh Sơn dư khoảng 750.0000 đồng điện dư cộng với số lượng điện không phải sử dụng điện lưới anh có khoảng 1 triệu 550 nghìn. Như vậy, sau khoảng 5,5 năm anh Sơn có thể thu hồi khoản đầu tư 100 triệu cho hệ thống điện mặt trời.

“Tuổi thọ của mỗi hệ thống điện mặt trời (xuất xứ từ Mỹ) có thể lên tới 30 đến 40 năm. Sau khoảng thời gian 25 năm, hiệu suất pin mặt trời bị giảm còn khoảng 80% nhưng vẫn có thể hoạt động ổn định và cung cấp đủ điện cho khách hàng”- ông Gia nói.

Hơn nữa, với nguồn điện lắp đặt, gia đình anh Sơn không bị phụ thuộc vào lưới điện ngành điện lực và còn có thể có thêm một nguồn điện bán ra khi nối lưới.

Điện mặt trời dần nhận được sự quan tâm của người dân. Trong ảnh: Công nhân lắp khung cho tấm pin mặt trời. Ảnh: Hà Thế An.

Điện mặt trời dần nhận được sự quan tâm của người dân. Trong ảnh: Công nhân lắp khung cho tấm pin mặt trời. Ảnh: Hà Thế An.

Một người lắp điện mặt trời, cả xóm háo hức

Cũng với suy nghĩ như anh Sơn, chị Huỳnh Thị Qúy Hương (phường Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân) đã đồng ý lắp đặt 10 tấm pin năng lượng mặt trời cho căn nhà 3 tầng mới xây của mình.

Chị Hương kể, nhiều lần xem tivi các chương trình về điện mặt trời chị rất quan tâm. Đặc biệt, mới đây ngành điện ra thông báo sẽ tăng giá điện khiến chị càng “hạ quyết tâm” lắp điện mặt trời. Dù là phụ nữ, không biết gì nhiều về kỹ thuật, nhưng chị vẫn thuyết phục chồng bỏ ra 60 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời trong căn nhà mình.

“Xem tivi tôi thấy lắp điện mặt trời nhiều cái lợi, vừa bảo vệ môi trường mà mình lại chủ động được việc sử dụng điện, ko sợ bị cúp điện khi ngành điện gặp sự cố. Tôi cũng nghe thông tin là nhà nước có chính sách mua điện của dân không dùng hết có thể đưa lên lưới nên tôi càng quyết tâm”- chị Hương tâm sự.

Vậy là chị và người mẹ già lần theo thông tin trên tivi về doanh nghiệp cung cấp hệ thống điện mặt trời đến tận nơi. Chỉ trong 2 ngày đơn vị cung cấp đã lắp đặt xong 10 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà chị.

Khi chiếc xe chở những tấm pin mặt trời đến nhà chị lắp đặt, nhiều người dân sống xung quanh bày tỏ sự tò mò. Họ đến tìm hiểu cũng tỏ ý lắp đặt.

“Một số người sau khi nghe tôi kể chuyện họ cũng muốn lắp pin mặt trời. Họ nói chờ đợi tôi sử dụng một thời gian thế nào rồi họ cũng sẽ làm theo”- chị Hương tâm sự.

Sự quan tâm của nhiều người dân và ngày càng có thêm nhiều người lắp đặt điện mặt trời chính là dấu hiệu tích cực cho nguồn năng lượng mới này.

Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, trong năm 2018 công ty chỉ có khoảng 10 hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời/1 tháng. Nhưng trong 3 tháng đầu năm 2019, mỗi tháng công ty lắp đặt pin mặt trời cho khoảng 30 hộ gia đình. Như vậy, số lượng người lắp đặt pin mặt trời có xu hướng tăng lên.

Đối với doanh nghiệp, mỗi tháng công ty tiếp cận được khoảng 10 đơn vị và thực hiện ký hợp đồng với 1 đến 2 doanh nghiệp.

“Với những chính sách ưu đãi về điện mặt trời và những lợi ích kinh tế, người dân TP.HCM đang có xu hướng sử dụng điện mặt trời nhiều hơn. Những doanh nghiệp ở tỉnh lẻ cũng bắt đầu đầu tư cho điện mặt trời phục vụ cho sản xuất và bán lại cho ngành điện lực. Người dân hiện nay thu nhập ở mức trung bình cũng có thể lắp điện mặt trời”- ông Gia tự hào nói.

Theo báo cáo của Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN-HCMC) tính đến hết năm 2018, thành phố có 906 hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Tổng công suất lắp đặt tăng gần 52 lần so với 5 năm trước đây (200 MWp - năm 2013).

Tính đến tháng 2/2019, EVN-HCMC đã có 19 đơn vị trực thuộc hoàn tất lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại trụ sở, với tổng công suất 1.127,9 kWp.

Đại diện EVN-HCMC cho biết nhiều năm qua, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái. Không chỉ truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

EVN-HCMC cũng gửi thư ngỏ vận động sử dụng điện mặt trời đến khách hàng thông qua các hình thức như qua email, ứng dụng CSKH, Zalo; trên website của đơn vị và website chăm sóc khách hàng; phổ biến cho điện thoại viên để hướng dẫn, tuyên truyền đến khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thông tin về điện mặt trời.

Hà Thế An - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm