Phát triển đô thị thông minh: Kỳ vọng và thách thức


Nếu như 3-4 năm trước đây, Smart City (đô thị thông minh - ĐTTM) vẫn còn là một khái niệm tương đối mới với các chính quyền địa phương tại Việt Nam, thì đến nay, với sự phát triển như vũ bão về hạ tầng CNTT, xu hướng đô thị hóa kèm theo các nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, mô hình ĐTTM đã bắt đầu thành hình. Đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các đại gia viễn thông – công nghệ như VNPT và Viettel. Nhưng, vẫn còn rất nhiều thách thức đối với việc phát triển ĐTTM ở Việt Nam.

Con người là trung tâm và đột phá

Những năm qua, tập đoàn công nghệ Microsoft đã giởi thiệu rộng rãi về giải pháp xây dựng ĐTTM tại Việt Nam, trong đó, con người được đặt làm trung tâm. Theo Microsoft, ĐTTM thường được định nghĩa trên 6 phương diện chủ đạo, gồm: Năng lực kinh tế; Ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ công; Nguồn tài nguyên về con người; Môi trường sống thân thiện; Chất lượng cuộc sống người dân; Chính quyền điện tử. 

Các tiêu chí này được xây dựng tương ứng theo khả năng cạnh tranh của khu vực, giao thông, CNTT, chất lượng sống, sự tham gia của công dân trong công tác quản trị của các thành phố…

Theo các chuyên gia, thách thức của đô thị hiện đại khi phát triển ĐTTM là làm sao có thể tiết kiệm chi phí và phát triển hiệu quả hơn khi thành phố mở rộng; triển khai được các dịch vụ công dân và doanh nghiệp đồng nhất cho toàn bộ các cơ quan quản lý trong thành phố; quản trị và điều tiết nguồn nhân lực; đưa được các thông tin rõ ràng hơn khi ra quyết định và ngân sách; tạo được tầm nhìn xuyên suốt trong quá trình phát triển tiếp theo.

Tại Việt Nam, khái niệm phổ biến ĐTTM gắn liền với một thành phố hiện đại, ứng dụng CNTT tiên tiến nhất trong các lĩnh vực: Chính quyền điện tử, Môi trường, nước, năng lượng; Giao thông; Quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng; Giáo dục; Y tế và an sinh xã hội; An ninh xã hội và phát triển Văn hóa du lịch.

Theo các chuyên gia, xây dựng ĐTTM là chủ trương và tầm nhìn đúng đắn về việc lấy người dân làm trung tâm, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho rằng, ba đối tượng chính được phục vụ trong ĐTTM là “chính quyền - doanh nghiệp - người dân”. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội... 

Đâu là ĐTTM đầu tiên ở Việt Nam?

Trong khoảng 3 năm qua, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, nhiều địa phương đã “bắt tay” với VNPT và Viettel để tiến hành xây dựng ĐTTM. Với VNPT đó là TPHCM, Kiên Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bắc Giang, Tiền Giang,... Với Viettel là Thái Nguyên, Phú Yên, Hải Dương, Huế, Bình Phước, Hưng Yên, Đà Nẵng và Phú Thọ... 

Có thể nói giữa VNPT và Viettel, 2 “đại gia” về viễn thông và CNTT ở Việt Nam hiện nay đang có một cuộc đua mới, đó là xây dựng ĐTTM cho các địa phương. Đến nay VNPT đã ký kết với hơn 10 tỉnh, thành về hợp tác, triển khai ĐTTM.

Viettel cũng xấp như vậy. Lãnh đạo Tập đoàn Viettel luôn tự tin trong vấn đề xây dựng và phát triển ĐTM với thế mạnh về nguồn lực, hạ tầng viễn thông rộng khắp, đội ngũ nhân lực CNTT trình độ cao, tạo ra nhiều các giải pháp và sản phẩm thiết thực như: Bankplus, Moffice, Shop.one, Smas, sms.edu, phần mềnm quản lý bệnh viện, phần mềm quản lý bảo hiểm xã hội…

Trong khi đó, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, đã có không ít những nghi ngại về khả năng thành công trong việc triển khai và áp dụng các giải pháp thông minh cho đô thị tại Việt Nam.

Nhiều dự án trong các lĩnh vực khác nhau như y tế, tài nguyên môi trường, giáo dục… được VNPT bắt tay vào thử nghiệm tại nhiều địa phương đang cho kết quả ban đầu khả quan. 

Tháng 10/2017, UBND huyện đảo Phú Quốc và Tập đoàn VNPT công bố hoàn thành Giai đoạn 1 Đề án xây dựng ĐTTM Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đó, sau hơn một năm chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác, các dự án thuộc giai đoạn 1 của Đề án đã hoàn thành và bước đầu triển khai thành công 5 dự án thành phần về chính quyền điện tử, giám sát môi trường, camera giám sát, Smart wifi và quản lý lưu trú trực tuyến.

VNPT đã hoàn thành nâng cấp phần mềm dự án chính quyền điện tử, triển khai lắp đặt camera tại các điểm chỉ định để quản lý an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Cùng với đó, đã triển khai lắp đặt thiết bị phát sóng Wifi tại các điểm du lịch theo Dự án smart Wifi, triển khai xong phần mềm quản lý lưu trú online cho các cơ sở lưu trú với hàng trăm nghìn lượt khách được khai báo qua hệ thống theo yêu cầu của dự án quản lý lưu trú trực tuyến.

Hiện Phú Quốc đã xây dựng xong Trung tâm vận hành tích hợp tập trung, trang bị màn hình ghép với nhiều  màn hình cỡ lớn để hiển thị các kịch bản giám sát… Sau giai đoạn 1, Phú Quốc đã hình thành được những năng lực cơ bản của nền tảng công nghệ cho ĐTTM.

Bước sang giai đoạn tiếp theo, các yếu tố nền tảng có độ phức tạp cao như nền tảng IoT, trục tích hợp toàn Thành phố thông minh, năng lực phân tích, dự báo... sẽ được đầu tư mạnh mẽ.

Phú Quốc cũng chính là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thành công giai đoạn 1 trong việc xây dựng ĐTTM và hiện đang thực hiện các bước tiếp theo.

Cuối tháng 12/2018, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành ĐTTM” giai đoạn 2018- 2025. Với việc chính thức công bố Đề án, Đà Lạt sẽ là một trong những thành phố đầu tiên trên cả nước triển khai xây dựng thành phố thông minh.

Theo Đề án, Đà Lạt hiện tập trung vào triển khai xây dựng một số lĩnh vực chính: Chính quyền số; Quy hoạch đô thị; Nông nghiệp thông minh; Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Du lịch thông minh; Giao thông thông minh; Thành phố an toàn và Lĩnh vực môi trường…

Trong khi đó, cuối năm 2017, TPHCM đã phê duyệt Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Đến thời điểm này, TPHCM đã đạt được một số kết quả nhất định như xây dựng các kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm An toàn thông tin, Kiến trúc chính quyền điện tử TP, tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư triển khai Đề án,…

Hiện TPHCM đang triển khai các công đoạn bước đầu và đặt quyết tâm sớm trở thành một ĐTTM đúng nghĩa.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đối với TPHCM, việc quản lý gắn với ĐTTM nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt là tính bền vững của phát triển kinh tế; nâng cao mức sống của người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ sống tốt nhất; chính quyền phục vụ người dân tốt nhất; người dân tham gia vào quá trình quản lý và giám sát chính quyền.

Theo đó, đô thị thông minh có 4 chủ thể gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân và tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh. Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là môi trường thực; không gian mạng, internet, viễn thông; con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình...

Trần Bình - Doanh nhân Sài Gòn

Bài gốc

Xem thêm