Sân chơi sáng tạo nông nghiệp dành cho bác nông dân lẫn nhà khoa học


Đối tượng của cuộc thi có thể là những nhà khoa học, trường ĐH, viện nghiên cứu nhưng cũng có thể là các bác nông dân hay những nhà quản lý đam mê công nghệ.

Ông Phạm Xuân Đà giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và thể lệ cuộc thi

Ông Phạm Xuân Đà giới thiệu về mục đích, ý nghĩa và thể lệ cuộc thi

Ngày 13/5, Cục công tác phía Nam - Bộ KH&CN phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Bình Dương tổ chức lễ phát động cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” năm 2019 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ.

Đây là lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ thông qua ứng dụng các giải pháp có tính đột phá, thực tiễn theo nhu cầu xã hội. Sân chơi được kỳ vọng xây dựng mạng lưới liên kết giữa những tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thông qua việc truyền thông về các mô hình, giải pháp hiệu quả.

Phát biểu ở buổi lễ phát động, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam - Bộ KH&CN cho biết: “Sáng tạo trong tầm tay là những thứ nhỏ, ai cũng có thể làm được ngay nhưng vấn đề là có dám làm hay không. Những thứ này không chỉ là ý tưởng mà đã được ứng dụng trong thực tiễn có kết quả."

Đối tượng của cuộc thi có thể là những nhà khoa học, trường ĐH, viện nghiên cứu nhưng cũng có thể là các bác nông dân hay những nhà quản lý đam mê công nghệ.

Hiện nay, nhiều nông dân có những sáng tạo hay nhưng còn rời rạc, sơ khai nên khó tham gia vào các vườn ươm hay thu hút các nhà đầu tư. Bởi vậy, cuộc thi muốn phát hiện những sáng tạo mang tính thực tiễn và giúp lan tỏa những sáng tạo này thông qua sự liên kết giữa các địa phương trong vùng.

Ngoài ra, cuộc thi cũng khuyến khích các mô hình có tính lan tỏa trong cộng đồng, mang lại hiệu quả truyền thông và tính liên kết vùng.

Cụ thể, cuộc thi hướng đến đối tượng là các tổ chức, cá nhân đã có những giải pháp, mô hình được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp như các giải pháp sản xuất mới, các mô hình mang lại hiệu quả và lợi nhuận phù hợp, các loại cây trồng phù hợp thổ nhưỡng địa phương có tính kinh tế cao. Bên cạnh đó, ban tổ chức mong muốn thông qua cuộc thi khuyến khích các giải pháp ứng dụng CNTT và số hóa trong canh tác nông nghiệp, phân phối sản phẩm, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa.

Với mục tiêu đó, Ban giám khảo sẽ đánh giá cao 3 tiêu chí hiệu quả ứng dụng thành công trong thực tiễn, khả năng lan tỏa và tính sáng tạo. Ban tổ chức sẽ hỗ trợ các sản phẩm được giải về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, kết nối với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, cũng cho biết: “Bình Dương đã có một số hoạt động bước đầu trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh phát triển công nghiệp , Bình Dương muốn phát triển thành phố thông minh, phát triển hoạt động khởi nghiệp, tăng đóng góp của KH&CN vào phát triển của địa phương. Do đó, cuộc thi sẽ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tinh thần sáng tạo tại Bình Dương cũng như cả vùng".

Ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi

Ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi

Ban tổ chức cuộc thi nhận các hồ sơ đăng ký tại Sở KH&CN các tỉnh trong vùng đến hết tháng 6/2019. Các sản phẩm dự thi sẽ trải qua 3 vòng xét duyệt gồm sơ kết, bán kết và chung kết để chọn ra 1 giải Nhất (trị giá 50 triệu đồng), 2 giải Nhì (trị giá 20 triệu đồng), 3 giải Ba (trị giá 10 triệu đồng) và 9 giải Khuyến khích (trị giá 3 triệu đồng).

Các sản phẩm vượt qua vòng sơ kết sẽ được giới thiệu đến cộng đồng qua trang web của cuộc thi. Cùng với đó, các nhóm lọt vào vòng bán kết sẽ được hỗ trợ, huấn luyện để nâng cao khả năng trình bày, hoàn thiện sản phẩm trước khi tham dự vòng bán kết tổ chức tại Cục công tác phía Nam - Bộ KH&CN. Vòng chung kết cuộc thi dự kiến sẽ được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 9/2019.

Phạm Sơn - Khampha.vn

Bài gốc

Xem thêm