Blockchain không phải ‘thuốc thần’ cho quản lý thực phẩm


“Những gì blockchain làm được, các phần mềm cơ sở dữ liệu khác cũng có thể làm được”. Đây là những gì mà cô Sarah Taber - nhà khoa học cây trồng ở Bắc Carolina, Mỹ nói với đồng nghiệp về việc liệu blockchain có thể là ‘chén thánh’ trong vấn đề an toàn thực phẩm hay không.

Theo cô, trước hết ngành công nghiệp nên nhìn vào bên trong để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm. “Vấn đề không phải ở công nghệ”, cô nói, “vấn đề là ở con người”.

Trong năm vừa qua, ngành công nghiệp thực phẩm đã phải đối mặt với một số đợt bùng phát bệnh từ thực phẩm. Chính vì vậy, ngành công nghiệp thực phẩm đã tìm đến công nghệ, cụ thể là blockchain, như một giải pháp cho sự bùng phát dịch bệnh. Đáng chú ý nhất là Walmart đã ra thông báo rằng vào năm 2019, tất cả các nhà cung cấp rau củ của họ phải sử dụng blockchain để được tiếp tục cung cấp sản phẩm của mình cho chuỗi siêu thị này.

Blockchain ra đời năm 2008, là một phần của tiền điện tử bitcoin. Blockchain ghi lại tất cả các giao dịch của các hệ thống máy tính tham gia vào chuỗi dữ liệu.

Công nghệ Blockchain đã thu hút được nhiều tiếng vang trong ngành công nghiệp thực phẩm trong năm vừa qua, nhưng theo cô Sarah Taber, đó không phải là công cụ vạn năng. “Nếu công ty bạn không thuê những nhân viên chất lượng, sẽ không có công cụ gì có thể hoạt động được”- cô nói.

Việc theo dõi 1 sản phẩm, ví dụ như rau xà lách, sẽ chỉ tốn một vài giờ đồng hồ của một công ty như Walmart, chứ không phải là một vài ngày. Theo cô Sarah, nếu phải mất nhiều thời gian hơn một vài giờ, chứng tỏ những người nhân viên đó đang không tận dụng được những công cụ họ đang có.

Cô Sarah nói rằng gần đây cô có trao đổi với một nhà phân phối bơ, và mặc dù người này sử dụng một hệ thống máy tính khá cũ, thì anh ta cũng chỉ tốn vài giờ để theo dõi sản phẩm của mình trên phạm vi quốc tế.

Họ nhập khẩu bơ từ Chile, Mexico và California, sau đó làm sạch và đóng gói sản phẩm, rồi phân phối đến những cửa hàng trên khắp Mỹ và Canada. “Ngay cả khi họ chỉ sử dụng 1 phần mềm trên nền tảng DOS từ thập niên 80, họ có thể theo dõi sản phẩm của mình trong vòng 2 tiếng đồng hồ”, Sarah nói.

Và khi mà phải tốn đến hàng tuần thay vì vài tiếng đồng hồ để theo dõi sản phẩm, việc tìm ra nguồn gốc bùng phát dịch bệnh sẽ trở nên bất khả thi.

Đó là lí do tại sao các cơ quan như FDA và CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) rất khó khăn trong việc tìm ra nguồn dịch. “Và kể cả khi họ có đến được những trang trại bùng phát dịch bệnh, những dấu vết dịch bệnh có thể đã biến mất rồi”, Sarah nói.

“Trong ngành nông nghiệp, có 1 sự không minh bạch giữa việc lưu giữ hồ sơ xấu và gian lận hoàn toàn”, Sarah chia sẻ kinh nghiệm của mình khi còn là 1 kiểm toán viên. Không thể biết chắc chắn điều gì đang thực sự xảy ra khi không có ai theo dõi.

Blockchain có thể cung cấp một cách ghi lại và truy cập dữ liệu tốt hơn, nhưng nếu công nhân không báo cáo các vấn đề và ban quản lí không ghi lại dữ liệu một cách chính xác, blockchain sẽ không thể mang lại được nhiều giá trị.

Linh Nguyễn Lê (theo Forbes)

Xem thêm