Nhật ký innovation: Người cũ và người mới


Hội ngộ Mekong Connect – diễn đàn kinh tế lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, có một thông điệp được lặp lại nhiều lần, từ trên sân khấu chính cho đến bữa cơm trưa, và cả những cuộc trò chuyện ngắn giữa giờ: câu chuyện về sự thay đổi tư duy, và sự cần thiết của sự xuất hiện những con người mới, không chỉ của đồng bằng…

IMG_20191107_112514(1).jpg

Bung đã qua cái thời thích tham gia các sự kiện, lễ lạc và khách khứa. Lúc nào, đứng trước một cánh cửa mà bên trong là đám đông, cũng xuất hiện hai luồng suy nghĩ khác nhau: mình sẽ đứng lui về một góc phòng, tự kỷ nhìn ngắm mọi người hay là xông pha ôm ấp chào hỏi vồ vập. Và ở Mekong Connect, quyết định xứt dầu thơm thiệt là thơm, đứng trước cửa hội trường, hít một hơi dài rồi bước vào, tươi cười hào hứng ôm ấp các thể loại. Bao nhiêu là người quen lâu rồi không gặp, bao nhiêu là câu chuyện cần được nối tiếp, và bao nhiêu là cơ hội làm ăn sẽ mở ra khi mình vượt qua rào cản tự kỷ của bản thân.

Đây là ông Nadav, đại sứ Israel tại Việt Nam. Lần trước, Nadav đến Bến Tre dự Mekong Connect khi vừa sang Việt Nam nhận nhiệm vụ được vài tuần lễ. Nadav khác kiểu nhà ngoại giao trịnh trọng và nói những lời có cánh, ông xuất thân trong một gia đình làm kinh doanh, nên kể những câu chuyện cụ thể, thiết thực. Ông kể, với mong muốn tạo ra một sự thay đổi, mang đến một thứ gì đó mới mẻ cho người nông dân đồng bằng sông Cửu Long từ trải nghiệm của mình, của đất nước nông nghiệp công nghệ cao Israel. Năm nay, Nadav kể tiếp câu chuyện về những bước đi dài và xa của nông nghiệp thế giới. Ông chiếu một video clip về các máy bay tự lái (drone) bay lòng vòng khu vườn để tự hái trái cây. Phóng nhỏ lại, nhìn từ trên cao, thấy giống một bầy ong đang hút nhuỵ hoa, và Bung nổi da gà vì nó giống trong những bộ phim giả tưởng…

Đây là ông Trai, Phạm Phú Ngọc Trai, người mà Bung gọi là đại sư phụ, người dạy Bung từ những ứng xử nhỏ nhất trên đời như phải cài cổ áo sơ mi cho tới cách tư duy chiều rộng và chiều sâu. Bung không tin được, là thầy Trai có thể nhớ chính xác câu chuyện mà Nadav kể ở Mekong Connect hai năm về trước. Điều này thật phi thường, vì mỗi ngày, ông phải nghe bao nhiêu bài trình bày, đọc bao nhiêu tài liệu, nhưng vẫn nhớ cái điều quan trọng nhất mà Nadav chia sẻ: Chúng ta cần có trách nhiệm tái đào tạo năng lực cho người nông dân để hình thành những người nông dân mới, biết ứng xử với máy móc, công nghệ và tư duy thị trường mới. Hai ông đứng nói chuyện với nhau, lâu ơi là lâu, vì muốn thiết kế cho xong một cuộc thảo luận khác với những người có trách nhiệm khác: ai sẽ tạo ra những con người với tư duy mới cho cuộc cạnh tranh mới để có thể phát triển bền vững.  

Ông Trai bảo, hiện giờ mình cứ làm kinh tế nông nghiệp theo kiểu tuyến tính, tức là có miếng đất, mua hạt giống, trồng lên, phân thuốc các loại, và tính ra giá bán. Điều này chưa đúng, và chưa đủ, vì giá bán của chúng ta chưa tính cái phần ăn lẹm vào tương lai, vào những chất thải mà chúng ta tạo ra, vào những giá trị mà chưa đo đếm được. Chúng ta cần thay đổi bằng việc bắt đầu tư duy về một nền kinh tế tuần hoàn, nơi mà ở đó, mọi hoạt động được kết nối với nhau thành vòng tròn, và môi trường, trái đất cũng như tương lai không bị thiệt thòi. Đâu có gì khó, ông lấy ví dụ một trại nuôi lợn ngoài Bắc mà ông biết: tất cả mọi thứ đều được xem xét ở các mức độ khác nhau. Sản phẩm thì duy trì hoặc sửa chữa để sử dụng tiếp, hoặc tái chế. Ngay cả trong quá trình sản xuất và ứng xử với nguyên liệu thô vẫn có cách để phục hồi hoặc tái sử dụng. Miễn là suy nghĩ của mình hướng về việc này, thì hành động và giải pháp sẽ theo sau thôi… 

Bung nghe hai ông nói chuyện, tự dưng nghĩ về mình. Liệu mình có kịp thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm để kịp một giai đoạn mới, khi mà những việc tay chân hay trí óc đều có máy tham gia làm thay, khi mà tài nguyên bản địa ngày một vơi đi mà mình chưa biết làm sao để phục hồi.

Bung thấy đau đầu, may là có chút niềm vui là chôm chôm Bến Tre đã chính thức được xuất khẩu qua Mỹ, và biết rằng nếu trồng trái chanh dây, thì sẽ có thu nhập cao gấp ba bốn lần trồng khoai lang. Tất nhiên, chôm chôm muốn xuất ngoại thì phải sạch, và chanh dây muốn bán được giá thì phải nắm chắc thị trường thế giới đang muốn mua món này tới chừng nào…

Bung Trần


Xem thêm